Công nhân, viên chức, lao động tỉnh tham gia Giải chạy bộ “Bước chân người lao động - Khỏe để lao động sản xuất” do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức
Phát triển các phong trào
Nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của CNLĐ ngày càng tăng. Do vậy, các cấp CĐ quan tâm, duy trì tổ chức phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao (VHVN, TDTT) trong CN, viên chức (VC), LĐ với nhiều hình thức.
Đó là đầu tư cơ sở vật chất như xây dựng sân bóng chuyền, bóng đá; các dụng cụ tập thể dục đa năng; thành lập các câu lạc bộ bóng đá, đội văn nghệ, tập thể dục giữa giờ;...
Qua đó, đời sống CNVCLĐ được nâng lên, nhất là nâng cao thể lực, thúc đẩy khí thế thi đua LĐ, sản xuất, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN).
Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh - Nguyễn Văn Quí cho biết: “Những năm qua, LĐLĐ tỉnh và các cấp CĐ thường xuyên tổ chức các hoạt động VHVN, TDTT cho CNLĐ tham gia như Hội thi Tiếng hát CNLĐ, Hội thao CNLĐ, giải bóng đá mini, giải chạy bộ,...
Đặc biệt, năm 2023 và 2024, LĐLĐ tỉnh tổ chức đội tham gia Giải bóng đá CNLĐ toàn quốc chào mừng Đại hội XIII CĐ Việt Nam; tham gia Chương trình Giờ thứ 9+ do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức, phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Long An tổ chức Chương trình Nghệ sĩ và tri âm - Vinh quang Người lao động, Radio Tháng 5 - Kết nối CN thu hút hàng trăm lượt thí sinh và vận động viên tham gia, cổ vũ,...”.
Đặc biệt, các dịp Tết Nguyên đán, Tháng CN, LĐLĐ tỉnh duy trì tổ chức các hoạt động văn nghệ như chương trình Tết sum vầy thu hút đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ tham gia; hoạt động vui xuân, đón tết, thăm hỏi, tặng quà, “Tất niên nhà trọ”, “Phiên chợ phục vụ CN”, “Chợ tết CĐ”,... tại các khu công nghiệp nhằm chăm lo cho CNLĐ, nhất là CNLĐ không có điều kiện về quê đón tết.
Công nhân, lao động tham gia giải bóng đá do Công đoàn cơ sở doanh nghiệp tổ chức
10 năm qua, trong tỉnh tổ chức hơn 5.000 cuộc hội thi, hội diễn, hội thao về VHVN, TDTT cho CNLĐ tại các khu công nghiệp.
Ngoài ra, một số CĐ cơ sở DN thành lập nhiều câu lạc bộ, đội, nhóm văn nghệ, thể thao như câu lạc bộ trò chơi dân gian; đội bóng chuyền nam, nữ; đội bóng đá nam, nữ; nhóm hát, nhóm nhảy, múa, nhóm kịch, nhóm người mẫu, nhóm dẫn chương trình,... tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho CNLĐ tham gia phát huy sở trường, năng khiếu, rèn luyện, nâng cao sức khỏe sau giờ làm việc.
Góc văn hóa, giải trí công nhân
LĐLĐ huyện Đức Hòa xác định xây dựng đời sống văn hóa, giải trí cho CNLĐ là một trong những vấn đề quan trọng, góp phần tăng giá trị sản xuất, tạo điều kiện để chủ DN và người LĐ hiểu, gắn kết chặt chẽ với nhau hơn.
Đặc biệt, nhận thấy được hiệu quả của mô hình Góc văn hóa, giải trí CN, LĐLĐ huyện nhân rộng trong năm 2024 nhằm tạo sân chơi bổ ích, ý nghĩa cho CNLĐ.
Qua đó, CNLĐ được tham gia các hoạt động văn hóa, TDTT, giúp giải tỏa áp lực sau những giờ làm việc căng thẳng. Mô hình hiện được nhân rộng tại 21 công ty (Cty) có đông CNLĐ, 5 khu nhà trọ CN.
Lũy kế đến nay, toàn huyện có 27 Cty và 5 khu nhà trọ CN có góc văn hóa, giải trí CN, phục vụ thường xuyên cho hơn 12.000 đoàn viên, CNLĐ trên địa bàn huyện.
Tủ sách tại Góc văn hóa, giải trí công nhân do Liên đoàn Lao động huyện Đức Hòa phát động
Thực hiện mô hình, LĐLĐ huyện hỗ trợ mỗi đơn vị 30 đầu sách, báo để CNLĐ xem vào giờ giải lao, giúp họ có điều kiện thuận lợi tìm hiểu về quyền, lợi ích chính đáng của người LĐ.
Ban giám đốc các Cty hỗ trợ về địa điểm, cơ sở vật chất ban đầu như tivi, kệ sách, góc tuyên truyền,... Ban chấp hành CĐ cơ sở DN chịu trách nhiệm về kinh phí mua sắm và bảo quản các dụng cụ tập luyện TDTT.
Mỗi góc văn hóa, giải trí CN có diện tích khác nhau, tuy nhiên có điểm chung là bố trí kệ sách, tài liệu tuyên truyền về CĐ, chính sách, pháp luật Nhà nước, Luật CĐ, nghị quyết đại hội CĐ các cấp, những tài liệu DN cần tuyên truyền đến CNLĐ.
Đây cũng là nơi lưu giữ thành tích, hình ảnh hoạt động của Cty, tổ chức CĐ và là nơi sinh hoạt CĐ; đồng thời, tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, giáo dục nâng cao trình độ chuyên môn, văn hóa, kiến thức xã hội; tạo môi trường giao lưu, tăng cường tình đoàn kết, xây dựng văn hóa DN trong CNLĐ tại Cty, khu lưu trú CN.
Các góc văn hóa, giải trí CN còn được bố trí khu vực giải trí như bàn bóng bàn, bàn cờ tướng, sân cầu lông, bóng chuyền, bóng đá, sân đá cầu, tivi,... giúp CNLĐ rèn luyện nâng cao thể lực, sức khỏe, thỏa đam mê và được thư giãn.
Có góc giải trí công nhân, công nhân, lao động được vui chơi, thư giãn trong giờ giải lao, sau giờ làm việc
Mỗi góc văn hóa, giải trí CN được thành lập, LĐLĐ huyện Đức Hòa tổ chức ra mắt và thông tin, tuyên truyền trên các kênh truyền thông nhằm tạo hiệu ứng tốt trong công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người LĐ, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của tổ chức CĐ.
Chủ tịch LĐLĐ huyện Đức Hòa - Nguyễn Thị Kiều Oanh cho biết: “Góc văn hóa, giải trí CN tạo môi trường giao lưu, tăng cường tình đoàn kết, xây dựng văn hóa DN trong CNLĐ toàn Cty, giúp CNLĐ hăng say LĐ, sản xuất, phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ của DN. Đặc biệt, việc sinh hoạt văn hóa đạt hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của CNLĐ, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, đẩy lùi các tệ nạn xã hội trong CNLĐ, nhất là tại các khu nhà trọ CN”.
Các hoạt động chăm lo của các cấp CĐ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ, nhất là tạo sự gắn bó của CNLĐ với tổ chức CĐ, DN, khu nhà trọ CN và địa phương./.
Đặng Tuấn