Tiếng Việt | English

30/09/2021 - 21:20

Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm

Tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có ý nghĩa quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Làm tốt công tác này sẽ giúp các cơ quan thực thi pháp luật xử lý nhanh chóng, chính xác thông tin tội phạm, tạo cơ sở để các giai đoạn tố tụng tiếp theo xử lý nghiêm minh tội phạm và giải quyết đối với những hành vi không có dấu hiệu tội phạm.

Từ tin báo tội phạm của người dân, lực lượng Công an huyện Cần Giuộc nhanh chóng bắt giữ đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy (Ảnh tư liệu)

Từ tin báo tội phạm của người dân, lực lượng Công an huyện Cần Giuộc nhanh chóng bắt giữ đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy (Ảnh tư liệu)

Bước đệm quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm

Thông tin từ Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh, công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tố tụng hình sự cũng như trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đây là hoạt động xác minh làm rõ căn cứ nhằm kịp thời phát hiện hành vi phạm tội xảy ra xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để xem xét, quyết định việc khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Làm tốt giai đoạn này sẽ giúp xử lý nhanh chóng, chính xác thông tin tội phạm, tạo cơ sở để các giai đoạn tố tụng tiếp theo xử lý nghiêm minh tội phạm và giải quyết đối với những hành vi không có dấu hiệu tội phạm.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Trong đó, năm 2002, Bộ Chính trị có Nghị quyết (NQ) cụ thể về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp, yêu cầu các cơ quan tư pháp trước hết cần “thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm”. Đồng thời, Quốc hội cũng ban hành nhiều NQ như NQ37, ngày 23/11/2012; NQ111, ngày 27/11/2015 và gần đây là NQ96, ngày 27/11/2019 yêu cầu Chính phủ chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp phải thụ lý 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và giải quyết phải đạt trên 90%.

Bên cạnh đó, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 cũng dành các điều luật quy định đầy đủ, cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục tiếp nhận và giải quyết các nguồn tin về tội phạm nhằm xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi nhất để khuyến khích người dân tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Dưới sự chỉ đạo của Đảng và Quốc hội, ngày 29/12/2017, Liên ngành Trung ương gồm Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và VKSND Tối cao ban hành Thông tư liên tịch 01 hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 về việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Trước yêu cầu từ thực tiễn và nhiệm vụ cải cách tư pháp, những năm qua, VKSND tỉnh phối hợp cơ quan điều tra, các cơ quan hữu quan tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm các quy định về tiếp nhận, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố nhằm góp phần nâng cao chất lượng giải quyết án hình sự. Trong đó, ngày 17/8/2020, VKSND tỉnh chủ trì phối hợp cơ quan điều tra, các ngành ký kết quy chế phối hợp liên ngành về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn tỉnh với yêu cầu tất cả tin báo về tội phạm đều được cơ quan điều tra thụ lý giải quyết, không có trường hợp nào không thụ lý.

Lực lượng công an phối hợp người dân bắt giữ đối tượng Đặng Hoàng Dũng, 30 tuổi, lái xe

Lực lượng công an phối hợp người dân bắt giữ đối tượng Đặng Hoàng Dũng, 30 tuổi, lái xe "điên" gây nguy hiểm trên các tuyến đường nội ô TP.Tân An (Ảnh tư liệu)

Bảo đảm tiếp nhận, giải quyết kịp thời tất cả tin báo về tội phạm

Thông tin từ Công an tỉnh, những năm qua, Công an tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm thông qua nhiều hình thức. Trong đó, các đơn vị duy trì nghiêm túc chế độ trực ban hình sự 24/24 giờ; đặt hòm thư tố giác tội phạm ở nhiều nơi; nhận thông tin từ đơn thư gửi qua đường bưu điện, điện thoại trực ban, đường dây nóng, qua văn bản kiến nghị khởi tố của cơ quan tư pháp và theo dõi, nắm bắt tình hình thông tin có dấu hiệu tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đặc biệt, công an các địa phương còn tiếp nhận tin báo tội phạm qua các hình thức mạng xã hội như Zalo, Facebook hay thông qua các mô hình phòng, chống tội phạm hiệu quả như móc khóa tố giác tội phạm, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc,... Qua các thông tin, tin báo, tố giác tội phạm của người dân đều được lực lượng công an cơ sở phân loại và chuyển các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Đơn cử, lúc 15 giờ ngày 07/4/2021, Công an xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc nhận được tin báo tội phạm của chị Phạm Thị Hường (ấp Tân Hòa, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc) vừa bị cướp giật tài sản tại khu vực trước cổng Trường THPT Đông Thạnh (xã Đông Thạnh) khi đang chờ rước bạn. Tiếp nhận tin báo, Công an xã Đông Thạnh nhanh chóng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, trích xuất hệ thống camera an ninh để nhận dạng và truy bắt đối tượng. Hơn 3 tiếng sau, đối tượng Nguyễn Văn An (38 tuổi, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước) bị bắt cùng tang vật. Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cần Giuộc khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn An để điều tra về tội cướp giật tài sản.

Thông tin từ VKSND tỉnh, từ năm 2019 đến nay, cơ quan điều tra tiếp nhận, thụ lý 4.604 tin báo; phân loại, giải quyết 4.011 tin, đạt 87,1%. Trong đó, riêng năm 2019 giải quyết 1.438/1.564 tin, đạt 91,4%; năm 2020 giải quyết 1.792/1.979 tin, đạt 90,5%, đều vượt chỉ tiêu của Quốc hội. Trong giải quyết tin báo, khởi tố điều tra chiếm tỷ lệ cao trong số tin đã giải quyết, tương ứng với 2.594 vụ/4.011 tin, chiếm trên 65%. Đặc biệt, trong quá trình tiếp nhận giải quyết, không có trường hợp tin báo quá hạn giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự và Thông tư liên tịch.

Tuy nhiên, theo đánh giá của VKSND tỉnh, trong quá trình thực hiện công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm vẫn còn một số tin báo chưa được thụ lý, giải quyết kịp thời; công an cấp xã khi thụ lý tin báo chưa kịp thời báo cáo cơ quan điều tra công an cấp huyện thụ lý, giải quyết phần nào làm ảnh hưởng đến công tác điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết vụ án. Bên cạnh đó, hàng năm, VKSND 2 cấp đều tiến hành kiểm sát việc giải quyết phối hợp cơ quan điều tra phân loại kịp thời, chính xác bảo đảm việc xử lý tội phạm. Qua công tác kiểm sát trực tiếp, VKSND 2 cấp ban hành 64 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm thiếu sót trong quá trình thụ lý, giải quyết và 14 kiến nghị phòng ngừa tội phạm.

Thời gian tới, ngoài cơ quan điều tra được giao nhiệm vụ thì cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra như kiểm lâm, hải quan, biên phòng, thanh tra, công an cấp xã phải nắm chắc, đầy đủ các nguồn tin báo về tội phạm, thụ lý kịp thời cũng như tiến hành xác minh ban đầu và chuyển ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền thụ lý, giải quyết. Đồng thời, VKSND chủ động, tích cực yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin bảo đảm theo quy định tại Điều 159 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Với những yêu cầu của công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đặt ra trách nhiệm nặng nề hơn đối với các cơ quan tư pháp được giao nhiệm vụ. Do đó, việc tổ chức bộ máy các cơ quan này phải tiếp tục được củng cố, kiện toàn; đồng thời, mỗi cán bộ làm công tác trong lĩnh vực này phải không ngừng học tập nâng cao năng lực, trình độ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ./.

Kiên Định - Thành Đủ

Chia sẻ bài viết