Tiếng Việt | English

08/08/2016 - 14:58

Nâng tầm xã văn hóa - nông thôn mới

Được công nhận xã văn hóa - nông thôn mới từ năm 2014, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành tiếp tục nâng chất các tiêu chí đã đạt nhằm hướng tới xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Trong quá trình nâng chất, Đảng bộ, chính quyền xã Hòa Phú luôn phát huy sức dân, thực hiện nhiều việc làm hướng đến lợi ích của cộng đồng nhằm nâng cao đời sống người dân...


Tuyến đường bêtông qua ấp 3, ấp 4 được thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm

Hoàn thiện giao thông, thủy lợi

Trong các mục tiêu hướng đến xây dựng xã NTM kiểu mẫu, Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã Hòa Phú - Bùi Văn Hòn thông tin, năm 2016, xã tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông và thủy lợi. Hiện tại, đa số các tuyến đường liên ấp trong xã đều được bêtông nên việc đi lại, giao thương của người dân Hòa Phú ngày càng thuận lợi. Với những tuyến giao thông nông thôn còn lại, để hoàn thiện, cả hệ thống chính trị tiếp tục vận động thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Năm 2016, xã vận động người dân đóng góp hơn 600 triệu đồng để bêtông tuyến đường dài 1,2km qua ấp 3 và ấp 4. Nhìn con đường rộng rãi, không sình lầy như trước, người dân phấn khởi. Ông Nguyễn Văn Đúng, ở ấp 4 - người góp 11 triệu đồng và hiến hơn 200m2 đất để làm đường chia sẻ: “Nếu không có chủ trương bêtông, mở rộng tuyến đường thì bây giờ, việc đi lại vẫn khó khăn. Trước đây, tuyến đường này là đường đất nhỏ hẹp nên đi lại rất vất vả. Mỗi vụ thu hoạch, vận chuyển lúa ra đường lớn rất khó khăn. Từ ngày tuyến đường được hoàn thành, chúng tôi rất mừng”. Vì hiểu lợi ích khi mở đường nên ông Đúng và người dân ấp 3, ấp 4 sẵn sàng chung tay, góp sức cùng Nhà nước thực hiện.

Năm 2016, xã được tỉnh đầu tư gần 15 tỉ đồng nạo vét kênh Hòa Phú và bêtông tuyến đường cặp kênh với chiều dài 5km. Tuyến kênh Hòa Phú được nạo vét sẽ phục vụ nước sản xuất cho 3 xã: Hòa Phú, Vĩnh Công và Bình Quới (trong đó, chủ yếu là xã Hòa Phú). Hiện tại, hệ thống thủy lợi ở xã Hòa Phú đều được nạo vét và khi tuyến đường cặp kênh Hòa Phú hoàn thành, toàn xã có hơn 98% đường nhựa và bêtông cứng hóa.


Khởi công công trình gia cố đường Bờ kênh và cầu Hòa Phú tại xã Hòa Phú, huyện Châu Thành

Hướng đến sử dụng nước sạch

Theo ông Bùi Văn Hòn, thực hiện chương trình nước sạch từ nay đến năm 2020 là một trong những chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020. Xã chọn đây là chương trình đột phá vì sau khi được công nhận xã văn hóa - NTM, tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh phải đạt 100% nhưng hiện nay, tỷ lệ sử dụng nước sạch qua lắng lọc còn rất thấp. Vì vậy, để nâng chất các tiêu chí xã văn hóa - NTM, xã quyết tâm thực hiện tiêu chí còn yếu này.

Hiện toàn xã Hòa Phú có hơn 40% hộ dân sử dụng nước sạch qua lắng lọc, chủ yếu ở ấp 3 và ấp 5. So với chỉ tiêu xã NTM kiểu mẫu thì con số này chưa đạt. Vì vậy, tỷ lệ nước sạch qua lắng lọc phải nâng cao theo lộ trình. Theo ông Hòn, đến cuối năm 2016, con số này phải đạt hơn 50% và đến cuối năm 2020 là trên 80%. Để thực hiện đạt chỉ tiêu đề ra, xã Hòa Phú tích cực vận động người dân cùng thực hiện.

“Vận động làm đường thì dễ nhưng vận động người dân làm giếng nước, gắn dàn lọc để dùng nước sạch qua lắng lọc thì rất khó. Bởi, người dân nghĩ rằng, có nước hợp vệ sinh là được rồi, không cần nước sạch nên đi vận động phải kiên trì để người dân hiểu và đồng tình tham gia” - ông Hòn cho biết thêm.

Qua vận động, 6 giếng nước sạch được thi công, trong đó có 2 giếng hoàn thành từ phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tổng kinh phí xây 6 giếng nước là 2,4 tỉ đồng, người dân góp 50%. Ông Nguyễn Văn Bền, 75 tuổi, ở ấp 1 từng hiến gần 100m2 đất để xây giếng nước vào năm 2010. Năm 2016, khi được vận động đóng 3 triệu đồng gắn dàn lọc để dùng nước sạch, ông vẫn đồng lòng.

Ông cho biết: “Trước đây, vì giếng nước cách nhà tôi hơn 200m nên nước chảy yếu. Thấy vậy, tôi tình nguyện hiến đất để xây giếng nước cho gia đình và bà con lối xóm sử dụng nước hợp vệ sinh. Nhưng khi nghe tuyên truyền nguồn nước dễ bị ô nhiễm do người dân sản xuất nông nghiệp sử dụng phân gà, thuốc bảo vệ thực vật nên gắn thêm dàn lọc nước để dùng nước sạch, tôi rất ủng hộ vì có nguồn nước sử dụng an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Đối với gia đình nông dân như ông Bền, quanh năm sản xuất 3 vụ lúa trên 8.000m2 đất chỉ đủ xoay sở trong gia đình nên số tiền đóng góp 3 triệu đồng không phải là chuyện dễ nhưng ông vẫn sẵn lòng cùng người dân đóng góp vì điều này mang lại lợi ích cho dân, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Trên chặng đường nâng chất xã văn hóa - NTM, hướng đến xây dựng xã NTM kiểu mẫu, để thành công, cần sự chung tay, góp sức của chính quyền và người dân địa phương!

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết