Tiếng Việt | English

07/01/2020 - 10:25

Ngân hàng nỗ lực góp phần phòng, chống 'tín dụng đen'

"Tín dụng đen" là lĩnh vực phát sinh ngoài xã hội, không do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép và quản lý. Tuy nhiên, NHNN tỉnh Long An luôn thể hiện trách nhiệm, phối hợp Công an tỉnh và các sở, ngành, chính quyền địa phương trong việc ngăn ngừa, hạn chế "tín dụng đen", góp phần giữ vững an ninh, trật tự địa phương.

Một đối tượng cho vay nặng lãi bị cơ quan chức năng lập biên bản

Một đối tượng cho vay nặng lãi bị cơ quan chức năng lập biên bản

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương với thủ đoạn, phương thức tinh vi, phức tạp làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây ra nhiều bức xúc trong xã hội. Điều lo lắng là hoạt động “tín dụng đen” xảy ra ở hầu hết địa phương trong tỉnh. Cùng với các ngành chức năng, ngành ngân hàng cũng tích cực tăng cường trách nhiệm góp phần phòng, chống “tín dụng đen”.

Chánh Thanh tra NHNN Việt Nam Chi nhánh tỉnh Long An - Huỳnh Văn Chúc cho biết: NHNN tỉnh thường tổ chức họp định kỳ, đột xuất, chuyên đề để chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện quyết định của NHNN Việt Nam góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Đồng thời, NHNH Chi nhánh tỉnh Long An đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn về việc triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Qua đó, góp phần hạn chế “tín dụng đen” theo đúng chỉ đạo của NHNN Việt Nam và kế hoạch của UBND tỉnh Long An.

Theo báo cáo của NHNN Việt Nam Chi nhánh tỉnh Long An, mạng lưới các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh hiện gồm 193 điểm giao dịch, với 34 chi nhánh cấp 1; 19 quỹ tín dụng nhân dân và 4 tổ chức tài chính vi mô. Các ngân hàng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bưu Điện Liên Việt, Chính sách Xã hội,... đã mở rộng thêm các phòng giao dịch, điểm giao dịch đến tận các xã vùng sâu, vùng xa.

Để góp phần hạn chế “tín dụng đen” ở nông thôn, các ngân hàng còn mở rộng đối tượng cho vay đến mọi tầng lớp nhân dân, công nhân, lao động, học sinh, sinh viên, người trên 60 tuổi. Đa dạng hóa các hình thức cho vay như cho vay lưu vụ, cho vay qua sổ tín dụng, cho vay thông qua các tổ, nhóm của các tổ chức chính trị - xã hội, hoặc xuống trực tiếp địa điểm giao dịch gặp khách hàng để cho vay, thu nợ,...

Đồng thời, tăng cường triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người đi vay trong tiếp cận vốn tín dụng, đặc biệt là các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, dự án ứng dụng công nghệ cao, đầu mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, niêm yết công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục cho vay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng khi vay vốn. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát cán bộ ngân hàng nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm nếu phát hiện cá nhân liên quan đến các đối tượng “tín dụng đen”.

Song song đó, ngành ngân hàng cũng thường xuyên tuyên truyền, thông tin kịp thời, đầy đủ về các chính sách, sản phẩm cho vay và đưa vốn đến tận tay người dân một cách hiệu quả nhất. Qua đó, tăng cường tuyên truyền những hệ lụy liên quan đến “tín dụng đen” để nhân dân biết, cảnh giác.

Tại cuộc tọa đàm về ngăn chặn “tín dụng đen” gần đây, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh tỉnh Long An - Nguyễn Trọng Điệp cho biết, đối tượng cho vay của ngân hàng chính sách rất rộng từ tiêu dùng, sản xuất, buôn bán, cho con đi học,... Những hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay, mục đích rõ ràng, ngân hàng chính sách luôn có vốn để đáp ứng.

“Ngân hàng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về các chính sách tín dụng ngân hàng, các gói, các khoản cho vay ưu đãi đến mọi tầng lớp nhân dân. Qua đó, tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn vay hợp pháp khi có nhu cầu, hạn chế tình trạng vay của các đối tượng cho vay nặng lãi” - ông Nguyễn Trọng Điệp cho biết..

Chánh Thanh tra NHNN Việt Nam Chi nhánh tỉnh Long An - Huỳnh Văn Chúc thông tin, NHNN Chi nhánh tỉnh Long An sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng, bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm. Đồng thời, NHNN cung cấp kịp thời thông tin, tài liệu phục vụ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc liên quan đến "tín dụng đen" theo quy định. Thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người vay.

Tại cuộc tọa đàm về ngăn chặn “tín dụng đen” do Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức trong tháng 9-2019, ngành chức năng cho biết, qua sà soát trên địa bàn tỉnh có 535 cá nhân, 34 nhóm hoạt động cho vay, đòi nợ. Ngoài ra, có gần 300 cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự liên quan đến hoạt động cho vay như kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kinh doanh vàng hoặc điện thoại kết hợp với dịch vụ cầm đồ. Thời gian qua, đã có nhiều người vay “tín dụng đen”, cầm đồ phải trả lãi cao nên mất khả năng thanh toán và bị đòi nợ, siết nợ, hăm dọa, khủng bố tinh thần, đổ sơn, chất bẩn vào nhà, bị gọi điện hoặc nhắn tin uy hiếp, bị chiếm đoạt tài sản, thậm chí bị đánh đập, bị chém trọng thương,...

Lê Đức

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích