Ngày hội Đọc sách tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (TP.Tân An) với chủ đề “Đọc sách cùng con” diễn ra vào tháng 01/2018
PV: Thưa ông, việc ra đời Ngày Sách Việt Nam có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống xã hội hiện nay?
Ông Huỳnh Cao Chánh: Ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21-4 hàng năm làm Ngày Sách Việt Nam. Ngày 21/4/1927 là ngày ra mắt cuốn sách “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam.
Việc ra đời Ngày Sách Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, nhằm tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ và quảng bá sách. Đồng thời, cũng là dịp đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam. Có thể khẳng định, Ngày Sách Việt Nam là hoạt động văn hóa quan trọng trong đời sống xã hội, việc đọc sách góp phần giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Ngày Sách Việt Nam được tổ chức hàng năm là hoạt động văn hóa rất thiết thực, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
PV: Ông có thể cho biết, hiệu quả của các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam mà Long An tổ chức thời gian qua?
Ông Huỳnh Cao Chánh: 4 năm qua, Long An tổ chức Ngày Sách Việt Nam khá thành công, bởi sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng và sự tham gia đầy trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương. Qua đó, cho thấy Ngày Sách Việt Nam dần đi vào nhận thức của cộng đồng và thực sự trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội Việt Nam.
Ở cấp tỉnh, với vai trò chủ trì tham mưu, tổ chức của Sở Thông tin và Truyền thông, việc triển khai các hoạt động chào mừng Ngày Sách Việt Nam nhận được sự phối hợp, hưởng ứng tích cực của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các doanh nghiệp liên quan. Từ đó, tạo nên sự gắn kết, lan tỏa trong cộng đồng. Điển hình, năm 2016, có 14 gian hàng trưng bày hơn 18.000 bản sách của các đơn vị: Công ty CP Sách và Dịch vụ văn hóa, Công ty Sách và Thiết bị trường học, Công ty CP In Long An, Nhà sách FAHASA Long An, Thư viện tỉnh, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh. Trong chuỗi hoạt động, các cơ quan, đơn vị tham gia trao tặng tập, sách với trị giá 42 triệu đồng cho Hội Khuyến học tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và thư viện các trường học để hỗ trợ học sinh và bạn đọc là chiến sĩ, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong tỉnh,...
Năm 2017, ngoài trưng bày sách, Long An còn tổ chức buổi nói chuyện về sách với chủ đề “Sách với cuộc sống” do Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm trình bày về lợi ích của việc đọc sách; phương pháp tạo thói quen đọc sách mỗi ngày; tổ chức hoạt động quyên góp sách, ủng hộ sách hỗ trợ các trường học vùng sâu, vùng xa, học sinh khó khăn với hơn 1.020 bản sách, tổng kinh phí hơn 53 triệu đồng. Các hoạt động này thu hút độc giả nhiều lứa tuổi, nhiều tầng lớp tham dự như trò chơi tương tác với sách, chiếu phim phục vụ, làm thẻ đọc sách cho bạn đọc, bán sách giảm giá,...
PV: Xin ông cho biết các hoạt động được tổ chức trong tỉnh nhân Ngày Sách Việt Nam năm 2018?
Ông Huỳnh Cao Chánh: Năm 2018, Ngày Sách Việt Nam có chủ đề “Sách với gia đình”. Để hưởng ứng, tỉnh tổ chức “Ngày Sách Việt Nam” từ ngày 19 đến hết ngày 23/4 tại khuôn viên của các công ty phát hành sách, Thư viện tỉnh. Theo đó, các nơi này trưng bày sách, xếp sách nghệ thuật theo chủ đề năm 2018 ở khu vực riêng, phù hợp để người dân đến tham quan, đọc sách và mua sắm; các công ty phát hành sách mở đợt giảm giá sách từ 10-50% và phục vụ đọc miễn phí.
Hai bạn trẻ Sầm Thị Thanh Mai và Lê Văn Đề từ huyện Cần Đước đến Thư viện tỉnh đọc sách, tìm tư liệu vào sáng ngày 19/4/2018 để dự thi “Long An quê hương tôi” lần 9
Công tác thông tin, tuyên truyền được tập trung đẩy mạnh; tỉnh cũng tổ chức phát động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam trong lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức, viên chức, Đoàn Thanh niên, học sinh, sinh viên trong tỉnh; phát động phong trào quyên góp, ủng hộ tập, sách cho các trường học vùng sâu, vùng xa, học sinh nghèo; khuyến khích học sinh giữ gìn sách giáo khoa đẹp để ủng hộ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Các hoạt động khác cũng được khuyến khích: Xây dựng mô hình tủ sách gia đình, dòng họ; phòng đọc nhà văn hóa xã, phường; tổ chức đọc sách theo từng chủ đề tại các trường học, góc đọc sách trong lớp học; tổ chức câu lạc bộ đọc sách trong học sinh, sinh viên với các hoạt động ngoại khóa; tổ chức các hoạt động hưởng ứng trong hệ thống thư viện, nhà sách, tủ sách cơ quan, đơn vị, hướng dẫn kỹ năng đọc, chọn sách phù hợp cho từng đối tượng.
PV: Xin cảm ơn ông!
M.Hương