Hành trình đến với cải lương
Sinh ra trong một gia đình có 7 anh, chị em ở xã Long Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An nhưng không ai theo nghiệp ca hát, chỉ Phùng Ngọc Bảy là đam mê và gắn bó với sân khấu. Những ngày còn là cậu học sinh cấp 2, Ngọc Bảy thường rủ bạn bè về nhà đóng tuồng như các nghệ sĩ cải lương trong màn ảnh truyền hình. Niềm đam mê cải lương hình thành trong Phùng Ngọc Bảy từ thuở nhỏ như thế!
Học hết lớp 12, Ngọc Bảy đi làm công nhân. Cứ ngỡ, cánh cửa để Ngọc Bảy đến với sân khấu cải lương đóng chặt, nhưng những ngày làm công nhân đã đưa Ngọc Bảy bén duyên với cải lương.
Một ngày nghỉ cuối tuần, Ngọc Bảy cùng bạn bè đi hát karaoke, ngang qua một câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử của xã Long Trạch, bắt gặp tiếng đờn, lời ca thánh thót, Ngọc Bảy mải mê đứng nghe. “Thấy vậy, các cô, chú trong CLB gợi ý tham gia sinh hoạt nhưng Ngọc Bảy sợ ba mẹ không đồng ý. Hôm sau, có một chị trong CLB đến tận nhà xin ba mẹ cho Ngọc Bảy tham gia CLB. Từ đó, ban ngày, Bảy đi làm, buổi tối đi giao lưu ca hát cùng cô, chú” - Ngọc Bảy kể lại.
Khi tham gia CLB, được thầy Bảy Minh cùng các thành viên chỉ dạy về nhịp nhàng, cách hát nên Ngọc Bảy hát ngày càng “cứng” hơn. Ngọc Bảy bắt đầu tham gia các cuộc thi hát ở huyện Cần Đước do Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên huyện... tổ chức.
Trong một tối đến tham gia CLB, Ngọc Bảy bị tai nạn giao thông. Lần này, ba mẹ quyết ngăn cản không cho anh đến với con đường cải lương. Nhưng khi hồi phục, nghe tiếng đờn, anh rạo rực trong lòng và một lần nữa lại quyết tâm theo cải lương.
Năm 2009, Ngọc Bảy khăn gói về TP.HCM tham dự cuộc thi “Bông lúa vàng” do Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM tổ chức và đoạt giải 4. Cũng thời gian này, anh đậu vào khóa học do Nhà hát Trần Hữu Trang phối hợp Trường Cao đẳng Sân khấu Nghệ thuật tổ chức.
3 năm học tập ở trường, Ngọc Bảy được Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Bạch Tuyết, NSND Thanh Hải, NS Huỳnh Mai... tận tình chỉ dạy cách phát âm, nhã chữ, nhịp nhàng và lối diễn. Từ đó, anh khẳng định được tài năng cải lương bằng giải thưởng “chuông Bạc” vọng cổ năm 2011.
Chuông Bạc Phùng Ngọc Bảy (người đứng bên trái)
Vừa rèn nghề, vừa rèn đạo đức
Giải chuông Bạc vọng cổ mang đến cho Phùng Ngọc Bảy một “bước nhảy” trên con đường nghệ thuật. Nghệ sĩ Ngọc Bảy được mời tham gia nhiều chương trình như: Vầng trăng cổ nhạc, Nghệ sĩ và tri âm, Ngân mãi chuông vàng,...
Gần đây, khi tham gia cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015, Phùng Ngọc Bảy “ẵm” Huy chương Vàng với vai Thiên trong vở “Lâu đài cát”. Những giải thưởng này không làm Phùng Ngọc Bảy ngủ quên trong chiến thắng mà đó là động lực để anh tiếp tục rèn nghề, phục vụ khán giả mộ điệu cải lương.
Ngoài chương trình của Nhà hát Trần Hữu Trang mà anh đang công tác, tết này, nghệ sĩ Phùng Ngọc Bảy sẽ về Long An biểu diễn phục vụ khán giả quê nhà và cho ra mắt CD “Mừng tuổi mẹ” song ca cùng Hồ Ngọc Trinh, Thu Vân,... Thời gian tới, anh tiếp tục ra mắt DVD “Hành trình về đất phương Nam”.
Trong cuộc đời làm nghệ thuật, ngoài hát hay, diễn giỏi, Ngọc Bảy còn chú trọng đến đạo đức người nghệ sĩ. Anh rèn bản thân sự đồng cảm, tình yêu thương con người. Ngọc Bảy bảo rằng: “Vốn xuất thân từ gia đình khó khăn nên tôi rất hiểu những mảnh đời nghèo khổ. Vì vậy, tôi từng kêu gọi mạnh thường quân đến thăm, tặng quà những cô, chú nghệ sĩ nghèo của Hội Dưỡng lão nghệ sĩ ở quận 8, TP.HCM. Tôi cũng tham gia chuyến từ thiện tại mái ấm Hồng Quang ở tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng ở xã Long Trạch, huyện Cần Đước...”.
Phùng Ngọc Bảy – một nghệ sĩ có lẫn sắc và thanh. Giọng hát của anh vừa mùi, vừa hùng như tiếng chuông ngân vang vọng./.
Thùy Hương