Tiếng Việt | English

30/11/2020 - 11:00

Nguyễn Văn Tiến - Vị anh hùng vì nước quên thân

Đến xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An hỏi “Lăng ông” hầu như ai cũng biết. Đó chính là Khu di tích Mộ và đền thờ Tổng lãnh binh Nguyễn Văn Tiến. Người dân trong vùng vẫn quen gọi là “Lăng ông” để tỏ lòng kính trọng đức ông vì nơi đó có mộ và ngôi nhà lớn được xây theo kiến trúc đình làng cổ truyền để làm nơi thờ cúng ông Nguyễn Văn Tiến.

hi khu đền cũ quá xuống cấp thì đền mới được xây dựng khang trang với khuôn viên rộng, đẹp bằng nguồn kinh phí do cấp trên hỗ trợ và xã hội hóa trong nhân dân

Khi khu đền cũ quá xuống cấp thì đền mới được xây dựng khang trang với khuôn viên rộng, đẹp bằng nguồn kinh phí do cấp trên hỗ trợ và xã hội hóa trong nhân dân

Đưa khách đến thăm Lăng ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng ấp Chợ Trạm, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước - Phạm Như Nhã kể: “Phần mộ ông là được cải táng lại sau này. Đền thờ cũng là sau này người dân dựng lên để thờ cúng ông, chứ trước kia, phần mộ ông nằm cặp bờ sông, cách đây một đoạn”. Theo ông Nhã, sau khi Tổng lãnh binh Nguyễn Văn Tiến bị hành quyết tại chợ Trạm vào năm 1883, khi giặc Pháp rút, người dân đã cùng nhau làm lễ an táng ông nhưng do điều kiện chiến tranh loạn lạc nên mộ khá sơ sài, cạnh bờ sông. Sau này, người dân tưởng nhớ vị anh hùng vì nước quên thân nên đã lập đền thờ và di dời phần mộ ông vào trong khuôn viên đền.

Người anh hùng vì nước quên thân

Nguyễn Văn Tiến sinh năm 1848, cha ông là Nguyễn Văn Xương - một thầy võ nổi tiếng, mẹ tên Phan Thị Yến ở làng Quảng Tập (nay thuộc thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ). Năm 16 tuổi, Nguyễn Văn Tiến tham gia chiến đấu trong hàng ngũ nghĩa quân.

Là người giỏi võ nghệ lại có tài chỉ huy xuất sắc, sau đó ông được phong làm Chưởng Cơ điều khiển cánh nghĩa quân hoạt động ở vùng Tân An, Vàm Cỏ, Cần Đước, Cần Giuộc ngày nay.

Trong trận tập kích bất ngờ ở vùng Bình Đăng (Bình Hưng, quận 8, TP.HCM ngày nay), giặc Pháp bắt được ông. Theo ghi chép cũ, bọn chúng “đã cho một số bạn bè cũ đã đầu hàng Pháp, được Pháp trọng dụng, đến khuyên dỗ, thuyết phục ông kêu gọi những quân sĩ dưới quyền nên hạ vũ khí ra đầu thú chúng, nhưng trước sau ông vẫn đều kiên quyết từ chối”.

Sáng ngày 03/10 năm Quí Mùi (22/11/1883), Pháp đã xử chém ông tại Chợ Trạm, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước. Theo ghi chép về di tích, trước giờ hành quyết, giặc Pháp sai người dọn cho ông một mâm cơm thịnh soạn có thịt, có rượu tây nhưng ông không ăn, dùng chân đá đổ mâm cơm và chửi thẳng vào mặt bọn cướp nước. Khí phách người anh hùng Nguyễn Văn Tiến, người tận trung với nước, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, thật đáng để đời sau ghi nhớ và học tập.

Người dân nhớ mãi, tôn thờ ông

Để tưởng nhớ người anh hùng vì nước quên thân, người dân Mỹ Lệ, Cần Đước đã cùng nhau dựng lên khu Lăng ông để ngày ngày được thắp nhang tưởng nhớ và hàng năm làm lễ giỗ trọng thể cho ông. Trong khuôn viên Lăng ông có phần mộ, đền thờ ông và đài “Vị quốc vong thân” ghi danh các chiến sĩ đã theo Tổng lãnh binh Nguyễn Văn Tiến chiến đấu chống Pháp.

Lễ giỗ đức ông Nguyễn Văn Tiến vừa được tổ chức vào ngày 03-10 Âm lịch vừa qua với sự tham gia của đông đảo người dân. Ông Nhã kể: “Cứ gần đến ngày giỗ là người dân lại chung tay đóng góp, cùng nhau tính toán việc làm lễ cúng đức ông. Vì đây là di tích lịch sử cấp tỉnh nên phần lễ được chính quyền đứng ra tổ chức. Phần hội và việc cúng kiếng do người dân cùng làm”. Năm nào cũng vậy, ngoài lễ vật, người dân còn phụng cúng nhạc lễ và chơi tài tử tại lễ giỗ, bởi Cần Đước có thể được xem là cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử tại Long An. Khi không có dịch Covid-19, lượng khách đến viếng lễ giỗ lên đến hàng ngàn người, có cả khách thập phương từ nơi khác tới.

Gian thờ Tổng lãnh binh bên trong đền

Gian thờ Tổng lãnh binh bên trong đền

Nói về tình cảm của người dân đối với đức ông Nguyễn Văn Tiến, phải kể đến việc người dân đã cùng nhau dựng lên khu lăng mộ và đền thờ đức ông. Dù lối kiến trúc không có gì đặc sắc nhưng tình cảm đặt vào đó thì dễ dàng nhìn thấy. Hồ sơ di tích Mộ và đền thờ Tổng lãnh binh Nguyễn Văn Tiến có mô tả kỹ phần mộ đức ông như sau: “Mộ cao khỏi mặt đất 80cm, …mặt trong được chạm chữ “Thần” bằng chữ Hán trên nền xi măng, phía dưới chân là bia mộ bằng cẩm thạch xung quanh đắp xi măng. Bia có ghi “Chi mộ Việt Nam Ái Quốc Tổng lãnh Binh, ông Nguyễn Văn Tiến, 1848 Vị Quốc Vong Thân ngày 3/10 Quí Mùi tức 22/11/1883, lập mộ ngày 19/2 Kỷ Dậu” bằng chữ quốc ngữ khắc chìm vào nền bia cẩm thạch. Bốn góc mộ có đắp nổi hình bông sen bằng xi măng cao, ở đầu xây vòm mái tượng trưng cao”.

Đền thờ ông Nguyễn Văn Tiến vừa được xây dựng mới thay thế cho đền cũ đã xuống cấp. Nhưng theo ghi chép về đền cũ thì trên hàng cột của gian chính có các câu đối viết trên giấy hồng đơn như sau:

Câu 1: Tám phương lê thứ đẳng tri mang

Bốn cõi anh hùng đồng mến đức.

Câu 2: Bảo quốc ngừa sanh vi tối lạc

An dân bá kế Tổng hà lao.

Câu 3: Ngàn năm vang dội tiếng anh hùng

Muôn kiếp nêu cao gương dũng tướng.

Hồ sơ di tích Mộ và đền thờ Tổng lãnh binh Nguyễn Văn Tiến có nhận định về khu đền cũ như sau: “Nhìn chung lăng vừa theo kiểu kiến trúc đình làng cổ truyền, vừa theo kiểu kiến trúc nhà nông thôn Việt Nam. Các gian gắn liền nhau và bố trí không được hài hòa lắm. Nhiều gỗ đã bị hư hỏng như: Mái, nền, vách,… có lẽ nguyên nhân chủ yếu là khi xây dựng gấp rút, vội vàng, chủ yếu là hoàn thành để có nơi thờ cúng, chứ không chú ý đến quy mô xây dựng... Tuy nhiên, ở đây ta vẫn thấy toát lên được lòng kính trọng của nhân dân quanh vùng đối với người anh hùng đã xả thân vì đất nước”. Và khi khu đền cũ quá xuống cấp thì đền mới được xây dựng khang trang với khuôn viên rộng, đẹp bằng nguồn kinh phí do cấp trên hỗ trợ và xã hội hóa trong nhân dân.

Tổng lãnh binh Nguyễn Văn Tiến đã sống trong lòng người dân Chợ Trạm, Mỹ Lệ, Cần Đước nói riêng và Long An nói chung như vậy. Dù là thời loạn lạc hay lúc hòa bình, cuộc sống yên vui thì người dân cũng có cách để thờ phụng và nghĩ tới đức ông, người anh hùng yêu nước và quyết chiến đấu tới giây phút cuối cùng./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết