Tiếng Việt | English

27/01/2017 - 20:31

Nhạc sĩ Huỳnh Khải từ nông dân trở thành thạc sĩ

Nếu ai hỏi con đường trở thành thạc sĩ âm nhạc dân tộc, ông mỉm cười, trả lời ngắn gọn: “Đó là niềm đam mê với đờn ca tài tử”. Vì đam mê, từ một nông dân, ông trở thành nhạc sĩ, thạc sĩ và có nhiều đóng góp cho loại hình đờn ca tài tử.

Thạc sĩ âm nhạc từng là nông dân

Nhìn nhạc sĩ Huỳnh Khải say sưa nghe đờn ca tài tử, chúng ta hiểu được phần nào tình yêu ông dành cho loại hình nghệ thuật này. Ông kể: “Lúc nhỏ, thấy cha chơi đờn kìm, tôi mê lắm! Mỗi lần cha chơi đờn cùng bạn, tôi lại học lỏm. Khi cha ra đồng, tôi lấy cây đờn kìm treo trên vách xuống, khảy “mò” những bài bản học lỏm. Thấy vậy, cha truyền dạy cho tôi vài bản đờn kìm, Bình bán vắn, Kim tiền Huế,... Khi đó, tôi 9 tuổi”.

Dù biết nhiều nhạc cụ nhưng nhạc sĩ, thạc sĩ Huỳnh Khải chơi chính đờn guitar

Ở nhà học cha, ra ngoài học bạn! Bạn của Huỳnh Khải lúc ấy có Tấn Khoa, Văn Hào, Năm Sở,... Những ngày học chung Trường THPT Thủ Thừa, đến giờ giải lao, Huỳnh Khải cùng các bạn ngồi lại đờn ca, bổ sung “ngón nghề” cho nhau. Thời phổ thông trôi qua, ông không thi vào đại học.

Ở lại quê nhà, anh nông dân Huỳnh Khải và các bạn đồng trang lứa thường rủ nhau giao lưu văn nghệ trong xóm để nắn nót ngón đờn trong lúc nông nhàn. Ngoài thời gian ruộng sớm, đồng trưa, ông còn đảm nhận công việc Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ xã Mỹ An Phú (xã Mỹ An, Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa bây giờ). Ông viết tuồng, hát tuồng cải lương và chơi chính guitar phím lõm. Riêng đờn kìm, ông rành 20 bản tổ và các giai điệu cải lương.

Đến năm 1980, Huỳnh Khải lên TP.HCM, học tại Trường Quốc gia Âm nhạc, nay là Nhạc viện TP.HCM và cộng tác tại Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM. Huỳnh Khải tìm đến danh cầm Văn Vĩ, nhạc sĩ Văn Giỏi học thêm về đờn guitar phím lõm, đến nhạc sĩ Tư Huyện học thêm đờn cò, đàn violin. Học trung cấp rồi lên đại học, đến năm 1988, Huỳnh Khải có bằng cử nhân âm nhạc dân tộc và được giữ lại giảng dạy ở Nhạc viện.

Nhạc sĩ Huỳnh Khải cho biết: “Tôi chưa có ý định học cao học nhưng GS.TS.NSND Quang Hải động viên “Khải có tâm huyết với âm nhạc dân tộc, nên tiếp tục học cao học để nghiên cứu, đóng góp cho loại hình này”. Từ đó, tôi quyết định học tiếp và tốt nghiệp cao học âm nhạc dân tộc vào năm 2003”.

Một lòng vì âm nhạc dân tộc

Những năm học tại Nhạc viện, ông chọn đờn kìm là nhạc cụ chính để học, bởi đây là nhạc cụ quen thuộc từ ấu thơ. Gắn bó với đờn kìm, nhạc sĩ Huỳnh Khải chọn đề tài “Phương pháp sư phạm đàn kìm trong âm nhạc tài tử, sân khấu cải lương và sáng tác mới cho đàn kìm” để nghiên cứu làm luận văn tốt nghiệp cao học.

“Luận văn hướng đến sự kết hợp giữa cách dạy truyền thống (truyền ngón) với cách dạy theo giáo trình, giáo án. Trong cách dạy truyền thống, người thầy đờn, học trò đờn theo nhưng buổi học sau, học trò quên cách đờn nếu không có thầy thì không đờn được. Còn dạy theo giáo trình, học trò tự học, không nhất thiết phải có thầy. Nhưng nhược điểm là học trò không được thầy chỉ dạy, luyện nắn nót ngón đờn trực tiếp. Vì vậy, khi đưa công trình nghiên cứu này vào giảng dạy, các em học thuận lợi hơn” - nhạc sĩ Huỳnh Khải chia sẻ.

Là Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc của Nhạc viện TP.HCM, nhạc sĩ Huỳnh Khải cùng đồng nghiệp xây dựng chương trình đào tạo hướng đến mục tiêu bảo tồn, phát huy âm nhạc dân tộc. Nhạc sĩ Huỳnh Khải nói rằng: “Học viên, sinh viên của khoa được đào tạo kỹ thuật sử dụng nhạc cụ truyền thống ở hai phương pháp: Truyền ngón cổ truyền và học thuật phương Tây. Vì vậy, nhiều học trò bây giờ thành danh, trở thành nghệ sĩ nổi tiếng: Hứa Hoàng Kha - Trưởng đoàn Cải lương Trần Hữu Trang 2, Phan Thanh Long - giảng viên Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TP.HCM,...”.

Từ một nông dân, Huỳnh Khải trở thành thạc sĩ âm nhạc dân tộc, đem hết niềm đam mê để cống hiến. Với ông, đó là niềm vui, là lẽ sống!

Nguyễn Ngọc

Chia sẻ bài viết