Ngày xưa, cúng đình thường có hát bội
Chị đồng nghiệp cũ vừa gởi cho tôi hai tấm hình. Hai tấm hình này được chị chụp khi chúng tôi đi xem hát cúng đình vào mùa xuân của vài năm trước. “Chị vừa dọn dẹp máy tính nên tìm thấy chúng, muốn đem đến cho em một chút bất ngờ và niềm vui nho nhỏ”. Thật là xui xẻo (nói vui thôi) cho chị và cho tôi: Những tấm hình này đến với tôi vào một ngày cuối tuần “trời không nắng cũng không mưa” nên khi nhìn thấy chúng, thay vì vui như mong muốn của chị, lòng tôi lại dâng lên một nỗi gì đó buồn nhớ xa xôi về những điều xưa cũ.
Gần trường cấp 2 của tôi ngày xưa có một ngôi đình. Qua tết một thời gian, đình có lễ cúng đình. Theo quan niệm của người xưa, mỗi vùng đất đều có một vị thần có công khai khẩn, giữ gìn, che chở cho dân chúng trong vùng. Vị thần đó được gọi là Thành hoàng. Đình làng là nơi thờ vị thần đó. Theo lệ xưa, cứ đến mùa xuân, dân trong vùng lại tổ chức lễ cúng đình với nhiều nghi thức trang trọng, thiêng liêng để tạ ơn Thành hoàng, các bậc tiền hiền và cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Dân gian thường gọi chung là Lễ hội Kỳ yên hay Lễ Kỳ yên.
Những ngày đình có lễ, dù học ba tiết hay năm tiết, tôi đều ở lại chơi cho tới tối mù tối mịt mới chịu ra về. Không phải tôi mê ăn uống món ngon mà tôi mê nghe người ta thổi kèn, đánh trống, mê nhìn tàn lọng với những màu sắc tươi vui và mê coi hát bội. Hồi đó ở xứ tôi, cúng đình người ta diễn toàn hát bội. Mấy vở tuồng như Lưu Kim Đính, Mộc Quế Anh dâng cây, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, Đào Tam Xuân báo phu cừu, Tiết Giao đoạt ngọc,... đến giờ tôi vẫn còn nhớ. Các tuồng tích này luôn đề cao sự trung - hiếu - tiết - nghĩa và hướng người xem đến điều hay lẽ phải trong đời.
Hát bội hay còn có tên gọi khác là hát bộ. Tôi thích nhất là xem nghệ sĩ múa ra bộ khi đang hát. Những động tác rất lạ lẫm, rất công phu, cộng thêm hóa trang ấn tượng, kèn trống xôn xao và những âm thanh “ư, ứ, ư...” nghe rất vui tai và cũng rất thương, rất tội! Tôi ngồi xem mà cứ sợ nghệ sĩ bị mệt. Ngồi trước xem không đã, tôi còn luồn vào trong để được gần hơn với nghệ sĩ. Đang ôm cây cột phía sau đình, say sưa tiếp cận nghệ sĩ từ phía sau thì có một bàn tay bóp mạnh vào ót, tôi quay lại. Trời ơi, một khuôn mặt hóa trang xám ngoét cho vai nịnh thần nào đó, thật là khủng khiếp! Nếu là ban đêm, có thể tôi đã “hồn siêu phách lạc” vì gương mặt đó.
Chỉ vui được vài lần cúng đình, tôi lên cấp 3, chuyển sang trường khác, xa mái đình cổ kính rêu phong, xa hai con hạc trong tư thế dợm cánh muốn bay nhưng chẳng bao giờ cất mình lên nổi, xa cái nơi mà đám trò trai chui qua hàng rào kẽm gai, bày đủ trò quái quỷ mỗi giờ ra chơi.
Nghệ thuật và những nét đẹp truyền thống
Gần 20 năm xa, tôi mới được xem lại cúng đình. Bây giờ ở xứ tôi, trong lễ cúng đình, người ta không còn hát bội. Thay vào đó là những tuồng cải lương Hồ Quảng. Vẫn những tuồng tích cũ nhưng được thể hiện với hình thức khác hơn, gần hơn với khán giả bây giờ. Nhưng cũng không mấy người đến xem. Sân khấu nhỏ xíu, cảnh trí đơn giản, khán giả lèo tèo,... Vậy mà nghệ sĩ vẫn diễn với tất cả niềm say mê.
Đứng xem mà tôi không thôi xúc động, phải yêu nghề nhiều lắm họ mới diễn được như vậy. Chợt thương cho thân phận lênh đênh của những người nghệ sĩ “ăn quán ngủ đình”, không được nhiều người biết đến, thương cho nghệ thuật và những nét đẹp truyền thống trong buổi tân thời. Và thương cho tôi, bao nhiêu năm rồi vẫn không hết “bệnh… thương vay khóc mướn”! Thương nhiều quá, nên đứng xem mà cái mặt buồn xo.
|
Ngoài toàn tâm, toàn ý trong sự nghiệp “trồng người”, Thạc sĩ Giản Thị Kim Phương và Tiến sĩ Đặng Ngọc Ngận còn dành niềm say mê cho nghệ thuật cải lương, đờn ca tài tử Nam Bộ.
|
Cuộc sống bây giờ quá nhiều thay đổi. Nhiều nét văn hóa truyền thống đã mai một dần. Dù vậy, vào mùa Lễ hội Kỳ yên, tiếng trống cầu an vẫn khấp khởi vang lên đâu đó trên khắp đình làng Nam Bộ như cố níu chút hồn xưa xứ sở, như xoa dịu tổn thương và tiếp thêm cho ai nguồn năng lượng trong lành, thanh mát sau những tháng ngày vất vả mưu sinh. Nhưng còn mấy ai coi hát cúng đình?./.
Minh Tú