Tiếng Việt | English

03/08/2018 - 04:44

Không để Việt Nam trở thành nơi tập kết, xử lý rác thải

Thời gian qua, hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở Việt Nam có chiều hướng gia tăng mạnh, diễn biến phức tạp. Trong đó, nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường, cho nên doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan hoặc không được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan, dẫn đến tình trạng một lượng lớn phế liệu đang tồn đọng tại các cảng biển, gây ô nhiễm môi trường.

Lực lượng chức năng kiểm tra nhiều lô hàng phế liệu tồn đọng tại cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: NGÔ BÌNH

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2016, nhựa phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam là 245,8 nghìn tấn; năm 2017 là 385 nghìn tấn; sáu tháng đầu năm 2018 là 277,7 nghìn tấn. Giấy phế liệu nhập khẩu năm 2016 là 641,3 nghìn tấn; năm 2017: hơn 1,43 triệu tấn; sáu tháng đầu năm 2018: gần 1,1 triệu tấn. Sắt, thép phế liệu nhập khẩu năm 2016: gần 3,9 triệu tấn; năm 2017: hơn 4,7 triệu tấn, sáu tháng đầu năm 2018: gần 2,7 triệu tấn. Đến ngày 25/7/2018, tại cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) tồn đọng 3.579 công-ten-nơ phế liệu nhập khẩu. Trong đó, 594 công-ten-nơ tồn đọng từ 30 đến 90 ngày, 2.423 công-ten-nơ tồn đọng hơn 90 ngày, số còn lại tồn đọng chưa quá 30 ngày. Tại cảng Hải Phòng, đến ngày 5/7/2018, tồn đọng 1.485 công-ten-nơ, tăng thêm 228 công-ten-nơ so với ngày 05/6. Trong đó, có 632 công-ten-nơ tồn đọng từ 30 đến 90 ngày, 853 công-ten-nơ tồn đọng quá 90 ngày.

Trước thực trạng này, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đang chủ trì triển khai kế hoạch “Điều tra, xác minh, xử lý vi phạm trong hoạt động nhập khẩu phế liệu” nhằm tổ chức điều tra, xác minh các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn trong hoạt động nhập khẩu phế liệu (từ tháng 01/2016 đến 5/2018). Theo đó sẽ tập trung đấu tranh làm rõ các hành vi làm giả giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu, sửa chữa thời gian thực hiện, khối lượng, chủng loại phế liệu được xác nhận nhập khẩu; làm giả, sửa chữa thông báo nhập khẩu phế liệu của các cơ quan có thẩm quyền; làm giả, sửa chữa giấy xác nhận ký quỹ nhập khẩu phế liệu; hành vi cung cấp văn bản chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu không hợp lệ (làm giả hoặc pháp nhân cung cấp văn bản chứng nhận không có chức năng).

Phó Tổng cục trưởng Hải quan Mai Xuân Thành cho biết, đã chỉ đạo các cơ quan hải quan địa phương, các đơn vị nghiệp vụ của ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu, xử lý nghiêm những trường hợp có hành vi gian lận, nhập khẩu phế liệu không đáp ứng về điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động xây dựng và triển khai ngay các kế hoạch kiểm soát rủi ro, phòng chống buôn lậu, kiểm tra sau thông quan, giám sát quản lý đối với mặt hàng phế liệu nhập khẩu. Đồng thời, Tổng cục Hải quan vừa có Công văn số 4202/TCHQ-PC (ngày 17/7/2018) chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan hải quan địa phương thực hiện các biện pháp siết chặt quản lý phế liệu nhập khẩu, nhất là ngăn chặn từ xa khi hàng hóa vẫn còn trên tàu, chưa dỡ xuống cảng đối với hàng hóa là chất thải, hoặc phế liệu không đáp ứng điều kiện, quy chuẩn môi trường trên cơ sở rà soát, phân tích thông tin hàng hóa khai báo trên bản lược khai hàng hóa trước khi hàng đến.

Cụ thể, cơ quan hải quan địa phương cần thông báo cho các hãng tàu vận chuyển hàng hóa, doanh nghiệp kinh doanh cảng về việc không cho phép dỡ hàng xuống cảng khi hàng hóa có thông tin trên bản lược khai là chất thải, yêu cầu hãng tàu vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và xử lý theo quy định. Đối với hàng hóa là phế liệu nhưng người nhận hàng thể hiện trên bản lược khai không có tên trong danh sách doanh nghiệp đã được Bộ hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, thì thông báo cho các hãng tàu vận chuyển hàng hóa, doanh nghiệp kinh doanh cảng không được phép dỡ lô hàng đó xuống cảng, yêu cầu hãng tàu phải vận chuyển hàng hóa này ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp hàng hóa trên tàu có thông tin khai báo trên bản lược khai là hàng đã qua sử dụng, không khai báo là phế liệu nhưng có đặc trưng của phế liệu và người nhập khẩu không thuộc danh sách các doanh nghiệp đã được cấp Giấy xác nhận còn hiệu lực, thì đưa vào diện kiểm tra, kiểm soát trọng điểm. Trường hợp phế liệu nhập khẩu đã đăng ký tờ khai làm thủ tục hải quan, cơ quan hải quan tiến hành lấy mẫu, kiểm tra thực tế 100% lô hàng nhập khẩu để đánh giá việc chấp hành quy định về pháp luật hải quan và pháp luật bảo vệ môi trường...

Để hoạt động nhập khẩu phế liệu diễn ra phức tạp, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có trách nhiệm của nhiều bộ liên quan. Đã đến lúc cần tiến hành thanh tra việc cấp phép nhập khẩu phế liệu thời gian qua, tìm ra nguyên nhân và có giải pháp khắc phục kịp thời, xử lý nghiêm cán bộ, doanh nghiệp vi phạm, khởi tố một số vụ vi phạm pháp luật về môi trường, nhập khẩu phế liệu trái phép vào Việt Nam để răn đe. Trước mắt, các bộ, địa phương liên quan cần tiến hành rà soát, phân loại và xử lý theo quy định phế liệu đang tồn đọng tại các cảng. Đồng thời nêu rõ cơ sở cần thiết, điều kiện, tiêu chuẩn để nhập vào Việt Nam theo hướng giảm danh mục phế liệu được phép nhập khẩu, rà soát vấn đề tạm nhập tái xuất phế liệu, các giấy phép còn hạn ngạch, không cấp mới giấy phép nhập khẩu phế liệu; tránh các khoản chi phí vô lý khi phải tiêu hủy hàng hóa là phế liệu, chất thải đưa vào lãnh thổ nhưng không có người nhận; kiên quyết không để Việt Nam trở thành nơi tập kết, xử lý rác thải của các nước khác./.

Theo Báo Nhân Dân

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích