Chủ nhà trọ được tặng thùng rác để phân loại rác tại nguồn
Chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh phát sinh ngày càng nhiều trong khi nơi xử lý chất thải rắn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Ngoài ra, chất thải rắn chưa được phân loại tại nguồn, các địa phương chưa bố trí trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt,... làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Mô hình Khu nhà trọ CN tự quản xanh, sạch, đẹp được triển khai, giúp CNLĐ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường bằng những việc làm thiết thực hàng ngày. Đó là phân loại rác tại nguồn giúp tận dụng phế liệu tái chế, giảm lượng rác thải ra môi trường; tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý; lan tỏa trong cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường xung quanh.
Thực hiện mô hình Khu nhà trọ CN tự quản xanh, sạch, đẹp, LĐLĐ tỉnh trao tặng 104 thùng rác loại 120l cho 52 khu nhà trọ CN tự quản trên địa bàn TP.Tân An và huyện Cần Đước. Mỗi khu nhà trọ được tặng 2 thùng rác, gồm: Thùng màu xanh và màu cam để thu gom rác theo phân loại.
LĐLĐ tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn CNLĐ phân loại chất thải rắn sinh hoạt: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Đồng thời, CNLĐ được hướng dẫn cách xử lý rác và để rác đúng nơi quy định, giảm thiểu ô nhiêm môi trường.
Được hướng dẫn cách phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, những tác hại của rác thải khi không xử lý đúng cách, nguyên nhân cần phân loại rác tại nguồn,..., chị Trương Thị Bích Liễu - CN ở trọ tại nhà trọ Thi Thảo (ấp 2, xã Long Khê, huyện Cần Đước), cho biết: “Bảo vệ môi trường, đặc biệt môi trường sống xung quanh là trách nhiệm chung của mỗi người. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết nên nhiều người còn xem nhẹ việc bảo vệ môi trường. Được ở khu nhà trọ sạch sẽ, an toàn, hướng tới phân loại rác sinh hoạt tại nguồn, tôi sẽ thực hiện tốt để giảm chất thải ra môi trường”.
Chị Dương Thị Gấm - CN ở trọ tại ấp 2, xã Long Khê, huyện Cần Đước, chia sẻ: “Nhờ có buổi tuyên truyền, tôi biết được lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hơn 870 tấn/ngày, tuy nhiên chỉ tiếp nhận xử lý khoảng một nửa. Riêng rác sinh hoạt tại vùng nông thôn chưa có số liệu thống kê. Thời gian tới, chất thải rắn tiếp tục tăng do quá trình phát triển công nghiệp. Từ đó, tôi ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong chung tay bảo vệ môi trường. Tôi sẽ làm những việc thiết thực như bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác sinh hoạt tại nguồn để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.
Công nhân, lao động xem tờ hướng dẫn phân loại rác sinh hoạt tại nguồn
Ngoài tuyên truyền trực tiếp, LĐLĐ tỉnh còn phát tờ rơi hướng dẫn phân loại rác sinh hoạt tại nguồn; cách phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; xử lý chất thải thực phẩm làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi; xử lý các chất thải sinh hoạt khác như có thể chôn lấp hoặc đốt; xử lý chất thải cồng kềnh, chất thải nguy hại (pin, ắc-quy, thiết bị điện tử,...).
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - Phạm Thị Quyên nhắc nhở, động viên CNLĐ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; phát huy tác dụng của thùng rác để phân loại rác tại nguồn; bỏ rác đúng nơi quy định, giữ môi trường nơi sinh sống luôn sạch sẽ, từ đó góp phần bảo vệ sức khỏe của mình và người thân.
Mô hình được thực hiện nhằm nâng cao ý thức của CNLĐ trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu; hạn chế sử dụng rác thải nhựa; bảo vệ sức khỏe cho mình, người thân, gia đình và cộng đồng./.
Đặng Tuấn