Tiếng Việt | English

06/10/2016 - 09:52

Những lão nông “hay quên” thành tích

Tính đến quí III-2016, nông dân trong tỉnh Long An cùng các ngành, đoàn thể, địa phương tham gia đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn: Sửa chữa, xây mới 24 cây cầu, nâng cấp 39,6km đường giao thông nông thôn, nạo vét 8km kênh mương nội đồng,... và hiến 2.150 mét vuông đất với số tiền trên 9 tỉ đồng và 1.252 ngày công. Chúng tôi có dịp tiếp xúc với một vài lão nông để nghe họ tâm sự về những đóng góp đó, và chợt nhận ra, họ là những lão nông “hay quên” những thành tích của mình.


Ông Trương Văn Sáng bên vườn thanh long của mình

1. Là gia đình có truyền thống cách mạng, đang thờ 2 liệt sĩ, ông Trương Văn Sáng, ở ấp Cầu Đôi, xã An Lục Long, huyện Châu Thành luôn nhiệt tình với các hoạt động đoàn thể cũng như công tác xã hội ở địa phương.

Hơn 20 năm nay, ông miệt mài tham gia các đoàn thể và đi vận động người dân trong xóm, ấp làm cầu, đường, thắp sáng đường giao thông nông thôn. Hầu như công trình nào ở trong ấp cần mở rộng, làm nền hạ, rải đá hay thắp sáng,... đều có mặt ông. Ông là người tiên phong đóng góp, lại là thành viên trong ban vận động. Trong quỹ thời gian của ông luôn có một khoảng dành cho các hoạt động trên. Với ông, đó là điều hiển nhiên, không đáng lưu tâm. Cũng như việc ông đã hiến bao nhiêu đất, đóng góp bao nhiêu tiền cho các công trình, ông cũng không nhớ hết. Ông nói: “Chủ trương, chính sách của Nhà nước kêu gọi thì mình ủng hộ, ai cũng ủng hộ mà. Ủng hộ rồi thì quên, chứ nhớ làm chi!”.

Mới đây, khi xã vận động xây dựng hệ thống nước qua lắng lọc tại ấp Cầu Đôi, ông cùng người dân trong ấp đóng góp. Do tiến độ đóng góp chậm nên ông ứng trước 100 triệu đồng để công trình được hoàn thành trước, sau đó, người dân tiếp tục đóng góp. Đối với ông, đó cũng là một việc làm đơn giản, bình thường, ai cũng làm được. Ông chia sẻ: “Bác là một lãnh tụ vĩ đại, cả đời Bác sống vì dân, vì nước, tui nghĩ, mình học Bác là phải làm những điều có ích, dù đó là những điều nhỏ nhất. Tui nghĩ vậy, rồi ráng làm thôi!”.

Từ những năm 1990, ông Sáng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về việc tham gia phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long, liên tục nhiều năm sau đó, ông được khen thưởng của Trung ương Hội Nông dân, UBND tỉnh và Thủ tướng Chính phủ về những đóng góp của mình. Giờ đây, dù sức khỏe không được như trước, ông vẫn làm kinh tế gia đình và tham gia công tác xã hội, vì đó chính là niềm vui của riêng ông.

2. Chia tay ông Sáng, chúng tôi gặp lão nông Lê Văn Dệ, ở ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ lạc, huyện Thủ Thừa. Trong suốt cuộc trò chuyện, dù chúng tôi cố gợi nhưng ông Dệ cũng không nhớ được nhiều về những hoạt động từ thiện, xã hội cũng như những đóng góp của ông cho địa phương.

Là lão nông chân chất, kiệm lời, ông tham gia các hoạt động một cách nhiệt tình mà chẳng lưu tâm, ghi nhớ làm chi những việc đã làm, những người mình đã giúp.


Niềm vui của ông Lê Văn Dệ giờ đây là con cháu thành đạtvà thú điền viên

Với quan niệm “sống là phải biết chia sẻ”, mười mấy năm nay, ông Dệ cần mẫn tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ người nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vận động làm cầu, đường giao thông nông thôn và hiến đất cho các công trình của xã. Xuất thân từ gia đình bần nông, ông Dệ hiểu rõ những vất vả của người có hoàn cảnh khó khăn. Chính vì thế, hàng năm, ông đều tổ chức vận động, giúp đỡ hộ nghèo, tặng học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bất cứ công trình nào địa phương vận động đều có sự đóng góp của ông.

Không chỉ vậy, ông còn trực tiếp đứng ra vận động người dân sửa chữa, nâng cấp đường giao thông nông thôn. Đối với ông, việc góp công, góp của để tu sửa cầu, đường ở xóm, ấp là điều hết sức bình thường. Ông nghĩ, đó là lợi ích chung, bà con và cả bản thân mình cùng hưởng lợi.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, ông Dệ tâm niệm, mình có điều kiện hơn mọi người một chút thì cần sẻ chia, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Đối với ông, đó là cách thiết thực nhất khi học Bác Hồ. Mới đây, thấy trong xã có nhiều hộ không có đất, khi người thân qua đời phải an táng ngay bên cạnh nhà, ảnh hưởng đến môi trường, ông Dệ hiến 2.000m2 đất làm nghĩa trang nhân dân tại xã. Chia sẻ về điều này, ông chỉ nói: “Tui thấy giờ mình còn khỏe, làm được gì thì cứ làm. Mấy ngôi mộ cải táng ở nghĩa trang hôm trước (mộ không có người chăm sóc - PV) nay bị sụp, tui cũng đang tính mua vật tư về làm lại”.

Đối với ông Dệ, việc đóng góp cho địa phương hay giúp đỡ những hộ khó khăn, ông sẵn sàng làm bất cứ khi nào có thể, không ít thì nhiều, chẳng cần có thời gian hay quy định nào cụ thể. Suốt quá trình tham gia đóng góp của mình, ông Dệ nhận bằng khen của UBND tỉnh, Trung ương Hội Nông dân, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch,... về nhiều thành tích khác nhau. 10 lần như 1, ông nhận bằng khen, giấy khen về làm kỷ niệm, còn tiền khen thưởng kèm theo, ông đều đóng góp lại cho người nghèo ở địa phương. Cuộc sống của ông giờ đây bình yên với sự thành đạt của con cháu, vui thú điền viên. Và ông vẫn tiếp tục giúp đỡ người này, hỗ trợ phong trào khác một cánh âm thầm như ông vẫn làm từ trước tới nay./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết