Tiếng Việt | English

14/11/2018 - 15:14

Những ngôi trường tự hào mang tên nhân vật lịch sử

Hơn 3 thế kỷ kể từ buổi đầu khai phá vùng đất mới, cùng với cả nước trải qua bao thăng trầm của lịch sử, người dân Long An đã viết nên những trang sử vẻ vang thể hiện sâu sắc tình yêu quê hương, đất nước. Chính nơi đây, hoàn cảnh ấy đã xuất hiện những người con ưu tú. Họ là những nhà hoạt động cách mạng có đóng góp lớn cho đất nước và là niềm tự hào của quê hương Long An.

Các bậc anh hùng làm rạng danh quê hương

Trên địa bàn Chợ Lớn - Tân An (nay thuộc tỉnh Long An), giai đoạn từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám 1945, có nhiều gương mặt là nhà giáo, nhà hoạt động cách mạng khoa bảng cũng như học sinh xứng đáng được tôn vinh. Họ là “di sản” và là niềm tự hào của quê hương Long An.

Sĩ phu yêu nước Nguyễn Thông (1827-1884), quê huyện Tân Thạnh, phủ Tân An (nay thuộc huyện Châu Thành) là người có đóng góp rất lớn cho quê hương. Ông đậu cử nhân năm 22 tuổi, được bổ làm Huấn đạo ở An Giang, sau thăng hàm Hàn lâm viên Tu soạn, làm việc tại Nội các ở Huế. Khi thực dân Pháp tấn công Gia Định (tháng 02/1859), ông xin về Gia Định chiến đấu. Đại đồn Chí Hòa thất thủ (tháng 02/1861), ông về quê tham gia cuộc khởi nghĩa do Phan Văn Đạt và Trịnh Quang Nghị lãnh đạo, sau đó làm Đốc học ở Vĩnh Long (năm 1862) rồi Tư nghiệp Quốc tử giám (năm 1876). Nguyễn Thông không chỉ là nhà yêu nước, có đóng góp trong công tác giáo dục mà còn là nhà thơ, nhà nghiên cứu lịch sử, địa lý,... với nhiều tác phẩm có giá trị.

Cùng quê với Nguyễn Thông là Phan Văn Đạt (1828-1861). Ông là người thông hiểu kinh sử, đậu cử nhân năm 32 tuổi (khoa Canh Thân - 1860) nhưng không theo đuổi sự nghiệp văn chương. Tháng 02/1861, ông cùng Trịnh Quang Nghị tập hợp nghĩa binh đánh Pháp. Tháng 9/1861, ông bị Pháp bắt, tra tấn dã man, sau đó bị hành hình trên sông Vũng Gù (phủ lỵ Tân An). Sự hy sinh lẫm liệt của ông khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và lòng căm thù giặc trong nhân dân địa phương, thúc đẩy phong trào kháng Pháp bùng lên mạnh mẽ.

Ngôi trường mang tên Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

Ngôi trường mang tên Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

Anh hùng Nguyễn Trung Trực (1837-1868), một trong những nhân vật lừng danh và là niềm tự hào của quê hương Long An. Ông là vị thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp cuối thế kỷ XIX và có câu nói bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Ông có 2 chiến công lừng lẫy: Đốt cháy tàu L’Espérance - tàu Hy Vọng của Pháp trên vàm sông Nhựt Tảo ngày 10/12/1861 và trận đánh diệt đồn Rạch Giá ngày 16/6/1868.

Một nhân vật kiệt xuất khác là Võ Văn Tần (1891-1941), quê ở quận Đức Hòa (nay là huyện Đức Hòa). Ông là nhà giáo trước khi trở thành một nhà cách mạng. Từ nhỏ, ông được học chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Khi trưởng thành, ông mở trường dạy học và bốc thuốc tại quê nhà. Ông tham gia Hội kín Nguyễn An Ninh, sau đó gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên rồi trở thành đảng viên An Nam Cộng sản Đảng. Năm 1930, ông thành lập Chi bộ Đức Hòa - Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn và giữ chức vụ Bí thư Chi bộ; sau đó là Bí thư Quận ủy Đức Hòa. Từ năm 1931-1935, ông được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, được bầu vào Thường vụ Xứ ủy Nam kỳ, giữ nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy, sau đó được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 4/1940, ông bị thực dân Pháp bắt và tháng 8/1941 bị xử bắn cùng Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai,...

Học sinh tham gia nhổ cỏ, dọn vệ sinh tại tượng Võ Văn Tần tại sân trường

Học sinh tham gia nhổ cỏ, dọn vệ sinh tại tượng Võ Văn Tần tại sân trường

Ngoài những nhân vật trên, Võ Văn Ngân, Nguyễn An Ninh, Hồ Văn Long, Nguyễn Hữu Thọ,... cũng là những nhà yêu nước, có đóng góp rất lớn cho sự nghiệp cách mạng và là niềm tự hào của Long An. Để ghi nhớ công ơn và giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, các địa phương đặt tên trường mang tên những nhân vật lịch sử ấy.

Tự hào và tiếp nối truyền thống

Là một trong những ngôi trường mang tên nhân vật lịch sử, Trường THCS Nguyễn Trung Trực (xã Thanh Phú, huyện Bến Lức) luôn tự hào và nỗ lực trong công tác dạy và học để xứng đáng với ngôi trường mang tên Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Đầu năm học, học sinh (HS) Trường THCS Nguyễn Trung Trực được giới thiệu về trường, về anh hùng Nguyễn Trung Trực, sau đó viết bài thu hoạch nộp cho trường. Thông qua việc tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trung Trực, nhà trường mong muốn HS hiểu thêm về lịch sử, ý chí kiên cường và tinh thần yêu nước của các bậc cha anh; đồng thời khơi gợi cho HS niềm tự hào dân tộc, quyết tâm ra sức học tập.

Giáo viên thay đổi phương pháp giảng dạy và luôn quan tâm học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Cô Đào Thị Huỳnh Nhung - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Trung Trực, tâm sự: “Không chỉ được giảng dạy tại ngôi trường mang tên Nguyễn Trung Trực mà tôi còn là người địa phương - con cháu cụ Nguyễn, là nơi tôi luôn tự hào về truyền thống yêu nước, hiếu học. Chính vì lẽ đó, trong công tác giảng dạy, tôi nỗ lực hết mình để những thế hệ học trò trở thành người tài và thường xuyên lồng ghép giáo dục truyền thống lịch sử nhằm giúp HS hiểu, tri ân những người đi trước”.

“Học tại ngôi trường mang tên Nguyễn Trung Trực - người có những chiến công vang dội, em rất tự hào. Để đền đáp công ơn ấy, em không chỉ tham gia dọn dẹp, thắp hương tri ân tại đền thờ của ông ở địa phương mà còn ra sức học tập để trở thành người có ích cho xã hội, chung tay xây dựng quê hương” - Ngụy Hoàng Bảo Trâm - HS lớp 9/4, Trường THCS Nguyễn Trung Trực, chia sẻ.

Bên cạnh đó, Trường THCS Nguyễn Trung Trực còn nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục. Giáo viên không chỉ năng động, sáng tạo, phát huy tinh thần tự nghiên cứu mà còn thường xuyên thay đổi phương pháp giảng dạy. Trong đó, những phương pháp thường xuyên được áp dụng như dạy học tích hợp, vận dụng kiến thức được học vào thực tiễn, tổ chức học nhóm,... Qua những phương pháp dạy học trên, HS hứng thú trong việc học và phát huy khả năng sáng tạo, tinh thần tự học, đặc biệt là HS năng động và tự tin hơn so với phương pháp dạy trước đây.

Học sinh tìm hiểu tiểu sử đồng chí Võ Văn Tần thông qua góc tuyên truyền tại Phòng Truyền thống của trường

Trường THCS Võ Văn Tần (thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa) cũng tự hào và nỗ lực tiếp bước các bậc cha ông. Ngoài giáo dục HS về tiểu sử Võ Văn Tần thông qua góc tuyên truyền, hoạt động ngoại khóa, tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, lồng ghép trong các môn học,... trường còn mời cháu nội của ông Võ Văn Tần dự khai giảng năm học mới để HS được ôn lại truyền thống và thêm tự hào về trường, quê hương.

Cùng với những hoạt động ấy, trường nỗ lực, phấn đấu trong công tác dạy và học. Theo đó, trường tập trung nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên thông qua các lớp tập huấn, đổi mới sinh hoạt chuyên môn, tạo điều kiện cho giáo viên tự học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, trường tổ chức bồi dưỡng HS giỏi, phụ đạo HS yếu, kém và phối hợp tốt phụ huynh trong việc giáo dục HS.

Cô Lý Thị Tiên - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Võ Văn Tần, chia sẻ: “Để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, tôi luôn học hỏi hàng ngày. Tôi học qua đồng nghiệp, sách, báo, Internet,... Ngoài ra, trong công tác giảng dạy, tôi chú trọng phương pháp lấy HS làm trung tâm, khơi gợi khả năng tư duy, tính sáng tạo của HS. Đặc biệt, tôi quan tâm HS yếu và luôn nỗ lực lấp dần những lỗ hổng kiến thức của các em”.

Dạy và học tại những ngôi trường mang tên nhân vật lịch sử, giáo viên, HS không chỉ tự hào mà còn có thêm động lực để cố gắng, phấn đấu xứng đáng với người đi trước. Và những ngôi trường ấy cũng là niềm tự hào của quê hương Long An./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết