Tiếng Việt | English

02/06/2022 - 09:06

Những sáng kiến cải tiến mang lợi ích cho doanh nghiệp

Yêu công việc, đam mê sáng tạo, nhiều công nhân (CN) hăng say lao động và tích cực tham gia cải tiến, sáng chế ra nhiều thiết bị, máy móc góp phần cùng doanh nghiệp khắc phục khó khăn, tăng năng suất, chất lượng trong hoạt động sản xuất.

Đam mê sáng tạo

Chưa đầy 2 năm gắn bó với Công ty (Cty) TNHH May thêu Thuận Phương - Nhà máy Thuận Phương Long An (huyện Cần Đước, tỉnh Long An), Đường Thị Thanh Như - nhân viên bộ phận IE, sở hữu cho mình 8 sáng kiến cải tiến, góp phần mang lại lợi ích cho Cty và cải thiện tiền lương CN.

Với lợi thế trẻ, năng động, ham học hỏi và đam mê sáng tạo, Như mạnh dạn nêu những ý tưởng cải tiến khi phát hiện những bất cập, khó khăn trong quy trình sản xuất. Có ý tưởng và được Ban Giám đốc, đồng nghiệp ủng hộ, Như bắt tay hiện thực hóa ý tưởng cải tiến của mình ngay.

Chị Đường Thị Thanh Như hướng dẫn công nhân áp dụng cải tiến

Như tâm sự: “Khi có bất kỳ ý tưởng nào để cải tiến cho hoạt động sản xuất, tôi đều tham vấn thêm bộ phận kỹ thuật và QA để nhận xét, đóng góp và bảo đảm ý tưởng cải tiến đó không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản xuất của sản phẩm. Khi ý tưởng cải tiến được thông qua, tôi nghiên cứu thêm tư liệu, học hỏi thêm những người đi trước và bắt tay thực hiện. Trong quá trình thực hiện ý tưởng cải tiến, tôi được đồng nghiệp nhiệt tình giúp đỡ, đặc biệt là khâu test trước đưa vào hoạt động sản xuất. Thông thường, tôi tiến hành test từ 3 - 5 ngày trước khi áp dụng để bảo đảm cải tiến đã hoàn thiện 100%”.

Trong các cải tiến của mình, Như tâm đắc nhất cải tiến nâng số kilôgam/mẻ cho 1 mẻ của sản xuất. Đây là cải tiến giúp thúc đẩy sản lượng ra được nhiều hơn cho 1 mẻ wash trong quy trình sản xuất của Cty. Như kể: “Khi thấy mã hàng có tính chất tương tự nhau nhưng sản lượng đầu ra không nhiều, tôi nghĩ ngay đến ý tưởng nâng số kilôgam để đẩy nhanh số lượng hàng hóa”.

Được biết, quy trình sản xuất trước đây wash 100kg/mẻ và sau khi áp dụng cải tiến của Như nâng lên là wash 130kg/mẻ. Bắt tay thực hiện cải tiến, Như tìm hiểu tính chất mã hàng, vải, chuẩn bị máy móc, thiết bị phục vụ thực hiện cải tiến. Trong quá trình làm, Như quay video để quan sát lại, so sánh các lần thực hiện thử nghiệm để khắc phục những hạn chế; đồng thời, phân tích SMV, so sánh giữa trước và sau cải tiến để đánh giá lợi ích như thế nào, tiết kiệm bao nhiêu thời gian.

“Trong quá trình thực hiện, tôi cũng gặp một vài khó khăn. Trong đó, tôi phải dành nhiều thời gian theo dõi, bám sát quá trình test 3-5 ngày, thậm chí 1 tuần và kịp thời khắc phục, xử lý các tình huống gặp phải để bảo đảm cải tiến hoạt động tốt khi chính thức đưa vào sử dụng. Nhờ đặt nhiều tâm huyết, cải tiến của tôi thành công và hiện được áp dụng, góp phần tăng doanh thu cho Cty” - Như thổ lộ.

Ngoài ra, Như còn có nhiều cải tiến khác như những mã hàng 1 wash đi trực tiếp thẻ mẹ, không đi thẻ con; những mã hàng cần lấy dấu cho PP bắn không có công đoạn Hansand,… Trong đó, cải tiến những mã hàng 1 wash đi trực tiếp thẻ mẹ, không đi thẻ con, trước cải tiến hàng 1 wash đi thẻ con, 1 thẻ giá trị 20 cái quần; sau cải tiến hàng 1 wash đi thẻ mẹ, 1 thẻ giá trị từ 300-600 cái quần, giúp tránh thất thoát thẻ và đỡ tốn thời gian quẹt thẻ.

Như cho biết: “Tôi rất vui và tự hào khi cải tiến của mình được áp dụng vào sản xuất, góp phần nhỏ vào việc tạo ra nhiều sản lượng cho Cty, giảm thiểu những hao phí trong sản xuất và đặc biệt là cải thiện thu nhập cho người lao động. Hiện tôi có ý tưởng cải tiến mới và đang trong quá trình xây dựng, phân tích, tìm hiểu áp dụng định vị hàng hóa sau khi đã nhập kho dựa vào hệ thống Gpro của Cty nhằm tìm hàng nhanh chóng hơn”.

Vì sự an toàn của đồng nghiệp

Giỏi về cơ khí, đam mê sáng tạo, anh Nguyễn Anh Tú - Tổ trưởng Tổ cơ khí bảo trì, Cty Cổ phần Bêtông ly tâm Thủ Đức - Long An (huyện Bến Lức) có nhiều sáng kiến cải tiến, mang lại lợi ích cho hoạt động sản xuất của Cty.

Trong quá trình làm việc, anh Tú không ngừng trau dồi, học hỏi kinh nghiệm từ thực tế để nâng cao tay nghề, nghiệp vụ chuyên môn. Anh luôn ý thức được hiệu quả công việc cùng sự phát triển của Cty là một phần trách nhiệm của bản thân. Do vậy, khi phát hiện dây chuyền máy móc có những hạn chế, anh Tú luôn trăn trở và cố gắng đầu tư thời gian nghiên cứu để khắc phục. Nhờ tinh thần làm việc ấy và đam mê sáng tạo, anh Tú là chủ nhân của nhiều cải tiến hay, hiệu quả.

Cải tiến trên máy móc của anh Nguyễn Anh Tú được áp dụng tại công ty và mang lại hiệu quả

Anh Tú tâm sự: “Bộ phận của tôi có một số công việc anh em CN làm rất nặng nhọc. Đặc biệt là việc nâng chuyển bích lên máy đột trước hầu hết thực hiện thủ công do việc sử dụng hệ thống nâng còn nhiều hạn chế và hầu như chỉ được áp dụng trong các nhà máy lớn. Vì vậy, CN phải làm thủ công với cân nặng 30 - 40kg. Làm việc thường xuyên và kéo dài như vậy ngoài giảm năng suất, tốn sức lao động còn tiềm ẩn nguy cơ thiếu an toàn cho CN. Vậy là tôi nghiên cứu thiết kế hệ thống nâng và kẹp bích khi gia công đột rãnh trên mặt bích để khắc phục những hạn chế trước đó”.

Từ khi có ý tưởng đến hiện thực hóa, anh Tú chỉ mất khoảng 1 tuần để hoàn thành. Hiểu nguyên lý hoạt động, những vấn đề phải khắc phục, anh Tú lên bản thảo thiết kế và tìm hiểu thêm những kiến thức liên quan. Đến cuối tuần, anh Tú bắt tay thực hiện, lắp ráp và cố gắng hoàn thành trong ngày. “Từ thứ hai đến thứ bảy, máy phải vận hành phục vụ hoạt động sản xuất nên không thể sử dụng để tháo lắp, nghiên cứu. Tôi phải hoàn thiện tất cả trên lý thuyết, từ những chi tiết nhỏ nhất để khi thực hành lắp đặt lên máy giảm được những hạn chế, thiếu sót không cần thiết. Nhờ đam mê, nỗ lực nên hệ thống của tôi được hoàn thiện và vận hành thuận lợi”.

Cải tiến này của anh Tú giúp giảm nhân công trong công đoạn gá bích và tháo bích khi gia công rãnh, tăng tính an toàn, giảm sức lao động cho CN; đồng thời, mang lại lợi ích cho Cty với giá trị hàng chục triệu đồng.

Bên cạnh đó, anh Tú còn có sáng kiến nổi bật khác là thiết kế chế tạo máy cắt manchon tự động. Được biết, trước đây, việc gia công cắt machon mặt bích cọc ứng suất trước hầu hết đều thực hiện thủ công do việc sử dụng máy cắt động còn nhiều hạn chế, hầu như chỉ được áp dụng trong các nhà máy lớn nhưng chiếm tỷ trọng rất thấp và không đồng bộ. Làm thủ công nên năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm không cao và giảm khả năng cạnh tranh của nhà máy trong quá trình tham gia thị trường gia công cọc ứng suất trước tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới.

Sau khi áp dụng sáng kiến của anh Tú, những hạn chế trước đó được khắc phục, năng suất lao động tăng, giảm giá thành sản phẩm và mang lại lợi ích rất lớn cho Cty, đặc biệt là đáp ứng tốt các tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng trong quá trình gia công sản phẩm. Với sự đóng góp sáng kiến của mình, 2 năm liên tiếp (2020 - 2021), anh Tú được nhận bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Nhờ những sáng kiến hay, CN góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, giúp mở rộng sản xuất, tăng thị phần với nhiều sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá thành hợp lý./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết