“Ở đâu có niềm vui, ở đó có sáng tạo”
Đó là phương châm làm việc của anh Nguyễn Chí Hiếu - CN Tổ dập, Phân xưởng 3, Công ty (Cty) Cổ phần May xuất khẩu Long An. Với anh, niềm vui chính là đam mê trong công việc, khát vọng được cống hiến và sáng tạo. Mỗi ngày, anh đều miệt mài làm việc, nghiên cứu để hiện thực hóa niềm đam mê của mình. Anh hạnh phúc hơn khi những sáng kiến, sáng tạo ấy có tính ứng dụng cao, phục vụ tốt công việc và sự phát triển chung của đơn vị.
Anh Nguyễn Chí Hiếu (bìa phải) là công nhân có cải tiến mang lại hiệu quả cho Công ty Cổ phần May xuất khẩu Long An
Hơn 10 năm làm nghề, là người trực tiếp sản xuất hàng may da, trong công việc, anh luôn có trách nhiệm, chấp hành sự phân công, điều động của tổ trưởng, các quy định của pháp luật, nội quy của Cty. Anh thường xuyên nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để đưa ra nhiều phương pháp ưu việt nhất, tạo sản phẩm có chất lượng tốt, năng suất cao, tiết kiệm năng lượng và thời gian tiêu hao cho sản phẩm, mang lại hiệu quả và nâng cao thu nhập. Anh Hiếu chia sẻ, năm 2021, anh đưa ra 2 sáng kiến và đã tham gia vào chương trình “1 triệu sáng kiến” do Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam phát động. Đó là sáng kiến dán nhung vào vòng mủ cho hàng bao bì điện tử.
Anh Hiếu bày tỏ: “Với sáng kiến này, tôi thấy trước cải tiến thì phải lấy miếng nhung để lên rập, gỡ keo nhung, đặt vòng mủ lên miếng nhung, dùng tay gấp mép hai bên vào. Làm như vậy mất nhiều thời gian. Sau khi tôi nghiên cứu đã dùng cử tự chế cho thông số đúng với mép mủ rồi kéo qua một lần thì hai mép tự động dính vào nhau, không cần dùng tay. Với cách làm này, sản phẩm đẹp và năng suất tăng từ 700 sản phẩm lên 1.400 sản phẩm/ngày/người”. Hay như sáng kiến trải vải nhựa dẻo ép nóng trước khi đưa lên máy dập cho hàng bao bì điện tử đã giúp năng suất tăng từ 5.000 sản phẩm lên 10.000 sản phẩm/ngày/người. Tất cả sáng kiến của anh được kỹ thuật chứng nhận và Cty khen thưởng một phần kinh phí để động viên, khuyến khích. Với những đóng góp đó, năm 2020, anh Hiếu đạt danh hiệu LĐ giỏi; năm 2021 nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.
Với niềm đam mê, chị Nguyễn Lê Ngọc Mai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý văn bản để lưu trữ tài liệu điện tử giúp công việc thuận lợi hơn
Tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa TP.HCM với chuyên ngành Lưu trữ học và quản trị văn phòng, chị Nguyễn Lê Ngọc Mai, công tác tại Văn phòng HĐND và UBND huyện Cần Giuộc được gần 7 năm nay. Nhiệm vụ chính là phụ trách công tác văn thư, với niềm đam mê, yêu thích công việc, chị nghiên cứu, nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Chị Mai thông tin, trong tình hình hiện nay, trước sự phát triển của công nghệ thông tin, quản lý tài liệu lưu trữ điện tử là một trong những vấn đề cần thiết. Hiện Chính phủ triển khai chuyển đổi số nên chị mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý văn bản để lưu trữ tài liệu điện tử. Đây cũng là sáng kiến kinh nghiệm của chị trong quá trình công tác. Chị nhận thấy, huyện triển khai phần mềm mới quản lý văn bản và điều hành, trong đó có chữ ký số để phát hành văn bản điện tử, vì vậy, chị tự tìm tòi, nghiên cứu để nâng cao trình độ nghiệp vụ. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin giúp chị có thể tìm kiếm thuận lợi, nhanh chóng tất cả văn bản đến và văn bản đi trên hệ thống. Đồng thời, việc theo dõi quá trình xử lý văn bản từ khâu soạn thảo đến khâu phát hành cũng trở nên dễ dàng. Qua đó, giúp lãnh đạo nắm bắt được tình hình hoạt động của cơ quan, đưa ra những chỉ đạo, quyết định quản lý kịp thời và chính xác. Sáng kiến này góp phần bảo đảm lộ trình thực hiện Đề án “Lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2020-2025” trên địa bàn huyện.
Hăng say lao động
Dù thời gian công tác tại Cty TNHH Hoàn Cầu Long An (ấp 3, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ) chưa lâu nhưng với niềm hăng say LĐ, anh Hồ Xuân Sử - Phó Trưởng phòng Bảo trì cụm Nhà máy điện Solar Park 1, 2, 3, 4, tích cực tham gia phong trào thi đua “LĐ giỏi, LĐ sáng tạo”.
Xuất thân từ kỹ sư điện, được rèn luyện, thử thách trong quá trình công tác giúp anh đúc kết được những kinh nghiệm quý báu trong công việc. Vì vậy, anh luôn tận tình, hướng dẫn lại cho kỹ sư và CN mới vào làm việc. Anh Sử cho biết, anh đang làm việc tại nhà máy sản xuất điện năng lượng mặt trời cung cấp nguồn năng lượng cho hệ thống điện quốc gia. Trong quá trình sản xuất, vận hành bộ phát điện Inverter, anh nhận thấy cấu hình của nhà cung cấp không phù hợp với lưới điện địa phương. Cụ thể, việc để Inverter chạy theo cấu hình của nhà cung cấp sẽ xảy ra rất nhiều lỗi khiến Inverter dừng đột ngột, làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất cũng như sản lượng điện thấp.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” giúp anh Hồ Xuân Sử mang lại hiệu quả cao trong quá trình sản xuất tại Nhà máy Điện Solar Park
Từ những khó khăn trong quá trình sản xuất, sau nhiều lần nghiên cứu, anh đã đề xuất ý tưởng cải tạo lại cấu hình Inverter phù hợp với lưới điện theo quy định hiện hành của địa phương, vừa góp phần vào công việc sản xuất điện, nâng cao tuổi thọ cho thiết bị và nâng cao an ninh hệ thống điện địa phương. Ý tưởng này của anh được Ban Giám đốc Cty ủng hộ và tạo điều kiện. “Tôi nhận thấy rằng ý nghĩa lớn nhất của sáng kiến cải tạo cấu hình cài đặt Inverter Rooftop phù hợp với lưới điện theo quy định hiện hành là hiệu quả cao và vận hành an toàn. Sáng kiến được ứng dụng, giúp làm lợi cho Cty gần 1,4 tỉ đồng trong năm 2021” - anh Sử nói.
Phó Chủ tịch Liên đoàn LĐ tỉnh - Lê Thị Thu Cúc cho biết, phong trào thi đua “LĐ giỏi, LĐ sáng tạo” ngày càng phát triển sâu, rộng, thể hiện hành động, ý chí sáng tạo, cống hiến của CNVCLÐ trong thời kỳ mới. Ðây cũng là phong trào trọng tâm xuyên suốt của tổ chức Công đoàn, động viên CNVCLÐ phát huy tính năng động, sáng tạo, xứng đáng là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhiều năm qua, phong trào thi đua “LĐ giỏi, LĐ sáng tạo” được các cấp Công đoàn trong tỉnh xem là mũi nhọn đột phá, khơi dậy mạnh mẽ tính năng động, sáng tạo, ý chí vượt khó, hăng say của cán bộ, CNVCLĐ. Từ đó, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trên tất cả lĩnh vực của đời sống, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp mà còn cải thiện đời sống người LĐ.
Tuy hoạt động ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau nhưng với tình yêu, sự tận tụy và hết lòng với công việc, nhiều đoàn viên, CNVCLĐ đã nỗ lực sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trở thành những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa “LĐ giỏi, LĐ sáng tạo”. Bằng nhiệt huyết cùng với sự trải nghiệm nhiều năm và tinh thần nỗ lực sáng tạo, những LĐ giỏi đang là “ngọn lửa” truyền cảm hứng sáng tạo cho các đồng nghiệp của mình, trở thành tấm gương sáng trong sản xuất và góp phần đào tạo thêm nhiều lớp CN, LĐ trẻ yêu LĐ, khát khao cống hiến./.
Nhiều năm qua, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được các cấp Công đoàn trong tỉnh xem là mũi nhọn đột phá, khơi dậy mạnh mẽ tính năng động, sáng tạo, ý chí vượt khó, hăng say của cán bộ, công nhân, viên chức, lao động. Từ đó, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trên tất cả lĩnh vực của đời sống, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp”. |
Song Nhi