Vùng đất với địa danh Đám lá tối trời đang từng ngày “khoác” lên màu áo mới
Vùng đất anh hùng trong chiến tranh
Khu di tích lịch sử Đám lá tối trời là địa danh chỉ những đám dừa nước rậm rạp, kín bưng, nơi che phủ căn cứ địa cách mạng của ta ở vùng đất Nhựt Ninh. Đây từng là căn cứ quan trọng trong hệ thống liên hoàn các căn cứ kháng chiến của tỉnh Long An trong suốt 30 năm (1945-1975). Ngày 16/8/1948, thực dân Pháp huy động lực lượng lớn, dùng xe bọc thép và tàu chiến bao vây căn cứ hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng đang trú đóng nơi đây. Tuy nhiên, những cuộc hành quân của chúng liên tiếp thất bại vì gặp phải địa hình phức tạp, phía dưới thì sình lầy, trên thì âm u, rậm rạp, khó tìm được lối ra nếu không thông thạo địa hình. Vì thế, chúng gọi nơi đây là Đám lá tối trời - vùng đất gắn liền với nhiều chiến tích lẫy lừng. Trải qua nhiều trận chiến mà nổi trội là trận càn năm 1966, căn cứ Đám lá tối trời vẫn đứng vững, các cơ sở bên trong vẫn được bảo vệ an toàn. Kết thúc trận càn, ta tiêu diệt khoảng 200 tên địch, trong đó có 4 cố vấn Mỹ, 1 đại úy bảo an, bắt sống một số tên, bắn chìm 1 tàu chiến, thu 30 súng,... cùng nhiều quân trang, quân dụng khác. Sau trận càn năm 1966, bọn địch hết sức kinh hoàng khi nhắc đến địa danh Đám lá tối trời và cũng không dám mở rộng các trận càn quét lớn vào đây nữa. Ngày 30/4/1975, cùng với nhiều địa phương khác, xã Nhựt Ninh và huyện Tân Trụ hoàn toàn giải phóng, kết thúc cuộc chiến tranh sau 30 năm trường kỳ kháng chiến. Hòa bình lập lại, người dân Nhựt Ninh về lại mảnh đất xưa khai hoang, phục hóa, xây dựng cuộc sống mới.
Theo lời kể của các cụ cao niên, xã Nhựt Ninh với địa danh Đám lá tối trời ngày xưa trở thành mục tiêu đánh phá quyết liệt của địch do nằm ở vị trí chiến lược. Thế nhưng, bằng ý chí, nghị lực kiên cường, những con người nơi đây kiên cường bám trụ đến ngày kháng chiến thành công.
Thay màu “áo mới”
Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Nhựt Ninh - Trần Hồng Phong cho biết, những năm đầu sau ngày giải phóng, nhiều nơi trên địa bàn xã đất đai cằn cỗi, kỹ thuật canh tác của nông dân còn lạc hậu nên cảnh mất mùa xảy ra liên miên, đời sống người dân khó khăn so với một số vùng trong huyện. Bấy giờ, mọi thứ được gầy dựng lại từ những vết thương sau chiến tranh. Sự phát triển của Nhựt Ninh bắt đầu từ giai đoạn đất nước đổi mới và thực sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây nhờ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Người dân trong xã chuyển từ trồng lúa trên đất bạc màu sang trồng cây thanh long, giúp ổn định sản xuất nông nghiệp. Những đầm tôm mọc lên ngày càng nhiều, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên vùng đất này.
Về Nhựt Ninh hôm nay, không còn thấy những ngôi nhà tranh xiêu vẹo mà thay vào đó là những ngôi nhà khang trang.
Nhìn những con đường được bêtông hóa, những ngôi trường, trạm y tế được xây dựng khang trang, đạt chuẩn quốc gia, chúng tôi phần nào cảm nhận được sự thay da đổi thịt của vùng đấy này. Cuộc sống của người dân Nhựt Ninh đang có những bước khởi sắc đáng kể. Diện mạo của mảnh đất từng bị quân địch giày xéo nay tràn đầy sức sống.
Ông Trần Thành Hưng, ngụ ấp Nhựt Long, xã Nhựt Ninh, chia sẻ: “Người dân địa phương vui mừng trước sự đổi thay của quê hương. Nơi đây từng là vùng đất một thời bị bom cày, đạn xới. Ngày nay bộ mặt nông thôn đổi mới với những vườn thanh long trĩu quả, những đầm tôm bạt ngàn. Nhiều ngôi nhà kiên cố, khang trang dần thay thế những căn nhà tạm bợ”.
Lịch sử oai hùng của vùng đất cách mạng với địa danh Đám lá tối trời đã trở thành niềm tự hào của cán bộ, đảng viên và nhân dân Nhựt Ninh để từ đó viết tiếp truyền thống, ra sức xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nếu như trước đây, Nhựt Ninh là vùng đất nghèo khó thì hôm nay đã chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế. Sự chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng cũng góp phần nâng cao mức sống cho người dân địa phương./.
Song Hồng