Tiếng Việt | English

24/11/2021 - 22:20

Niềm tự hào của gia đình có truyền thống nghề giáo

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống hiếu học, hiện gia đình thầy Phạm Văn Út - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tiến (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An), có 11 người theo nghề giáo. Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng ngọn lửa nghề trong họ luôn tỏa sáng.

Chúng tôi có dịp trò chuyện với thầy Phạm Văn Út vào những ngày cuối tháng 11 - tháng tri ân những “người lái đò” thầm lặng và hiểu rằng, giữa những bộn bề của cuộc sống và những khó khăn trong nghề, nhiều gia đình vẫn gắn bó với nghề giáo và truyền niềm đam mê đến con, cháu. Ngôi nhà của thầy Út rộn ràng hơn mỗi dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. “Dù trước đây, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng cha mẹ luôn cố gắng nuôi dạy anh, chị, em tôi học hành đến nơi, đến chốn. Tuy cha mẹ tôi không làm việc trong ngành Giáo dục nhưng hiện 5 người con (cả con dâu và con rể) và 6 người cháu đều theo nghề giáo và đang công tác tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Đây là điều rất thuận lợi để các thành viên trong gia đình có thể chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau” - thầy Út chia sẻ.

Nối gót các anh, chị trong gia đình, thầy quyết tâm theo nghề giáo. Tốt nghiệp sư phạm tiểu học năm 1993, thầy được phân công giảng dạy tại xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh. Thời điểm đó, cuộc sống khó khăn, phải đi bằng xuồng, từ điểm trường phụ đến điểm chính để họp phải đi bộ khoảng 5km, lương giáo viên lại thấp nên nhiều người đã bỏ nghề nhưng thương các em học sinh, thầy cố gắng bám trụ. Thầy luôn tâm niệm, muốn dạy học trò, trước tiên, thầy, cô phải là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo.

Đại gia đình của thầy Phạm Văn Út hiện có 11 người theo nghề giáo (Ảnh kỷ niệm do nhân vật cung cấp)

Cùng học ngành Sư phạm và sau khi ra trường, công tác chung trường, thầy Út và cô Nguyễn Thị Xuân (hiện là giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tiến) có nhiều điều kiện để tìm hiểu và nên duyên vợ chồng. Cô Xuân tâm sự: “Điều hạnh phúc nhất của gia đình tôi là vợ chồng làm cùng nghề nên dễ chia sẻ công việc cho nhau. Chúng tôi có chung sự quan tâm, dành tất cả cho việc học tập của con. Ngay từ khi các con còn nhỏ, vợ chồng tôi thường kể cho con nghe về truyền thống hiếu học của gia đình, dòng họ để khơi dậy tinh thần học tập của con. Phát huy truyền thống gia đình, con trai tôi luôn cố gắng học giỏi, chăm ngoan”.

Chọn gắn bó với nghề dạy học, tình yêu trường, lớp, yêu các thế hệ học trò luôn cháy bỏng trong trái tim và nhiệt huyết của các thầy, cô giáo. Bằng tất cả cái tâm với nghề, họ hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm của mình, đào tạo nên các thế hệ học sinh có đủ đức, đủ tài. Và càng tự hào hơn khi 6 người cháu trong đại gia đình của thầy Út tiếp bước nghề giáo, dù gặp nhiều khó khăn nhưng bằng tình yêu nghề và truyền thống gia đình đều nỗ lực vượt qua.

Cô Phạm Thị Ngọt - chị ruột của thầy Út, tâm sự: “Phát huy nghề truyền thống của gia đình không phải là áp đặt sở thích của người đi trước cho người đi sau. Chúng tôi chỉ truyền niềm đam mê và tâm huyết với nghề như một cách định hướng nghề nghiệp cho con, cháu và khi thấy được giá trị, ý nghĩa, các cháu sẽ chọn nghề giáo vì sự yêu thích và niềm đam mê”.

Điều mà gia đình thầy Út nhận được trong suốt nhiều năm gắn bó với nghề là sự kính trọng của xã hội, sự yêu thương của các thế hệ học sinh. Đây chính là động lực to lớn để mỗi thầy, cô phấn đấu vì sự nghiệp "trồng người"./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết