Ước mơ về cây cầu được hiện thực hóa
“Trước đây, người dân muốn qua lại kênh Bo Bo phải "lụy" đò trong khi đò chỉ hoạt động từ 5-18 giờ hàng ngày; ngoài thời gian này, người dân phải đi vòng rất xa. Chưa kể, giờ cao điểm, người dân qua đò đông, phải chờ lâu và đò cũng không bảo đảm an toàn giao thông đường thủy. Đi lại bằng đò vừa tốn kém, vừa bất tiện nên nhiều năm nay người dân mơ ước có một cây cầu bắc qua kênh Bo Bo” - anh Dương Tấn Đô (ấp 3, xã Tân Thành) chia sẻ.
Cầu qua kênh Bo Bo (bờ Nam kênh T3) là 1 trong 4 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII đã hoàn thành và đưa vào sử dụng khoảng 1 năm nay
Với mong muốn cấp thiết đó của người dân, cầu qua kênh Bo Bo (bờ Nam kênh T3) được chọn là 1 trong 4 CTTĐ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII. Công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng khoảng 1 năm nay mang lại lợi ích rất lớn cho người dân cũng như địa phương. Cầu qua kênh Bo Bo (bờ Nam kênh T3) không chỉ đáp ứng nhu cầu vận chuyển, lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân giữa 2 tuyến Đường tỉnh 817-818 được thông suốt mà còn góp phần hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn huyện.
Anh Dương Tấn Đô chia sẻ thêm: “Từ ngày có cầu qua kênh Bo Bo, việc thuê nhân công trồng mai của gia đình tôi thuận lợi hơn và không cần hỗ trợ tiền đò trong chi phí trả công hàng ngày. Con tôi đi học cũng có thể qua cầu để đi đường bên kia kênh nhằm tránh xe lớn".
Cây cầu có thiết kế đẹp mắt với hình chữ X, giúp người dân an toàn hơn khi di chuyển lên, xuống cầu. Bên cạnh đó, khu vực cầu được bố trí đèn, giúp việc đi lại của người dân vào ban đêm thuận tiện hơn.
Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Tân Thành - Phạm Chí Hảo cho biết: “Cầu bắc qua kênh Bo Bo là mong mỏi của người dân hơn 10 năm nay và có ý nghĩa quan trọng với địa phương. Công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, người dân rất phấn khởi. Cầu giúp rút ngắn khoảng cách di chuyển của người dân trên địa bàn xã cũng như tạo thuận lợi trong vận chuyển, buôn bán nông sản đến các xã lân cận,... góp phần phát triển KT-XH tại địa phương. Ngoài ra, niềm vui lớn nhất là sự an toàn của người dân khi qua lại kênh, nhất là trẻ em”.
Nâng cao đời sống tinh thần của người dân
Trung tâm Văn hóa - Thể thao khu vực phía Bắc huyện Thủ Thừa giúp nâng cao đời sống tinh thần của người dân
Một CTTĐ khác được hoàn thành, đưa vào sử dụng là Trung tâm Văn hóa - Thể thao (TTVH-TT) khu vực phía Bắc của huyện. Công trình gồm: Nhà thể thao đa năng, sân bóng đá (7 người) được trồng cỏ lá gừng, hồ bơi, sân, đường, hàng rào,... Trong đó, Nhà thể thao đa năng bố trí sân đánh cầu lông và được sử dụng hàng ngày. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lạc - Trần Anh Vũ, mỗi ngày từ 16-20 giờ, người dân đến TTVH-TT khu vực phía Bắc của huyện chơi cầu lông. Riêng thứ bảy, chủ nhật, người dân còn đến chơi vào buổi sáng. Từ ngày có TTVH-TT này, phong trào thể dục - thể thao của địa phương sôi nổi hơn. Thông qua việc chơi thể thao, người dân được rèn luyện sức khỏe, có thêm đam mê bổ ích, được giao lưu, học hỏi lẫn nhau, phát hiện những tài năng mới trong thanh niên, học sinh và đặc biệt là góp phần giảm tệ nạn xã hội.
Lê Sĩ Luân (16 tuổi, ngụ ấp Bà Nghiệm, xã Mỹ Lạc) tâm sự: “Mỗi tuần, em thường dành 3-4 buổi để đến TTVH-TT khu vực phía Bắc của huyện chơi cầu lông cùng các bạn. Đây cũng là môn thể thao em yêu thích nhất. Có nơi thoải mái để chơi môn thể thao yêu thích, em rất vui. Nhờ chơi thể thao, em vừa rèn luyện sức khỏe, vừa giảm căng thẳng trong học tập”.
Khoảng 16 giờ hàng ngày, Nhà thể thao đa năng bắt đầu có người dân đến chơi cầu lông
Ngoài chơi cầu lông, một số người lớn tuổi còn chọn TTVH-TT khu vực phía Bắc của huyện là nơi đi bộ, tập thể dục dưỡng sinh,... Ông Lạc Văn Huỳnh (62 tuổi, ngụ ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Lạc) bộc bạch: “TTVH-TT khu vực phía Bắc của huyện được hoàn thành, đưa vào sử dụng có ý nghĩa rất lớn trong chăm lo đời sống tinh thần của người dân. Người dân có nơi để tập thể dục, chơi thể thao giúp nâng cao sức khỏe, nhất là những người lớn tuổi. Từ khi có trung tâm, mỗi ngày tôi vào đây đi bộ 2 lần vào buổi sáng và chiều, không phải đi ở vỉa hè như trước đây”. Riêng sân bóng đá và hồ bơi tiếp tục được đầu tư và dự kiến đưa vào sử dụng đầu năm 2023.
Huyện Thủ Thừa hoàn thành và đưa vào sử dụng 2/4 CTTĐ là “quả ngọt” từ ý Đảng, lòng dân thống nhất trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII. Các công trình mang ý nghĩa rất lớn khi góp phần giúp người dân nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cũng như làm thay đổi diện mạo các xã vùng sâu./.
Ngoài 2 công trình trên, hiện CTTĐ Đường trục giữa từ thị trấn Thủ Thừa đến Quốc lộ (QL) N2 (giai đoạn 1) hoàn thành 99% và Cầu qua kênh Thủ Thừa (bến đò Cây Da, nối xã Nhị Thành và Tân Thành) hoàn thành 15%.
Trong đó, CTTĐ Đường trục giữa từ thị trấn Thủ Thừa đến QLN2 (giai đoạn 1) với quy mô gồm 5 hạng mục: Cầu kênh T5 (đã thi công xong mặt cầu, đang thi công đường vào cầu), nâng cấp mở rộng đường từ QLN2 đến kênh T3, cống Mương Đào, đường từ cụm dân cư vượt lũ thị trấn đến cụm dân cư vượt lũ liên xã (đã thi công xong, chuẩn bị nghiệm thu), di dời trụ điện từ cụm dân cư vượt lũ liên xã đến QLN2 (đã đưa vào sử dụng).
|
An Nhiên