Tiếng Việt | English

10/08/2022 - 08:33

Nỗ lực chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam

Vận động kinh phí hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở; thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ, tết; nhận nuôi dưỡng lâu dài các nạn nhân chất độc da cam (CĐDC);... là các hoạt động thiết thực, ý nghĩa của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin các cấp trên địa bàn tỉnh Long An trong thời gian qua.

Những hành động ấm áp

Là con đẻ của người hoạt động kháng chiến, ông Huỳnh Văn Hải (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) là nạn nhân của CĐDC. Ông Hải làm nghề bán vé số để nuôi mẹ già gần 80 tuổi. Trong căn nhà nhỏ đang xuống cấp, 2 mẹ con ông nương tượng nhau sống. Trong những ngày tháng 4-2022, niềm vui đã đến với mẹ con ông Hải khi căn nhà nhỏ đã được sửa chữa khang trang.

Sửa chữa, bàn giao nhà cho nạn nhân chất độc da cam tại huyện Châu Thành

Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Châu Thành - Nguyễn Thị Hoa chia sẻ: “Ông Hải đã khóc trong lễ bàn giao nhà. Cuộc sống khó khăn nên 30 triệu đồng là con số quá lớn với gia đình. Mùa mưa này, mẹ con ông đã có thể yên giấc mỗi tối. Trước đó, năm 2012, Hội vận động kinh phí 20 triệu đồng xây nhà cho gia đình ông”.

Sửa chữa, xây dựng nhà ở là một trong rất nhiều hoạt động thiết thực của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin các cấp trong tỉnh. Hơn 2 tháng nay, gia đình ông Phạm Văn Nhị (xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa) rất phấn khởi vì được xây dựng nhà mới.

Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Đức Hòa - Lê Văn Nghĩnh cho biết: “Là nạn nhân nghi nhiễm CĐDC, gia đình ông Nhị thuộc diện hộ nghèo của xã. Vợ chồng ông làm nông, thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Biết được hỗ trợ kinh phí 50 triệu đồng để xây nhà, vợ chồng ông mừng lắm! Ngoài ra, Hội còn tặng gia đình ông 1 quạt bàn và 1 nồi cơm điện trong buổi lễ bàn giao nhà”.

Thăm, tặng quà nạn nhân chất độc da cam tại huyện Đức Hòa

Nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ nên Huyện hội sẽ cố gắng duy trì hoạt động nuôi dưỡng lâu dài 31 trường hợp này”.

Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Đức Hòa - Lê Văn Nghĩnh

Là 1 trong 47 trường hợp là con của người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐDC tại huyện Đức Hòa, chị Nguyễn Thị Trang Bích Liễu chẳng khác gì đứa trẻ. Cơ thể chậm phát triển, chị Liễu chỉ nặng hơn 20kg, việc đi lại, giao tiếp và thực hiện các sinh hoạt cá nhân là rất khó khăn. Được biết, chị Liễu là con gái út của bà Trần Ngọc Hà, nạn nhân CĐDC đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Hướng đến kỷ niệm 61 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2022), vừa qua, Tỉnh hội, Huyện hội đến thăm, tặng quà cho gia đình chị. Dù chẳng thể nói được nhưng qua ánh mắt, nét mặt, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của chị khi mọi người đến thăm.

Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh - Lê Thị Thu Hồng thông tin: Trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam giai đoạn 1961-1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 lượt phun rải với khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học xuống miền Nam Việt Nam, trong đó 61% là chất da cam chứa khoảng 366kg dioxin. CĐDC đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân là thế hệ thứ 2, thứ 3.

Toàn tỉnh có 4.853 hội viên ở 91 Hội cơ sở, liên chi hội cơ sở của 102 xã đủ điều kiện/188 xã, phường, thị trấn; 1.907 người bị nhiễm chất độc hóa học (1.404 người hoạt động kháng chiến, 503 trường hợp là con đẻ của người hoạt động kháng chiến), trong đó có 1.427 người hưởng chế độ, chính sách hàng tháng.

Nhiều hoạt động ý nghĩa từ cơ sở

Huyện Cần Giuộc có 90 nạn nhân CĐDC, trong đó, 70 trường hợp là người hoạt động kháng chiến, 20 trường hợp là con đẻ của người hoạt động kháng chiến. Theo Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Cần Giuộc - Huỳnh Thị Tuyết Lan, 6 tháng đầu năm 2022, toàn huyện vận động và tiếp nhận 1.435 phần quà trị giá 536,6 triệu đồng. Qua đó, các cấp Hội tổ chức 8 đợt trao tặng với 1.381 phần quà cho nạn nhân, người phơi nhiễm, hộ nghèo với tổng kinh phí 476,6 triệu đồng.

Ngoài ra, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Cần Giuộc còn trích 2,5 triệu đồng quỹ hỗ trợ 5 người khuyết tật nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam; tặng quà nạn nhân CĐDC, người khuyết tật, học sinh khó khăn 101,2 triệu đồng. Nhân kỷ niệm 61 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Cần Giuộc tặng 205 phần quà với tổng kinh phí 71 triệu đồng; tặng 8 suất học bổng cho các em học sinh là con nạn nhân CĐDC, mỗi suất 1 triệu đồng.

5 năm qua, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Đức Hòa duy trì mô hình nuôi dưỡng lâu dài đối với nạn nhân CĐDC có hoàn cảnh khó khăn. “Nạn nhân CĐDC là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ nên Hội sẽ cố gắng duy trì hoạt động nuôi dưỡng lâu dài đối với 31 nạn nhân này. Theo đó, mỗi tháng, Hội hỗ trợ mỗi trường hợp 200.000 đồng, 6 tháng sẽ tổ chức tặng 1 lần” - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Đức Hòa - Lê Văn Nghĩnh tâm sự.

Ngoài ra, từ năm 2017, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Đức Hòa còn cho hội viên vay vốn 10 triệu đồng để nuôi bò, lãi suất 0 đồng, được vay trong 5 năm. Thời gian qua, nhiều hộ đã phát triển số bò lên đến 4-5 con. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Huyện hội đã vận động kinh phí trên 2 tỉ đồng để thực hiện các hoạt động an sinh xã hội.

Chung tay xoa dịu nỗi đau

Nhân kỷ niệm 61 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2022), Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh tổ chức trao tặng 55 xe lăn, 16 xe lắc cho nạn nhân CĐDC/dioxin và người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Là 1 trong 71 trường hợp khó khăn được tặng quà dịp này, bà Lê Thị Mấn (56 tuổi, ngụ xã Phước Đông, huyện Cần Đước) phấn khởi nói: “Được tặng xe, tôi mừng lắm! Tôi sống neo đơn, hoàn cảnh khó khăn. Thời gian qua, nhờ địa phương quan tâm, hỗ trợ và được chi trả đầy đủ chế độ, chính sách theo quy định nên tôi cảm thấy ấm lòng lắm!”.

Nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình (người đứng thứ 3, từ trái qua) tặng xe lăn, xe lắc cho nạn nhân CĐDC/dioxin  và người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn tại Long An

Ngoài ra, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh còn hỗ trợ 422 phần quà cho nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn tại các huyện, thị xã, thành phố với tổng kinh phí trên 160 triệu đồng. Mặt khác, 6 tháng đầu năm 2022, các cấp Hội trong tỉnh vận động, trao tặng 7.250 phần quà; xây dựng mới 3 căn, sửa chữa 1 căn nhà tình thương;... cùng nhiều hoạt động khác với tổng kinh phí trên 3 tỉ đồng.

Song song đó, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động mọi người chung tay tham gia Chương trình nhắn tin từ thiện “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” năm 2022. Bà Lê Thị Thu Hồng cho biết: Hội đã phát động Chương trình nhắn tin từ thiện “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” năm 2022 đến các cấp Hội trong tỉnh. Với thông điệp “Mỗi tin nhắn - Một tấm lòng với nạn nhân CĐDC”, chương trình do Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam và Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia (Cổng 1400) tổ chức. Chương trình được triển khai từ ngày 20/7 đến ngày 17/9, với cú pháp nhắn tin: DA CAM gửi 1409 (20.000 đồng/tin nhắn). Hoạt động nhằm chung tay, hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh, học nghề, xây, sửa nhà tình nghĩa, tặng quà cho nạn nhân CĐDC nghèo, khó khăn trên cả nước.

Quả thật, chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau da cam vẫn hiện hữu trong hàng triệu gia đình. Thời gian qua, cùng với Đảng và Nhà nước, các doanh nghiệp, mạnh thường quân, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin các cấp trong tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động, chương trình chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC với mong muốn xoa dịu nỗi đau, giúp họ giảm bớt phần nào những khó khăn, mất mát trong cuộc sống./.

Toàn tỉnh có 4.853 hội viên ở 91 Hội cơ sở, liên chi hội cơ sở của 102 xã đủ điều kiện/188 xã, phường, thị trấn; 1.907 người bị nhiễm chất độc hóa học (1.404 người hoạt động kháng chiến, 503 trường hợp là con đẻ của người hoạt động kháng chiến), trong đó có 1.427 người hưởng chế độ, chính sách hàng tháng.

Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết