Tiếng Việt | English

20/09/2020 - 08:05

Vì nạn nhân chất độc da cam

Làm theo gương Bác, Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/đioxin các cấp trong tỉnh Long An luôn nỗ lực hỗ trợ, chăm lo đời sống cũng như động viên những gia đình không may mắn nhiễm dioxin. Không gục ngã trước thử thách khắc nghiệt, bằng ý chí, nghị lực của mình, các nạn nhân CĐDC đã tự vươn lên trong cuộc sống.

Vươn lên trong cuộc sống

Tham gia kháng chiến từ năm 18 tuổi, ông Phan Văn Đắc (SN 1950, ngụ xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành) đã trải qua các chiến trường ác liệt. Năm 1975, ông trở về quê hương Nghệ An nhưng gia đình chẳng còn ai. Năm 1976, ông vào miền Nam lập nghiệp. Ở đây, ông gặp vợ, hai người nương tựa nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Ông Phan Văn Đắc chăm lo bầy vịt đẻ để trang trải cuộc sống cũng như tìm niềm vui mỗi ngày

Cuộc sống của một nạn nhân CĐDC từng là bộ đội tăng-thiết giáp thật vất vả, nhưng bằng ý chí vươn lên, ông Đắc quyết định đầu tư nuôi heo và vịt đẻ trứng. “Năm rồi, dịch tả heo châu Phi khiến đàn heo nhà tôi chết dần. Hiện tôi chỉ còn nuôi vịt đẻ trứng. Sức khỏe không được tốt nhưng tôi luôn cố gắng, tự nhủ phải phấn đấu vươn lên để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống” - ông Phan Văn Đắc chia sẻ.

Do ảnh hưởng CĐDC/đioxin khiến ông Đắc không có con. Đến thăm, chúng tôi cảm nhận được sự cô đơn tột cùng của ông qua ánh mắt nhìn di ảnh vợ trên bàn thờ còn nghi ngút khói hương. Giờ đây, chỉ còn bầy vịt và cây bưởi bên hè là niềm vui nhỏ của ông mỗi ngày.

Ông Đắc nuôi vịt đẻ được hơn 4 năm, hiện đàn vịt trên 200 con. Vào tháng 10 hàng năm, ông gầy giống vịt một lần. Tùy vào từng thời điểm mà trứng vịt có giá khác nhau, lúc thì 40.000-50.000 đồng/chục, hiện tại chỉ còn 35.000 đồng/chục. Mỗi ngày, đàn vịt của ông cho ra hơn 100 trứng, cứ 5 đêm ông giao trứng một lần. Ngoài ra, hàng tháng, ông còn được Hội Nạn nhân CĐDC/đioxin huyện trợ cấp tiền để trang trải cuộc sống.

Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/đioxin huyện Châu Thành - Nguyễn Thị Hoa nhận xét: “Ông Đắc là người chịu khó, cần cù. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng ông đã cố gắng không ngừng. Đến nay, kinh tế gia đình ông tương đối ổn định, nhà cửa khang trang, nhưng buồn thay, chị nhà không còn để san sẻ niềm vui cùng ông”.

Không chỉ vượt khó vươn lên trong làm kinh tế, ông Đắc luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông tích cực tham gia công tác tại địa phương, nhiều năm giữ chức vụ Trưởng ấp Thanh Bình 1, xã Thanh Phú Long và được tín nhiệm bầu là Chi hội phó Chi hội Nạn nhân CĐDC/đioxin xã Thanh Phú Long. Không phụ lòng tin của mọi người, ông luôn quan tâm đến anh em trong chi hội, chia sẻ kinh nghiệm, giúp họ cùng phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.

Chung tay giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam

Theo chân Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC huyện Thủ Thừa - Trần Thị Ngọc Mai, chúng tôi rong ruổi khắp các xã, thăm và tặng quà những gia đình là nạn nhân CĐDC. Xuất ngũ trở về địa phương, mỗi gia đình một hoàn cảnh nhưng họ cùng chung một nỗi đau ảnh hưởng di chứng của CĐDC/đioxin. Tại mỗi nơi đến, Hội Nạn nhân CĐDC huyện trao tặng mỗi nạn nhân 300.000 đồng tiền mặt cùng những lời động viên. Song song đó, thời gian qua, Hội Nạn nhân CĐDC/đioxin huyện có nhiều hoạt động chăm lo đời sống nạn nhân CĐDC trở về từ chiến trường, những người nghi phơi nhiễm, những người có hoàn cảnh kém may mắn với số tiền trên 2 tỉ đồng.

Hội Nạn nhân CĐDC/đioxin huyện Thủ Thừa thăm hỏi, tặng quà cho ông Trần Nam Tay

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã hòa bình nhưng những nỗi đau còn dai dẳng. Đằng sau cuộc chiến là những câu chuyện xúc động về nạn nhân CĐDC. Chẳng hạn, bà Đỗ Thị Ái, 80 tuổi, nhiễm CĐDC tần tảo chăm lo người con nằm liệt giường suốt 49 năm qua; bà Trương Thị Ánh, 74 tuổi, neo đơn ở tuổi xế chiều, đôi lúc thơ thẩn do ảnh hưởng chất độc đioxin. Hay những câu nói “Tôi ước chỉ được chết đi” của ông Trần Nam Tay (77 tuổi, xã Bình Thạnh); “Ông ấy vừa chết đi sống lại, bây giờ gia đình tôi cố gắng chăm sóc ông ấy sống được ngày nào mừng ngày ấy” của vợ ông Phạm Văn Thạo (xã Bình Thạnh) khiến chúng tôi nghẹn lòng.

Thông tin từ Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh, kỷ niệm 59 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2020), Hội đã phối hợp tổ chức khám, chữa bệnh và tặng quà cho hơn 1.200 nạn nhân phơi nhiễm và người nghèo ở thị xã Kiến Tường và huyện Thạnh Hóa, trị giá 350.000 đồng/suất; đồng thời đến thăm, tặng quà nạn nhân CĐDC huyện Mộc Hóa, Tân Hưng, Đức Hòa,... Ngoài ra, một số địa phương trong tỉnh còn chủ động vận động, tổ chức thăm, tặng quà nạn nhân CĐDC và những người bị phơi nhiễm, tùy khả năng và điều kiện của đơn vị.

Ngày 10/8 hàng năm đã thực sự trở thành ngày hội “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”. Tinh thần ấy cần được cổ vũ, lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, khơi dậy lương tâm và trách nhiệm của mỗi người đối với nạn nhân CĐDC, tiếp thêm cho họ niềm tin và ý chí vươn lên trong cuộc sống./.

Hiện toàn tỉnh có 98 hội cơ sở, liên chi hội cơ sở của 105/188 xã, phường, thị trấn với tổng số nạn nhân chất độc da cam là 1.405 người (trong đó con đẻ 430) hưởng chế độ, chính sách hàng tháng. Riêng số 30.987 người nghi phơi nhiễm, người khuyết tật được giải quyết hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội.

Hà Lan

Chia sẻ bài viết