Tiếng Việt | English

15/02/2018 - 17:08

Nồi bánh đêm giao thừa

Hình ảnh nồi bánh đêm giao thừa đi vào tiềm thức người Việt Nam như một đặc trưng của tết. Gọi là nồi bánh giao thừa nhưng không nhất thiết phải gói và nấu đúng giao thừa!

Nồi bánh tết

Tôi còn nhớ ký ức nồi bánh giao thừa những ngày còn nhỏ, mình xum xoe chạy quanh cái bếp to tướng bắc bằng 3 viên gạch dưới sân. Trên là nồi bánh vừa cao vừa to, những thanh củi to bằng bắp chân người lớn đang cháy ngùn ngụt. Thường thì khi nấu bánh bà và mẹ sẽ tranh thủ đi làm việc khác: Dọn dẹp nhà, chuẩn bị mâm bàn cúng tết,... Còn đứa con nít là tôi thì thích ngồi nhìn lửa cháy dưới trời khuya. Được thức khuya và ngồi dưới trời đêm bên bếp lửa đối với đứa trẻ quê là một điều rất tuyệt! 

Nhiều gia đình vẫn giữ truyền thống gói bánh vào dịp tết

Điều kỳ diệu ấy tiếp tục nối dài đến khi đi học xa nhà. Mỗi dịp về quê ăn tết tôi lại thèm ngồi canh nồi bánh, dẫu mỗi năm, nồi bánh một nhỏ dần và đến nay thì không còn nữa. Nhà tôi không còn gói bánh, phần vì bà đã mất, phần vì công việc bộn bề nên các thành viên trong nhà thống nhất mua bánh gói sẵn về ăn tết cho vừa nhẹ, vừa tiện vì thực ra "không ăn uống gì bao nhiêu!". 

Nhưng đó là câu chuyện của nhà tôi, còn rất nhiều gia đình khác vẫn duy trì truyền thống nấu bánh vào ngày tết như một điều không thể nào buông bỏ. Đó đa số là những gia đình lớn, đông con cháu tụ họp vào ngày tết. Mỗi dịp tết, một gia đình gói khoảng 50 đòn bánh tét để "chia cho con cháu". 

Mùa tết một gia đình gói trên dưới 50 đòn bánh tét để "chia cho con cháu"

Vậy là, từ 24, 25, 26 tháng Chạp, gia đình nào gói bánh đã bắt đầu rục rịch đi róc lá. Lá gói bánh là lá chuối, được phơi cho héo, rửa sạch rồi xé lá, xếp sẵn thành từng xấp chuẩn bị cho ngày gói bánh.

Lá chuối gói bánh được phơi héo, lau sạch và xé cho vừa gói

Có nơi cột bánh bằng dây nylon, cũng có nhà cột bánh bằng dây lát. Muốn có dây lát cột bánh thì trước đó khoảng một tháng lát được cắt, chẻ nhỏ và phơi khô. Việc chuẩn bị vậy là xong, đợi đến ngày là tập trung về gói bánh. 

Gia vị sum vầy

Chị Nguyễn Thị Ngọc Ngân, ngụ phường 2, TP.Tân An kể, nhà chị mỗi năm đều gói bánh vào ngày 29 tết. Và điều đó trở thành truyền thống, cứ đến ngày này là con cháu tự động tụ họp ở nhà ngoại chị để gói bánh tết. Chị nói: "Nhà tôi chỉ gói 2 loại bánh là bánh nhân chuối và bánh chay chỉ có nếp và đậu đen. Vì nhà ngoại đa phần là con gái nên ngoại nói bánh phải gói vào 29, để đến sáng 30 có bánh chia cho các dì mỗi người một ít về ăn tết". 

Cứ 29 tết là nhà ngoại của chị Ngân lại tập trung lại gói bánh tét ăn tết

Còn ở nhà bà Huỳnh Thị Chi, ngụ xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành thì nồi bánh được gói vào ngày mùng 1. Bà giải thích: "Thường các con tôi sẽ tập hợp vào mùng 2 nên đến mùng 1 tôi mới bắt đầu gói bánh để sáng hôm sau có cho các con ăn tết!". Vậy đó, dù ít, dù nhiều, dù khó khăn hay dư dả thì nồi bánh tét vẫn là điều không thể thiếu trong nhiều gia đình vào dịp tết. 

Như chị Võ Thị Duy Phương, ngụ xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, dù biết có thể mua được bánh chưng, bánh tét rất dễ dàng trong mấy ngày tết nhưng chị và gia đình vẫn quyết định gói bánh mỗi năm. Bởi với chị, điều quan trọng không phải chỉ là những chiếc bánh ba ngày tết sum vầy mà là không khí vui tươi, chộn rộn ngày gói bánh. Chị nói: "Ông xã tôi là người Bắc, tết anh không về được nên nhớ quê, tôi luôn cố gắng gói bánh tét, bánh chưng cho có không khí tết. Cả nhà bày lá, nếp ra, tôi và các chị em gói bánh tét, chồng tôi gói bánh chưng. Cực nhưng vui lắm!".

Vì chồng chị Phương là người Bắc nên tết nhà chị gói cả bánh tét và bánh chưng

Niềm vui ấy không có gì khó hiểu. Bởi, tết là sum vầy, nên nồi bánh ngày tết là dịp để các thành viên được ở cùng nhau. Một năm với bao vất vả và bận rộn, mỗi người làm việc, sinh sống mỗi mơi nhưng đến ngày tết lại nhớ và  sắp xếp trở về nhà gói bánh. Đó mới thực sự là gia vị ngon nhất cho nồi bánh tết!

Phương Phương

Chia sẻ bài viết