Tiếng Việt | English

01/11/2021 - 08:13

Nơi ghi dấu chiến công Vàm Nhựt Tảo

Gần đền thờ Nguyễn Trung Trực (xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) có ngôi đền và mái đình nhỏ là chùa Ông và đình thần Nhựt Tảo. Đó là nơi ghi dấu chiến công Vàm Nhựt Tảo năm xưa.

Gắn với chiến công Vàm Nhựt Tảo

Chùa Ông là đền thờ Quan Thánh Đế Quân - một tín ngưỡng có nguồn gốc từ người Hoa, được người Việt tiếp nhận, dung hòa, trở thành tín ngưỡng chung. Được biết, chùa Ông chính là nơi “chia lửa” cùng nghĩa quân trong chiến công đốt cháy chiến hạm Hy Vọng trên Vàm Nhựt Tảo.

Năm xưa, tại chùa Ông, hương chức trong làng và người dân tổ chức cúng, mời bọn giặc trên tàu Hy Vọng đến xem hát bội và ăn uống. Khi Nguyễn Trung Trực chỉ huy đạo quân đốt cháy chiến hạm Hy Vọng, quân binh và dân làng Nhựt Tảo đồng loạt tấn công tiêu diệt bọn giặc đang say sưa ăn uống trong chùa Ông.

Bàn thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực tại đình thần Nhựt Tảo

Như bao ngôi đình làng Nam bộ khác, đình thần Nhựt Tảo thờ thần hoàng bổn cảnh, để che chở cho dân và các bậc tiền hiền, hậu hiền đã khai hoang, mở đất. Điểm đặc biệt của ngôi đình này chính là các bậc tiền hiền, hậu hiền và kế hiền không chỉ có công khai mở vùng đất Nhựt Tảo này mà còn trực tiếp góp công vào chiến công đốt cháy chiến hạm trên Vàm Nhựt Tảo. Trước đây, đình ở vị trí khác nhưng do chiến tranh tàn phá nên sau này người dân xây dựng lại đình cạnh bên chùa Ông.

Tích xưa kể lại rằng, người khai phá vùng đất Nhựt Tảo là ông Hồ Văn Chương. Ông cũng là người lập chợ, xây làng và được người dân trọng vọng gọi là ông chủ chợ, triều đình cũng phong cho ông chức Đội trưởng Suất đội. Nhờ vậy, ông có mối quan hệ thân thiết với anh hùng Nguyễn Trung Trực, vốn là Phó quản Cơ trong đội quân đồn điền tại Tân Trụ thời bấy giờ.

Ông Hồ Văn Chương có 3 người con trai là Hồ Quang Minh, Hồ Quang Chiêu, Hồ Quang Lệ đều là hương chức làng Nhựt Tảo và có lòng yêu nước. Chính vì thế, Nguyễn Trung Trực đã liên hệ với ông Hồ Văn Chương bàn bạc kế hoạch đánh Pháp.

Hàng ngày, người dân đều đến thắp nhang tại chùa Ông và đình thần Nhựt Tảo (Trong ảnh: Chánh điện chùa Ông)

Với sự hỗ trợ của các con ông Chương, Nguyễn Trung Trực vạch ra kế hoạch đánh tàu. Ông Hồ Quang Minh vốn là Cai tổng Cửu Cư Hạ nên dễ dàng làm thân với địch. Được sự giúp đỡ của ông Quang Minh, Nguyễn Trung Trực lên tàu với vai thợ mộc làm nhiệm vụ lợp mái lá che cho tàu bớt nóng. Sau 1 tuần lợp mái cho chiến hạm, ông điều nghiên rõ hoạt động của địch và vạch ra kế hoạch tấn công.

Buổi sáng đó, khi thấy một nhóm nghĩa quân đi ngang qua tàu, viên tướng trên tàu dẫn theo toán lính đuổi theo lùng bắt. Càng đi càng xa. Một nhóm lính khác theo lời mời của hương chức trong làng đến chùa Ông xem hát bội và ăn cỗ. Trong khi đó, nghĩa quân tổ chức tấn công và đốt cháy tàu Hy Vọng trên sông Nhựt Tảo, lập nên một chiến công oanh liệt.

Chịu trách nhiệm chính trong buổi cúng chùa Ông chính là các hương chức họ Hồ, con của ông Hồ Văn Chương. Chính vì thế, sau này, người dân làng Nhựt Tảo đã đem linh vị ông Hồ Văn Chương, Hồ Quang Chiêu, Hồ Quang Minh, Hồ Quang Lệ vào thờ trong đình thần Nhựt Tảo như các bậc tiền hiền và hậu hiền của vùng Nhựt Tảo.

Hai thiết chế tín ngưỡng song song

Ngày nay, chùa Ông và đình thần Nhựt Tảo nằm cạnh nhau, chung trong một khuôn viên. Ngoài thờ Thần hoàng bổn cảnh và các bậc tiền hiền, hậu hiền họ Hồ, đình còn có bàn thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực với bức tượng bán thân lớn đặt ở võ ca.

Chùa Ông đang có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng

Trong khi đó, chùa Ông vẫn là nơi thờ Quan Thánh Đế Quân. Mỗi năm, chùa Ông cúng 2 lần vào tháng 11 và tháng 5 Âm lịch. Những năm trở lại đây, chùa Ông có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng, xuất hiện nhiều vết nứt, dài, lớn trên tường. Cột trong chánh điện cũng có nhiều vết đứt gãy, nguy hiểm. Phía sau chùa Ông, 2 cửa ra vào đóng chặt và kê vật dụng chắn ngang do người dân lo ngại các vết nứt, vỡ sẽ khiến kiến trúc chùa có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Được biết, Ban Quý tế và Ban Trị sự chùa Ông - đình thần Nhựt Tảo đã kiến nghị sửa chữa, tu bổ di tích chùa Ông và đang chờ hồi đáp của cơ quan chức năng.

Chùa Ông - đình thần Nhựt Tảo là cụm di tích có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào chiến thắng Vàm Nhựt Tảo năm xưa. Cụm kiến trúc lại có nét đặc sắc riêng khi 2 thiết chế tín ngưỡng khác nhau lại tồn tại song song trong cùng một cộng đồng, nằm cạnh nhau trong một khuôn viên và có sự gắn bó nhất định với nhau về quá trình lập làng, giữ đất vùng Nhựt Tảo.

Mỗi ngày, người dân đều đến thắp nhang tại chùa Ông và đình thần Nhựt Tảo. Lệ cúng hàng năm đều được giữ gìn, tiếp nối cho đến ngày nay./.

Quế Lâm (lược ghi từ hồ sơ di tích)

Chia sẻ bài viết