Tiếng Việt | English

05/09/2016 - 16:43

Nỗi trăn trở của người thương binh

Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, người thương binh 1/4 Nguyễn Văn Thắng, ở ấp 4, xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An vẫn còn trăn trở vì chưa tìm được hài cốt của 7 đồng đội hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ còn nằm lại ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

“Bản đồ sống” của thân nhân liệt sĩ

Ông Nguyễn Văn Thắng (SN 1952), quê ở xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ông tham gia cách mạng lúc mới 13 tuổi và được giao nhiệm vụ làm du kích tại địa phương. Sau thời gian hoạt động, bị địch phát hiện, ông thoát ly, hoạt động bí mật và làm Trưởng đội Trinh sát Tiểu đoàn 516 hoạt động tại Bến Tre.

Nhờ làm Trưởng đội Trinh sát nên ông biết chính xác thời điểm, tên tuổi, vị trí nơi chôn cất những đồng đội hy sinh. Cuốn "biên niên" chiến trường của người lính già trở nên hữu hiệu cho việc tìm mộ sau này.


Ông Nguyễn Văn Thắng trở về với cuộc sống đời thường vẫn hăng say lao động sản xuất

Sau khi hòa bình, ông luôn trăn trở về những đồng đội hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nhưng vẫn đang nằm lại ở nơi bưng biền. Từ đó, ông chủ động liên hệ với đồng đội còn sống và cán bộ kháng chiến tại địa phương đi tìm kiếm mộ các đồng chí, đồng đội để đưa về an táng tại quê hương.

Tuy nhiên, công việc tìm kiếm hài cốt cũng gặp nhiều khó khăn bởi những dấu tích ngày xưa bị phai mờ theo thời gian, sơ đồ chôn cất các chiến sĩ năm xưa giờ không còn nguyên vẹn,... Từ năm 1976 đến 1993, ông Thắng tìm và đưa về an táng được 12 bộ hài cốt liệt sĩ.

Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Năm 1994, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm vượt khó của người lính Cụ Hồ, ông Thắng và bà Trương Thị Liễu (vợ ông) quyết định lên ấp 4, xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa khai hoang, lập nghiệp. Tại đây, ông đi làm thuê, làm mướn trang trải cuộc sống hàng ngày và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Sau thời gian làm việc cần cù, ông mua được 3ha đất.

Ông Thắng cho biết: “Khi điều kiện kinh tế gia đình ổn định, tôi tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương. Thời gian qua, tôi vận động xây 3 căn nhà tình thương, 2 căn nhà tình nghĩa; xây mới 2 cây cầu giao thông nông thôn; sửa chữa 3 cây cầu giao thông nông thôn,...”.

Với những cống hiến của mình, thương binh Nguyễn Văn Thắng nhiều lần được nhận bằng khen của UBND tỉnh, giấy khen của UBND huyện. Ông chính là thương binh tiêu biểu và xứng đáng là tấm gương sáng giữa đời thường./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết