Hiện nay, phần lớn thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Mỹ, Thái Lan,...
Thêm cơ hội cho thanh long, chanh
Toàn tỉnh hiện có 11.692,6ha thanh long, sản lượng hàng năm đạt trên 250.000 tấn. Hiện nay, phần lớn thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Mỹ, Thái Lan,...
Được xem là “thủ phủ” của thanh long, huyện Châu Thành chuyên sản xuất thanh long chất lượng cao, tất cả đều được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh long Tầm Vu - Trương Quang An chia sẻ: “Ngay từ khi mới thành lập, chúng tôi đã liên hệ các đơn vị, HTX chuyên trồng thanh long để học tập kinh nghiệm và kỹ thuật trồng thanh long theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Bên cạnh đó, HTX cũng chủ động đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Tất cả thành viên HTX đều áp dụng các phương thức sản xuất an toàn. Mỗi năm, HTX xuất khẩu hơn 10.000 tấn thanh long sang thị trường các nước”.
Tân Trụ cũng là địa phương có diện tích trồng thanh long ngày càng tăng. Anh Hoàng Đình Thượng, ngụ ấp Bình Tây, xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ, cho biết: “Nông dân trồng thanh long quan tâm đầu tư giống, ứng dụng công nghệ và tham gia HTX để hỗ trợ sản xuất, cùng nhau mở ra hướng đi lâu dài. Sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đang được nông dân trên địa bàn ưu tiên áp dụng để sản phẩm xuất khẩu được sang những thị trường khó tính”.
Những năm gần đây, chanh được xem là một trong những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Hiện toàn tỉnh có 9.593ha chanh, tập trung chủ yếu ở huyện Bến Lức, Thạnh Hóa. Sản phẩm chanh không hạt xuất khẩu của Long An cũng từng bước khẳng định vị thế của mình. Theo ông Vũ Ngọc Báo, ngụ ấp 4, xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức: “Vài năm trở lại đây, thị trường tiêu thụ chanh không hạt gia tăng rất mạnh, đã có nhiều công ty (Cty) trong nước cũng như nước ngoài về đầu tư như Cty GINO Sài Gòn, Cty TNHH Rồng Đỏ, Cty TNHH The Fruit Republic 100% vốn nước ngoài tìm về ký kết hợp đồng thu mua chanh tươi với người dân để xuất khẩu”.
Chuối, gạo “vươn” ra thị trường quốc tế
Ngoài thanh long và chanh, chuối cũng đang từng bước “xâm nhập” vào thị trường khó tính Nhật Bản. Giám đốc Cty TNHH Huy Long An (huyện Đức Huệ) - Võ Quan Huy chia sẻ: “Sản phẩm chuối mang thương hiệu Fohla của Cty đã xuất khẩu và được các siêu thị tại Nhật Bản ưa chuộng. Hiện tổng sản lượng chuối ở Tây Ninh và Long An của Cty lên đến hơn 4.000 tấn/năm, trong đó, xuất khẩu sang Nhật 40%. Cty đang từng bước nâng số lượng chuối xuất khẩu sang Nhật lên 70%. Người Nhật rất kỹ tính và khắt khe, sản phẩm chúng ta muốn xuất khẩu sang thị trường của họ nhất định phải đạt tiêu chuẩn đề ra.
Trước khi ký hợp đồng thu mua sản phẩm, họ lấy mẫu của chúng ta về kiểm nghiệm. Chuối xuất khẩu sang Nhật phải được kiểm tra cẩn thận tới 200 chỉ tiêu về hóa chất, quy trình sản xuất thì mới được chấp nhận. Ngoài thị trường Nhật, Cty còn xuất loại trái cây này sang Trung Quốc và Malaysia,...”. Gạo Long An cũng là một trong những sản phẩm được các nước trên thế giới ưa chuộng. Hiện tỉnh có 21 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo. Thị trường xuất khẩu gạo Long An chủ yếu là Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Indonesia,...
Sản phẩm chuối xuất khẩu của Công ty TNHH Huy Long An
Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn (huyện Tân Hưng) - Trương Hữu Trí cho hay: “Để xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng gạo, thời gian qua, HTX phối hợp các sở, ngành triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mới vào sản xuất, thử nghiệm một số giống lúa đặc chủng chất lượng cao, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ quảng bá triển lãm trong và ngoài tỉnh. Từ vụ Đông Xuân 2016-2017, HTX đã triển khai sản xuất thí điểm 52ha lúa ứng dụng công nghệ cao nhằm gia tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ và hướng tới xuất khẩu. Ngay vụ đầu tiên, HTX xuất khẩu thành công hơn 2.200 tấn lúa vào thị trường Mỹ. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX đã mở rộng diện tích sản xuất lúa chuẩn VietGAP lên 300ha nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Để phát triển sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo hướng bền vững, hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu, thời gian tới, sở sẽ tham mưu, đề xuất tỉnh tổ chức lại sản xuất, hình thành cánh đồng lớn, liên kết hộ nông dân, kết nối với một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho một số doanh nghiệp và HTX. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ về giống, kỹ thuật canh tác, bảo quản và chế biến sản phẩm, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của sản phẩm; xây dựng các mô hình sản xuất, hỗ trợ chứng nhận VietGAP, bao bì, nhãn mác sản phẩm,... từng bước hỗ trợ nông dân tạo dựng thương hiệu nông sản, vươn ra thị trường thế giới”/.
Tấn Phong