Tiếng Việt | English

05/05/2017 - 20:58

Chung tay để có nguồn nước sạch

Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch (NS) và vệ sinh môi trường (VSMT) nông thôn năm 2017, UBND tỉnh Long An có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương phối hợp thực hiện. Để nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch nhằm bảo đảm cuộc sống, người dân nên nhìn nhận đúng đắn, phân biệt giữa NS và nước sinh hoạt hợp vệ sinh (HVS).


Em Võ Thị Ái Trân - học sinh Trường Tiểu học Tân Ninh, huyện Tân Thạnh vui mừng vì được sử dụng nước hợp vệ sinh. Ảnh: Thanh Nga

Phân biệt nước sạch và nước hợp vệ sinh

Thực trạng hiện nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước HVS trên toàn tỉnh đạt khá cao, gần 95%, trong khi tỷ lệ sử dụng NS theo quy chuẩn lại quá thấp (hơn 20%). Huyện có tỷ lệ hộ dân sử dụng nước HVS cao nhất là Châu Thành (gần 100%) nhưng theo đánh giá của Trung tâm NS và VSMT nông thôn, tỷ lệ hộ dân sử dụng NS quá thấp (8,4%). Những địa phương trong tỉnh có tỷ lệ hộ dân sử dụng NS cao là các huyện: Mộc Hóa, Bến Lức, Vĩnh Hưng.

Điều đáng lo ngại, đa số người dân khu vực nông thôn vẫn còn “nhập nhằng” khái niệm NS và nước HVS. Hầu hết, họ vẫn sử dụng HVS phục vụ các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày như nấu ăn, uống nước,... mà không hề hay biết rằng, nước HVS chỉ dùng cho sinh hoạt như giặt quần áo, rửa, tắm gội,... Với người dân, dường như có nước HVS để sử dụng đã là niềm vui và “may mắn” so với những năm trước đây.


Người dân sử dụng tiết kiệm nước

Bà Lê Thị Gương, ngụ xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, cho chúng tôi biết, gia đình bà có nước HVS sử dụng từ 15 năm nay. Bà phấn khởi: “Trước đây, gia đình tôi và nhiều hộ dân ở đây chủ yếu sử dụng nước sông trước nhà. Hồi đó, chúng tôi phải lắng lọc mới dám sử dụng, chứ làm gì có trạm cấp nước. Thời gian sau, chúng tôi kéo nước từ xã Nhơn Hòa Lập về sử dụng nhưng nguồn nước rất yếu. Sau đó vài năm, chính quyền xây dựng trạm cấp nước, người người phấn khởi lắm. Cũng từ đó, gia đình tôi, nhất là những đứa trẻ không còn tắm giặt và uống nước sông như trước đây nữa. Tuy nhiên, không quên thói quen cũ, nhà nào cũng có nhiều lu chứa nước mưa để tiết kiệm nước”.

Cứ mỗi chiều tan học về, em Võ Thị Ái Trân - học sinh Trường Tiểu học Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, lại ra vòi nước trước nhà để rửa mặt. Đưa tay hứng từng giọt nước mát lạnh, Trân nói: “Ba mẹ bảo em không được rửa mặt và tắm nước sông trước nhà nữa. Nước sông bây giờ đục ngầu, chỉ dùng tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp”.

Với ông Cao Hoàng Tăng, xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ, có NS để sử dụng là điều mơ ước. Ông chia sẻ: “Nhà tôi bắt đầu có nước HVS sử dụng từ năm 2005. Đến năm 2016, tôi nghe nói trạm cấp nước được nâng cấp để đạt tiêu chuẩn NS. Tôi không hiểu lắm về NS với nước HVS. Địa phương chúng tôi còn nghèo, tôi chỉ biết có nước để sử dụng, giá cả phải chăng là vui lắm rồi! Nhưng thỉnh thoảng bị thiếu nước, nên phải sử dụng tiết kiệm”.

NS có thể được định nghĩa là nguồn nước: Trong, không màu, không mùi, không vị, không chứa các độc chất và vi khuẩn gây bệnh cho con người. NS là nước đáp ứng 14 chỉ tiêu theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt do Bộ Y tế ban hành. Trong khi đó, nước HVS chỉ có thể đánh giá theo cảm quan con người, là nước không màu, không mùi, không vị,... Do đó, NS có chất lượng cao hơn rất nhiều so với nước HVS.


Một trạm cấp nước của xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh

Năm 2016, toàn tỉnh có 10 dự án nước sạch được bàn giao, đưa vào sử dụng, tập trung chủ yếu ở thị xã Kiến Tường, huyện Tân Hưng, Đức Huệ. Năm 2017, có 3 dự án nước sạch được chuyển tiếp và 14 dự án nước sạch được khởi công mới trên toàn tỉnh.

Đầu tư nước sạch còn gặp khó

Hiện toàn tỉnh có hơn 1.500 trạm cấp nước, trong đó có đến 70% số trạm do tư nhân đầu tư. Theo Trung tâm NS và VSMT nông thôn, phần lớn những trạm cấp nước này chỉ đạt mức độ nước sinh hoạt HVS chứ chưa đạt tiêu chuẩn NS. Hầu hết người dân khu vực nông thôn sử dụng nước sinh hoạt HVS. Về lâu dài, loại nước này ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe do không qua xét nghiệm và xử lý đúng chuẩn, có nguy cơ bị nhiễm tạp chất gây độc. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân, đến nay nhiều năm liền, tình trạng này vẫn chưa được khắc phục. “Con đường” giải quyết NS cho người dân sử dụng vẫn còn trong vòng lẩn quẩn.

Trước hết, các trạm cấp nước do tư nhân đầu tư, giá nước bán ra rẻ. Người dân cho rằng, nước sinh hoạt HVS như vậy là hợp lý và có thể sử dụng. Trong khi để đầu tư một dự án nước sạch, kinh phí khá lớn. Thông thường, mỗi dự án nước sạch có thể cung cấp cho khoảng 1.000 hộ dân, kinh phí từ 16-17 tỉ đồng (tương đương 1 hộ dân bỏ ra từ 16-17 triệu đồng). Ngân sách nhà nước không thể đáp ứng. Trong khi vận động người dân đóng tiền rất khó khăn; không có các biện pháp chế tài và tỉnh không thể yêu cầu những đơn vị này ngưng cung cấp nước mặc dù nước chưa đạt chuẩn.


Nhân viên kiểm tra hệ thống vận hành nhà máy nước tại vùng hạ của tỉnh

Theo Giám đốc Trung tâm NS và VSMT nông thôn - Hà Văn Thiệp, để giải quyết tình trạng này, những năm qua, trung tâm nhiều lần tổ chức truyền thông về nước sinh hoạt HVS và NS nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Hiện tại, tỉnh có 2 nguồn phân bổ đầu tư cho những dự án NS. Nguồn thứ nhất từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, mỗi năm khoảng 12 tỉ đồng (bao gồm đầu tư NS và VSMT), kinh phí còn khá khiêm tốn. Nguồn thứ hai từ ngân sách tỉnh (xổ số kiến thiết) từ năm 2016 đến nay. Nhờ nguồn vốn này, mỗi năm, tỉnh dành 50 tỉ đồng đầu tư các dự án NS. Đây là giải pháp trước mắt nhằm nâng tỷ lệ sử dụng NS ở khu vực nông thôn.

Nước rất cần thiết cho sự sống, ngược lại cũng có thể gây ra những bệnh tật cho con người khi nguồn nước bị nhiễm bẩn và không đủ tiêu chuẩn. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình, người dân cần nhận thức đúng đắn, chung tay cùng cộng đồng để có nguồn NS sử dụng.

Tuần lễ Quốc gia về Nước sạch và vệ sinh môi trường do Thủ tướng Chính phủ phát động diễn ra từ ngày 29/4 đến ngày 06/5 hàng năm. Chủ đề năm nay được lựa chọn “Nước sạch và vệ sinh môi trường vì sự phát triển toàn diện của trẻ” với mong muốn mỗi người dân sẽ chung tay bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước, thực hành vệ sinh cá nhân tốt nhằm giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai đến sức khỏe trẻ em nói riêng và cộng đồng nói chung; đồng thời, thực hiện phát triển bền vững nước sạch và vệ sinh môi trường trên toàn quốc./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết