Tiếng Việt | English

23/02/2021 - 09:32

Phát huy vai trò của người dân phòng, chống tội phạm

Công tác phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội thời gian qua luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ củangười dân. Không chỉ cung cấp thông tin, tố giác tội phạm, người dân còn trực tiếp tham gia vây bắt phạm tội quả tang. Đặc biệt, hiện nay, ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng được nhiều phong trào, mô hình bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) có sự tham gia tích cực của người dân tại địa bàn.

Lực lượng công an thường xuyên trao đổi, phối hợp với các ngành, địa phương để đấu tranh, phòng chống tội phạm

Lực lượng công an thường xuyên trao đổi, phối hợp với các ngành, địa phương để đấu tranh, phòng chống tội phạm

Giữa đêm khuya, một đối tượng leo rào đột nhập nhà ông Đoàn Tấn Đạt, xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An để trộm tài sản. Sau khi tìm kiếm, lục lọi, đối tượng nhìn thấy chiếc xe môtô hiệu SH Mode dựng ở trong nhà nên lấy trộm. Khi đối tượng trộm vừa mở được cửa để dắt xe ra thì bị ông Nguyễn Thành Long phát hiện, tri hô. Lúc này, ông Phan Văn Việt ở gần đó chạy đến hỗ trợ ông Long khống chế, bắt giữ được đối tượng cùng tang vật, giao cơ quan công an xử lý.

Qua vụ việc này cho thấy, công tác phòng, chống tội phạm không chỉ là trách nhiệm riêng của công an, hay các lực lượng chức năng mà là việc chung của cả cộng đồng. Người dân ý thức được vai trò của công dân thì phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ sự bình yên tại địa bàn.

Mặt khác, qua đó cũng thể hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng lan tỏa, huy động được đông đảo cán bộ, đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân tham gia cùng lực lượng nòng cốt ở cơ sở, tiến hành nhiều biện pháp giữ gìn ANTT tại chỗ theo phương châm “Tự phòng, tự quản, tự hòa, tự bảo vệ”.

Thời gian qua, người dân chủ động phát hiện, tố giác tội phạm và cung cấp cho lực lượng chức năng nhiều nguồn tin. Qua đó, giúp lực lượng công an nắm bắt kịp thời và xác minh, điều tra làm rõ xử lý nhiều vụ việc, đối tượng vi phạm pháp luật, phạm tội. Chỉ riêng giai đoạn 2015-2020, lực lượng nòng cốt và quần chúng nhân dân đã cung cấp gần 9.900 tin có giá trị giúp lực lượng công an xử lý gần 4.058 vụ/6.618 đối tượng vi phạm.

Một đối tượng trộm bị người dân bắt quả tang

Một đối tượng trộm bị người dân bắt quả tang

Đơn cử như tại huyện Đức Hòa, giai đoạn 2015-2020, người dân đã cung cấp cho cơ quan chức năng gần 1.100 nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng công an làm rõ gần 500 vụ phạm pháp hình sự, gần 60 vụ tệ nạn xã hội, triệt xóa gần 50 nhóm tội phạm, bắt giữ hàng trăm đối tượng các loại, thu hồi tài sản hơn 5 tỉ đồng. Ngoài ra, người dân còn vận động gần 40 đối tượng phạm tội ra tự thú, tham gia tố giác, truy bắt gần 260 đối tượng phạm tội quả tang.

Còn tại huyện biên giới Đức Huệ, giai đoạn 2015-2020, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho cơ quan chức năng gần 1.500 nguồn tin, giúp công an làm rõ, xử lý nhiều vụ phạm pháp hình sự, xử lý hành chính nhiều trường hợp, xóa hơn 110 điểm cờ bạc, đá gà.

Ngoài báo tin, tham gia vây bắt tội phạm, nhiều người dân ở các địa phương trong tỉnh từ thành thị đến vùng nông thôn, biên giới còn tích cực tuyên truyền pháp luật và tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm, cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng.

Đặc biệt, các cấp, các ngành đã tích cực triển, khai thực hiện, nhân rộng nhiều phong trào, mô hình phòng, chống tội phạm, bảo đảm ANTT tại địa bàn. Qua đó, tập hợp được khối sức mạnh của tập thể người dân trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, bài trừ, triệt xóa tệ nạn xã hội. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang duy trì hoạt động của 121 mô hình phòng, chống tội phạm, giữ gìn ANTT. Chất lượng, hiệu quả của các mô hình ngày càng được nâng cao, thu hút được nhân dân đồng tình tham gia.

Ông Nguyễn Văn Hưng, ngụ thị trấn Bến Lức cho biết, những mô hình, phong trào phòng, chống tội phạm được đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin trên hệ thống truyền thanh, tiếng loa ANTT. Qua những phong trào, mô hình đã khơi gợi được ý thức, trách nhiệm của cả cộng đồng trong phòng, chống tội phạm, bảo đảm ANTT. Mặt khác, cũng từ việc tích cực hưởng ứng và tham gia vào các phong trào, mô hình bảo đảm ANTT tại địa phương mà người dân được hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật, thủ đoạn và phương thức hoạt động của các loại tội phạm để cảnh giác và phòng, chống.

Đại tá Phạm Thanh Tâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, ngoài đấu tranh, triệt xóa tội phạm thì thời gian qua, lực lượng công an chủ động nắm tình hình liên quan đến ANTT để làm cơ sở tham mưu, đề xuất tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương phối hợp thực hiện. Đồng thời, công an và các ngành, các cấp, đoàn thể cũng chú trọng duy trì chất lượng hoạt động các câu lạc bộ, mô hình quần chúng tự quản về ANTT. Các cấp và các ngành còn quan tâm xây dựng, củng cố lực lượng tuyên truyền ở cơ sở và thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng, biện pháp vận động để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác, đáp ứng nhiệm vụ được giao.

Song song đó, lực lượng công an và các cấp, các ngành cũng kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, những mô hình tiên tiến, động viên, khích lệ tinh thần quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm.

Với sự tham gia của người dân trong phòng, chống, tố giác tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm sự bình yên ở địa bàn. ANTT bảo đảm chính là điều kiện thuận lợi để triển khai, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển KT - XH của địa phương.                   

Công tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh Tổ quốc, không chỉ là trách nhiệm riêng của công an, hay các lực lượng chức năng mà là việc chung của cả cộng đồng. Để phát huy vai trò, sức mạnh của toàn dân, nhiều phong trào, mô hình phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự được triển khai, nhân rộng và đạt hiệu quả cao./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết