Bảo vệ môi trường bằng hành động, việc làm thiết thực
Trước đây, môi trường trong sản xuất nông nghiệp (SXNN) hầu như chưa được người dân xem trọng. Nông dân chưa thật sự để tâm, vẫn theo thói quen, nhất là khi sử dụng xong thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), bao bì, vỏ chai bị vứt lại ngay trên những cánh đồng. Điều này không chỉ làm mất vẻ mỹ quan mà còn gây ô nhiễm môi trường.
Nhiều mô hình hay, thiết thực góp phần bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp (Trong ảnh: Mô hình hố thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường)
Thực tế trên đặt ra nhiều thách thức cho ngành chuyên môn cũng như địa phương trong việc xử lý. Bằng cách tăng cường tuyên truyền, định hướng cùng nhiều việc làm thiết thực từ các cấp lãnh đạo, trong đó, xây dựng nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả như mô hình thu gom bao bì; xây dựng các hố thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV; ra quân thu dọn rác trong SXNN;... Qua đó, tạo sự chuyển biến lớn trong nhận thức của người dân, giúp họ hiểu được vai trò, trách nhiệm và chung tay cùng chính quyền trong công tác BVMT.
Từ khi phát động mô hình đồng ruộng sạch bao bì thuốc BVTV, các hộ nông dân tại xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường thu gom bao bì, vỏ chai thuốc BVTV bỏ vào đúng nơi quy định, tránh làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Bà Nguyễn Thị Ngọc (ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp) cho rằng: “Trước đây, nhận thức chưa đúng nên nông dân thường vứt bao bì thuốc BVTV, rác thải từ hoạt động SXNN tại ruộng, vườn. Nhận thấy điều này gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, khi địa phương phát động thực hiện mô hình thu gom bao bì thuốc BVTV, chúng tôi tích cực hưởng ứng”.
Huyện Tân Trụ phát động xây dựng mô hình hố thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật vừa bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, vừa cải thiện diện mạo, cảnh quan đồng quê và môi trường trên địa bàn
Huyện Tân Trụ phát động xây dựng hố thu gom bao bì thuốc BVTV trên các cánh đồng tại các địa phương. Mô hình đã tác động rất lớn đến nhận thức của người dân trong quá trình SXNN. Tình trạng “gặp đâu bỏ đấy” cơ bản được khắc phục, góp phần giữ gìn, BVMT trong khu vực. Theo ông Nguyễn Văn Toàn (ấp Bình Đông, xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ), việc xây dựng hố thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV góp phần BVMT trong SXNN, giúp người dân nhận thức rõ được ý nghĩa, tầm quan trọng trong vấn đề này. Tình trạng vứt bao bì thuốc BVTV ngay tại ruộng không còn nữa mà được thu gom, bỏ đúng nơi quy định. Nông dân rất phấn khởi vì một việc làm nhỏ của mình nhưng góp phần cải thiện môi trường xung quanh.
“Người dân chấp hành quy định, tự giác thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV tập kết vào hố xây sẵn và hợp đồng với đơn vị đầy đủ chức năng để vận chuyển, xử lý, tránh gây ô nhiễm môi trường. Mô hình được đánh giá rất thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế và nhận được sự tham gia của người dân” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Ngô Tấn Tài cho biết.
Bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh
Không chỉ chú trọng công tác BVMT trong hoạt động SXNN mà địa phương còn đặc biệt quan tâm, thực hiện quản lý nghiêm, chặt chẽ công tác này trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tại các DN hoạt động trên địa bàn. Ngành chức năng tỉnh thường xuyên phối hợp các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, kêu gọi người dân cùng tham gia trong vấn đề này; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về BVMT để các DN nắm bắt, thực hiện.
Các DN hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn ngoài việc thực hiện nghiêm quy định của pháp luật còn nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác BVMT.
Các khu công nghiệp đang hoạt động lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, kết nối truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, kiểm tra
“DN tuân thủ nghiêm và rất chú trọng vấn đề BVMT. Trước khi tiếp nhận nhà đầu tư, chúng tôi đã có đánh giá tác động môi trường, hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, bảo đảm việc thu gom, xử lý toàn bộ nước thải của các DN thứ cấp tại đây. Đơn vị có đội ngũ chuyên thực hiện vấn đề và mỗi ngày kiểm tra, lấy mẫu để xem chất lượng nước thải đã xử lý có đạt chuẩn hay không trước khi thải ra môi trường. Khu có lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) để kiểm tra, theo dõi.
Bên cạnh đó, khu có xây dựng vị trí riêng để thu gom chất thải nguy hại. Khuôn viên trong khu cũng được quan tâm, xây dựng mảng xanh để vừa tạo bóng mát, vừa điều hòa không khí. Chế độ báo cáo về môi trường được khu thực hiện đầy đủ” - đại diện Ban Quản lý Khu công nghiệp Hòa Bình (huyện Thủ Thừa) - Đặng Trung Tín chia sẻ.
Tương tự, đại diện Khu công nghiệp Phú An Thạnh (huyện Bến Lức) - Nguyễn Thành Quang cho biết: Đơn vị thu hút đầu tư, phát triển kinh tế luôn chú trọng BVMT thể hiện qua việc tiếp nhận đầu tư, có chọn lọc, ưu tiên những ngành nghề sử dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường. Hệ thống xử lý nước thải bảo đảm xử lý toàn bộ cho các DN thứ cấp hoạt động, công suất thiết kế 3.300m3/ngày đêm nhưng vận hành rất thấp do ngành nghề hoạt động trong khu ít sử dụng nước. Khu định kỳ báo cáo công tác quản lý môi trường về ngành chức năng, truyền dữ liệu về Sở TN&MT 24/24 giờ để theo dõi, quản lý. Các chất thải sinh hoạt, công nghiệp, nguy hại được phân loại, đưa vào nơi quản lý riêng và hợp đồng với đơn vị đầy đủ chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý theo đúng quy định.
Chất thải nguy hại trong sản xuất được thu gom tại vị trí riêng theo quy định
Phó Giám đốc Sở TN&MT - Nguyễn Tân Thuấn thông tin: UBND tỉnh đã ban hành danh mục ngành nghề khuyến khích đầu tư; ngành nghề tiếp nhận đầu tư có điều kiện; ngành nghề tạm dừng tiếp nhận đầu tư; ngành nghề được xem xét tiếp nhận đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở để từng bước tiếp nhận đầu tư theo hướng có chọn lọc, bảo đảm công nghệ trung bình tiên tiến trở lên, góp phần giảm thiểu chất thải phát sinh có ảnh hưởng đến môi trường khi dự án đi vào vận hành, hướng đến việc tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của tỉnh.
Để gắn kết hài hòa trong công tác phát triển kinh tế và BVMT, Sở tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc xả thải của các DN, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về môi trường; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ý thức cộng đồng, DN về BVMT. Sở chủ động ký kết kế hoạch quản lý nhà nước lĩnh vực BVMT với các sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội để chung tay thực hiện.
Bên cạnh đó, Sở tham mưu UBND chỉ đạo cụ thể, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương để có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong công tác BVMT. Đồng thời, Sở thực hiện đồng bộ các giải pháp BVMT, tập trung ưu tiên các công trình liên quan đến biến đổi khí hậu, hoàn thiện hệ thống quan trắc tự động các thành phần môi trường, kiểm tra chặt chẽ quá trình thu hút đầu tư, kiên quyết không tiếp nhận các dự án có công nghệ lạc hậu, nguy cơ gây ô nhiễm và giải quyết dứt điểm các cơ sở, địa điểm gây ô nhiễm môi trường đang tồn tại,...
Châu Sơn