Tiếng Việt | English

03/08/2017 - 00:50

Phát triển kinh tế từ bonsai

Từ niềm yêu thích cây kiểng cộng với sự ham mê học hỏi, ông Bùi Quốc Nam, ở ấp Kim Định, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An trở thành một nghệ nhân có tiếng là “chơi kiểng hái ra tiền”.

Ông Bùi Quốc Nam đang tạo dáng cây kiểng

Ông Nam bắt đầu đến với nghề trồng cây kiểng từ năm 1995. Lúc đầu, ông chỉ mua vài cây để trước sân nhà cho đẹp. Càng khám phá cây kiểng, ông càng yêu thích. Thế là, thấy nhà nào có gốc kiểng đẹp, ông hỏi mua về nhà cắt tỉa, tạo dạng, và cứ thế, số cây trong vườn dần dần tăng lên.

Một ngày, có người đến hỏi mua lại mấy cây trong vườn với giá cao gấp đôi, gấp ba giá vốn. Từ đó, ông nảy sinh ý tưởng vừa chơi kiểng vừa dùng kiểng để phát triển kinh tế. Năm 1997, ông đăng ký học lớp tạo dáng bonsai tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tại TP.HCM. Vừa học, vừa tự nghiên cứu, tìm hiểu thêm qua sách báo, bạn bè và những nghệ nhân trong giới, ông rút kinh nghiệm cho bản thân để tạo nên những tác phẩm đặc sắc riêng.

Năm 2003 đánh dấu bước ngoặc thành công của ông Nam, khi đem kiểng trưng bày tại Hội Hoa Xuân TP.HCM và đoạt giải đồng. Nhờ thế, thêm nhiều người biết và tìm đến mua kiểng của ông.

Hiện vườn kiểng của ông Nam có gần 100 cây kiểng, bonsai, với nhiều chủng loại có giá trị cao: Mai vàng, mai chiếu thủy, me, kim quýt,… cây nào cũng được cắt tỉa, tạo dáng theo phong cách riêng. Từ mô hình trồng cây kiểng bonsai mang lại nguồn giá trị kinh tế cao cho gia đình ông.

Ngoài việc kinh doanh cây kiểng bonsai, ông Nam còn là nghệ nhân thiết kế sân vườn được nhiều người trong và ngoài huyện biết đến. Hiện, ông là một trong những nghệ nhân tiêu biểu của Hội Sinh vật cảnh huyện Cần Giuộc, là thành viên nhóm Bonsai Tinh Hoa của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, TP.HCM. Hàng năm, ông tham gia dự thi và triển lãm các tác phẩm cây kiểng bonsai tại các lễ hội sinh vật cảnh trong và ngoài tỉnh và đạt nhiều giải thưởng có giá trị./.

Phương Cảnh

Chia sẻ bài viết