Bài 1: Thiếu nguồn cung nhà ở xã hội
Số lượng công nhân, lao động (CNLĐ), người có thu nhập thấp tăng nhanh đã tạo áp lực rất lớn về nhu cầu nhà ở, nhất là NƠXH tại các huyện trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh. Nhu cầu về NƠXH khá lớn nhưng hiện nguồn cung hạn chế, mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu; giá NƠXH vẫn còn cao hơn so với thu nhập bình quân của đối tượng thụ hưởng.
Nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn
Những năm qua, tỉnh Long An có tốc độ phát triển KT-XH hàng năm luôn duy trì ở mức cao. Lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ có bước phát triển nhanh trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đồng thời, tạo ra hàng trăm ngàn việc làm cho CNLĐ.
Công nhân, lao động trên địa bàn tỉnh chủ yếu sinh sống tại các khu nhà trọ, chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện cũng như công tác phòng cháy, chữa cháy
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh có 51 khu công nghiệp (KCN) và 72 cụm công nghiệp (CCN). Hiện có 26 KCN có đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư và 17 CCN đã đi vào hoạt động. Số liệu thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh cho thấy, số lượng CNLĐ đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh gần 213.000 người, tập trung chủ yếu tại các địa phương phát triển công nghiệp như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa và TP.Tân An.
Dự báo đến năm 2025 tăng lên khoảng 235.000 CNLĐ, năm 2030 là 254.000 CNLĐ và dự kiến đến năm 2050, số CNLĐ tăng lên gần 344.000 người. Số lượng CNLĐ, người có thu nhập thấp đang tăng nhanh tạo áp lực rất lớn về nhu cầu nhà ở, nhất là NƠXH tại các huyện trọng điểm phát triển công nghiệp. Nhu cầu về nhà ở, NƠXH khá lớn nhưng hiện nguồn cung rất hạn chế, mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu; giá NƠXH vẫn còn cao hơn so với thu nhập bình quân của đối tượng thụ hưởng.
Qua khảo sát cũng cho thấy, có khoảng 46% CNLĐ có nhu cầu về NƠXH, trong đó, nhu cầu chủ yếu là mua và thuê mua, khoảng 54% CNLĐ không có nhu cầu về NƠXH do phần lớn CNLĐ làm việc tại các K,CCN là người địa phương, sống cùng gia đình.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Trang, thời gian tới, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ tiếp tục được tỉnh xác định là động lực chính thúc đẩy KT-XH, nhiều K,CCN mới được đầu tư và đi vào hoạt động, từ đó, nhu cầu NƠXH cho CNLĐ và người có thu nhập thấp khác trên địa bàn tỉnh sẽ tăng mạnh. Theo đó, nhu cầu NƠXH giai đoạn đến năm 2025 khoảng 109.000 căn, trong đó, NƠXH cho CN gần 108.000 căn, đến năm 2030 tăng lên hơn 116.500 căn và dự kiến đến năm 2050 tăng lên khoảng 159.000 căn; trung bình 1 CN, người LĐ có nhu cầu 25m2 sàn. Phát triển NƠXH đang trở thành vấn đề cấp thiết để giữ chân CNLĐ yên tâm làm việc, gắn bó với tỉnh trong quá trình phát triển.
Công nhân, người lao động chủ yếu sống tại các khu nhà trọ
Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh, hiện nay, trên toàn tỉnh có khoảng 4.800 khu nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư xây dựng với số lượng khoảng 77.200 căn nhà trọ, bố trí được khoảng 156.200 CNLĐ tại các K,CCN. Mặc dù số lượng nhà trọ cơ bản đáp ứng tạm thời nhu cầu cấp bách về nhà ở của CNLĐ, tuy nhiên, đa số các khu nhà trọ hiện nay chưa bảo đảm việc ở cho CNLĐ, công tác phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường. Còn tình trạng chủ nhà trọ chưa quản lý chặt việc đăng ký tạm trú, tạm vắng theo quy định, làm phát sinh nhiều tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự.
|
Nguồn cung hạn chế
Thông tin từ Sở Xây dựng, trong những năm qua, các cấp, các ngành tỉnh tập trung chỉ đạo, đưa ra nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách để phát triển NƠXH cho CNLĐ, người có thu nhập thấp. Trong đó, tỉnh rà soát và quy hoạch quỹ đất, quy hoạch xây dựng NƠXH tại các KCN, các khu dân cư đô thị, bước đầu thu hút đầu tư và triển khai được một số dự án (DA) NƠXH. Qua đó, giải quyết được một phần nhu cầu NƠXH cho CN, tạo tiền đề để đẩy mạnh phát triển NƠXH trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Văn Trang, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 7 DA NƠXH dành cho CN, người có thu nhập thấp đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với quy mô sử dụng đất khoảng 5,41ha; tổng diện tích sàn hoàn thành 76.638m2 với 1.884 căn hộ, đáp ứng khoảng 8.000 người. Đồng thời, tỉnh có 28 DA NƠXH đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đang triển khai với diện tích đất xây dựng hơn 218ha, quy mô 51.596 căn. Ngoài ra, tỉnh có 23 vị trí phát triển NƠXH độc lập với quy mô 207,46ha, khi hoàn thành cung cấp khoảng 55.585 căn.
Cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, HĐND tỉnh ban hành 2 nghị quyết gồm: Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND, ngày 09/7/2020 và Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND, ngày 13/7/2022 về Chương trình Phát triển nhà ở tỉnh giai đoạn 2020-2025 định hướng đến năm 2030. Trong đó, đề ra các chỉ tiêu phát triển NƠXH cho CN giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,39 triệu m2 sàn và giai đoạn 2026-2030 khoảng 9,426 triệu m2 sàn.
|
Mặc dù số lượng DA NƠXH được chấp thuận chủ trương đầu tư cũng như quy hoạch rất nhiều, song ngoài 7 DA đã hoàn thành, đa số DA còn lại vẫn “ở trên giấy”, chưa thể khởi công do nhiều vướng mắc liên quan. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung NƠXH, việc phát triển NƠXH không đạt theo thỉ tiêu nghị quyết của HĐND tỉnh, so với kế hoạch chỉ đạt khoảng 19%. Thậm chí có năm không có NƠXH hoàn thành và bàn giao, đưa vào sử dụng. Trước thực trạng này, HĐND tỉnh đã trực tiếp khảo sát và thực hiện chương trình đối thoại với UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong phát triển NƠXH.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều, ngoài yếu tố khách quan do lượng CNLĐ tăng nhanh, có thể thấy hiện nay còn có 11 đồ án tại khu vực đô thị loại II và loại III chưa xác định diện tích đất để xây dựng NƠXH khi lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết; tỷ lệ quỹ đất quy hoạch dành để xây dựng NƠXH trong khu dân cư, khu đô thị, KCN chưa bảo đảm theo quy định bắt buộc khi chưa bố trí đủ 20% quỹ đất trong các DA khu dân cư, khu đô thị và 2% tổng diện tích quy hoạch các KCN; cơ chế quản lý NƠXH như việc doanh nghiệp nộp tiền hoặc nộp quỹ đất dành để xây dựng NƠXH cho Nhà nước, thu hút đầu tư, miễn, giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ lãi suất ưu đãi,... chưa được thực hiện chặt chẽ, có sự chồng chéo, chưa rõ ràng về cơ chế. Bên cạnh đó, việc khống chế mức lợi nhuận, thủ tục đầu tư còn phức tạp, kéo dài cũng khiến các doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa thực sự "mặn mà" khi tham gia phát triển các DA NƠXH./.
(Còn tiếp)
Bài 2: Nhà ở xã hội chưa “hút” các doanh nghiệp tham gia
Kiên Định