Lao là bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis hay còn gọi là Bacille de Koch (viết tắt là BK) gây ra, bệnh có thể xảy ra ở phổi, gọi là lao phổi và xảy ra ở tất cả các cơ quan còn lại của cơ thể người nên gọi là lao ngoài phổi như lao hệ thần kinh trung ương hay còn gọi là lao màng não, lao hạch, lao xương, lao khớp và trong đó có cả lao tuyến vú.
Lao tuyến vú thường xảy ra ở một bên vú phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (ảnh minh họa)
Vi trùng lao xâm nhập cơ thể và di chuyển theo đường máu, đường bạch huyết đến tuyến vú rồi sinh sôi, phát triển tại đây đến khi đủ mạnh, sau đó tấn công vào mô tuyến vú và hình thành ổ bệnh ở tuyến vú nên gọi là lao tuyến vú.
Bệnh lao tuyến vú thường gặp ở phụ nữ trẻ hoặc trung niên, chủ yếu ở người đã lập gia đình và đã sinh đẻ, tuổi dễ mắc nhất là từ 25-45 tuổi, đây là độ tuổi sinh đẻ, cho con bú, tuyến vú rất phát triển, là cơ hội thuận lợi cho vi trùng lao dễ dàng tấn công.
Bệnh thường xảy ra ở một bên vú ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và kể cả nam giới cũng có thể mắc bệnh lao vú nhưng rất hiếm. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ở người cao tuổi.
Thông thường, từ khi vi trùng lao xâm nhập cơ thể cho đến khi có những biểu hiện của bệnh lao tuyến vú là khoảng vài tháng đến vài năm với biểu hiện ban đầu là trong vú có khối u hoặc vú có tình trạng viêm nhiễm tái đi tái lại nhiều lần điều trị bằng những loại kháng sinh nhưng không giảm.
Với những biểu hiện không đặc trưng như thế cho nên bệnh lao tuyến vú rất dễ bị nhầm lẫn với ung thư vú và áp-xe vú và cũng vì thế cho nên bệnh lao tuyến vú ít được phát hiện sớm.
Do đó khi thấy có những biểu hiện nghi ngờ như sốt, ớn lạnh, sụt cân và bị viêm loét da vú, đau vú với đặc tính như đau khi chạm nhẹ vào hay đau khi mặc áo chứ không đau dữ dội, sưng vú, sờ thấy u ở một bên vú và nhất là những người sống ở vùng có nhiều người bị mắc lao hay gia đình hoặc bản thân từng có tiền căn mắc bệnh lao, phụ nữ cho con bú, người bị suy giảm sức đề kháng và dinh dưỡng kém thì nên đi đến cơ sở y tế chuyên khoa về ung bướu để được khám chẩn đoán chính xác để được điều trị sớm, kịp thời.
Lao tuyến vú cũng có hai loại là lao nguyên phát và lao thứ phát nhưng với lao nguyên phát thường rất ít gặp mà chủ yếu là lao thứ phát, với bệnh lao tuyến vú thứ phát được lây truyền chủ yếu bằng đường máu thông qua ổ bệnh lao nguyên phát trong cơ thể mà phần lớn là do lao phổi và lao hạch bạch huyết, vi trùng lao theo đường máu đi đến mô tuyến vú gây nên lao tuyến vú.
Bên cạnh đó các cơ quan gần tuyến vú bị lao như lao ở xương sườn, xương ngực, lao các cơ quan nội tạng, lao khớp vai sẽ lây trực tiếp sang tuyến vú. Mặc khác, do hệ bạch huyết của tuyến vú nằm ở vùng dưới nách, vùng cổ, vùng ngực, vùng trên xương đòn cho nên khi các hạch bạch huyết này bị nhiễm vi trùng lao thì vi trùng lao sẽ theo hệ bạch huyết lây lan đến tuyến vú.
Ngoài ra, vi trùng lao cũng có thể xâm nhập vào cơ thể người bệnh qua núm vú rồi theo ống dẫn sữa xâm nhập vào tuyến vú hoặc chúng xâm nhập qua da bị trầy xướt vào tuyến vú.
Bệnh lao tuyến vú là một thể lao ngoài phổi hiếm gặp, do đó mức độ quan tâm của người bệnh và bác sĩ chưa cao. Hơn nữa không có những biểu hiện đặc trưng của bệnh, các cận lâm sàng khác như siêu âm và nhũ ảnh đều cho kết quả giống với tình trạng của bệnh ung thư vú hay áp xe vú cho nên bệnh lao tuyến vú thường bị chẩn đoán nhầm với bệnh ung thư vú, áp xe vú và chính vì thế khi phát hiện bệnh lao tuyến vú đều ở vào giai đoạn rất muộn nên kết quả điều trị luôn bị hạn chế.
Hiện nay với sự phát triển của y học hiện đại, nếu phát hiện sớm, lao tuyến vú sẽ được điều trị với kết quả rất cao bằng những thuốc kháng lao thông thường, thời gian từ 8-9 tháng theo chương trình chống lao quốc gia. Nếu lao tuyến vú để lâu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách có thể rò ngược trở vào lồng ngực, gây lao ở lao màng phổi, lao phổi, thậm chí vi trùng lao vào đường máu và có thể gây lao màng não và nguy hiểm hơn nếu điều trị không tốt bệnh lao tuyến vú sẽ gây ra lao kháng thuốc.
Để có thể phát hiện sớm bệnh lao tuyến vú cần quan tâm đến các tổn thương lành tính tại vú như viêm nhiễm lâu ngày, tái diễn áp-xe nhiều lần tại vú và nếu phát hiện có khối u ở vú thì nên đến cơ sở y tế chuyên khoa về tuyến vú để được khám, chẩn đoán kịp thời.
Việc điều trị lao tuyến vú cũng giống như điều trị lao thông thường theo chương trình chống lao quốc gia nhưng với lao tuyến vú có thể phải kéo dài thêm thời gian điều trị ch nên người bệnh phải kiến trì tuân thủ chế độ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Ngoài ra, còn có thể phòng, tránh bằng cách không mặc những loại áo ngực quá gò bó, gây nóng bức và nên vệ sinh tay sạch sẽ trước khi chạm vào vòng 1.
Ngoài ra, nên tầm soát cơ chế lây từ gia đình, như nhà có người thân bị lao phổi, những bệnh lao khác hoặc tầm soát từ chính bản thân có bị lao hay không và đối với bản thân, từng người cần vệ sinh tay sạch sẽ trước khi chạm vào tuyến vú và nhất là khi điều trị bệnh lý viêm nhiễm của tuyến vú 15 ngày mà không thuyên giảm, nên đến khám ở bệnh viện chuyên khoa lao/.
Bs Hồ Văn Cưng