Tiếng Việt | English

08/12/2015 - 16:02

Quà của ruộng đồng

Những cơn mưa mịt mù của mùa đông làm những gốc rạ vừa gặt xong nhanh chóng đâm chồi. Trong mưa, chồi lúa vẫn vươn lên xanh kịt. Lùa bò ra đồng mùa mưa lạnh lắm, gió thông thốc lùa tứ phía nhưng bù lại bò được ăn “chét” no nê. Còn nữa, chủ nhân có cơ hội đeo lủng lẳng kè kè cái giỏ bên hông, lội ruộng mà bắt ốc, bắt cua.

Ảnh minh họa (Nguồn dantri.com)

Muốn bắt được nhiều ốc, cua phải chịu khó lội sang các ruộng “rộc”. Đó là những đám ruộng sâu, quanh năm có nước. Đáy bùn ruộng rộc nhiều ốc. Bờ ruộng rộc hang cua nhiều. Con cua to, càng bự chảng nhưng khổ nỗi, đó cũng là chỗ thường có đỉa. Tôi chết nhát, sợ đỉa nhất trần đời nhưng tôi cũng háu ăn, nghĩ tới cái càng cua to nướng vàng thơm phức là nhắm mắt… lội ruộng liền. Cua kẹp chảy máu tay, đau ứa nước mắt vẫn cặm cụi lấy cây thọc vào hang; thọc chừng nào con cua chịu hết thấu trồi ra mới thôi. Thò tay vào hang bắt dễ hơn nhưng tôi lại nhát… rắn. Lần đầu đi bắt cua lỡ dại thọc tay, lôi ra nguyên con rắn nước to cộ khiến vãi đái ra quần, suýt té xỉu. Còn nữa, lần khác bắt xong con cua càng to, đứng hí hửng cười sực nhìn xuống thấy… con đỉa trâu mập ú lủng lẳng dưới chân! Ôi cha mẹ ơi, vừa đạp vừa giẫy vừa gào vừa chạy. Miệng gào “cứu với” mà mang cái chân đỉa nhảy choi choi khắp đồng. Cảnh đó khiến ai cũng cười bò...

Anh Hai tôi mùa mưa ra đồng đi thả lờ. Mưa dầm, cá theo nước ngược dòng tìm chỗ đẻ, con nào bụng cũng đầy trứng béo mẫm! Nghề thả lờ, ghét nhất bị cua chui vào lờ; chúng vừa kẹp chết cá vừa kẹp gãy hết các nan lờ. Giở cái lờ nào lên mà gặp cua, anh Hai lập tức vừa gầm gừ vừa trút “tên phá hoại” ra, “xử” ngay tại trận! Biết ý, mỗi lúc anh đi giở lờ, tôi loăng quăng mang giỏ chạy theo, chỉ để chực… xin cua! Dẫu biết đường nào lũ cua cũng chết; nhưng vào giỏ của tôi, dù gì chúng cũng không “thọ án” ngay. Và, quan trọng hơn, không phải chết uổng! Tôi mê món mắm cua đồng mùa đông. Cua đồng xỏ ghim nướng chín, tách bỏ yếm, mai rồi đem giã, quết chung với muối, bột ngọt, ớt xiêm cùng lá é (hương nhu) trắng. Thử tưởng tượng ra cảnh ngoài trời mưa phùn gió bấc, trong nhà mâm cơm nóng được dọn lên cùng tô mắm cua đồng thơm phức, xanh um; dích miếng nào cho vào mồm “biết” ngay miếng ấy: vừa ngọt ngào vừa thơm cay xé lưỡi, chà chà…

Các “đặc sản” cá đồng mùa mưa từ những cái lờ của anh Hai lại càng không tồi. Cá nhét nấu lá gừng, cá tràu (lóc) nấu chua hoặc um với chuối cây, cá sặc kho tiêu, cá rô nướng dầm mắm ớt…. Món nào cũng “chết cơm” khiến mẹ cứ phải thở than: tháng gió mưa không làm gì ra gạo cơm mà ăn quá xá! Than vậy; nhưng thấy lũ con ăn no ăn khỏe chắc mẹ cũng mừng. Nhà tôi có cái lệ: mùa đông không đi chợ (để tiết kiệm bớt. Mưa gió không làm ra được gì thì ăn ít thôi, chợ búa chi cho tốn kém?); lương thực “cố thủ” trong nhà chỉ có gạo, mắm. Còn thực phẩm ư, “tự thân vận động”, có gì ăn nấy, mẹ lệnh rồi….

Không sao; đã có những món quà của ruộng đồng. Anh Hai tôi đặt lờ. Tôi cặm cụi với chiếc giỏ lượm ốc, bắt cua. Đồng đất thân thương hào phóng tặng anh em tôi những món quà ngon giấu kín trong “bụng đồng” - ngay giữa ngày đông sùi sụt gió mưa tưởng như đồng toàn nước trắng. Ấy vậy mà rồi cũng qua hết những mùa đông của tuổi ấu thơ. Những mùa đông in dấu bằng từng bữa ăn cả nhà vây quanh cơm canh bốc hơi nghi ngút cùng trã cá sặc kho hay tô mắm cua đồng dân dã mà ngon; cái ngon tôi đi hết nửa đời người vẫn chưa bao giờ tìm lại được. Có lẽ đồng đất thương anh em tôi - những đứa trẻ nhà nghèo siêng năng, chịu khó chịu thương - mà bù đắp; đến mức mẹ cũng phải kêu lên: hai cái đứa này giỏi! Cá cua đâu chúng cứ đem về hoài…/.

Tạp bút Y Nguyên 

Chia sẻ bài viết