Tiếng Việt | English

04/05/2016 - 10:13

Ra mắt sách “Truyện Kiều” song ngữ Đức – Việt

Hai dịch giả Irene và Franz Faber đã dành 7 năm trời ròng rã để học tiếng Việt và dịch “Truyện Kiều” từ nguyên tác sang tiếng Đức cách đây 50 năm.

Mới đây, tại Berlin (Đức), nhóm chủ biên và Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại CHLB Đức đã tổ chức một chương trình văn học – âm nhạc để ra mắt cuốn sách “Truyện Kiều” song ngữ Đức – Việt.

Đông đảo bạn đọc người Đức và người Việt yêu văn thơ đã tới tham dự buổi ra mắt cuốn “Truyện Kiều”nguyên tác của Đại văn hào Nguyễn Du và bản dịch tiếng Đức của hai dịch giả Irene và Franz Faber. Tham tán Công sứ Thương mại Nguyễn Hữu Tráng đã thay mặt Đại sứ quán Việt Nam tại Đức tới tham dự buổi ra mắt sách.

Nghệ sĩ kịch nói Irma Münch-Minetti trích đọc phần tiếng Đức trong buổi ra mắt "Truyện Kiều" bản song ngữ Đức - Việt
Phát biểu mở đầu chương trình, Tiến sĩ Trương Hồng Quang, người từng làm luận văn so sánh “Truyện Kiều” của Nguyễn Du với “Faust” của Johann Wolfgang von Goethe, đại văn hào Đức đã nêu bật vai trò và ý nghĩa của “Truyện Kiều” trong đời sống văn hóa, ngôn ngữ, tinh thần của người Việt. Ông dẫn lời học giả Phạm Quỳnh từng khẳng định: “Truyện Kiều còn là tiếng Việt còn, tiếng Việt còn là dân tộc Việt Nam còn”. Ông cũng dẫn lời Tiến sĩ Phạm Ngọc Kỳ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức cho rằng dự án “Truyện Kiều” song ngữ Việt – Đức là một nén tâm nhang để tưởng nhớ tới hai dịch giả đã dành 7 năm trời ròng rã để học tiếng Việt và dịch từ nguyên tác sang tiếng Đức cách đây 50 năm.

Sau khi xem một bộ phim tài liệu ngắn nói về Dự án Truyện Kiều song ngữ, Tiến sĩ Nguyễn Việt Đức, Ủy viên BCH Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức, đơn vị bảo trợ việc xuất bản “Truyện Kiều” song ngữ lần này nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức và kỷ niệm 250 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du, đã phát biểu, nhấn mạnh rằng, cuốn “Truyện Kiều” song ngữ Việt – Đức là một món quà quý dành tặng cho các bậc cha mẹ người Việt ở Đức để giúp cho con cái họ có thể đọc và hiểu được một tác phẩm kinh điển trong văn học Việt Nam.

Với sức truyền cảm mạnh mẽ, nghệ sĩ kịch nói nổi tiếng Irma Münch-Minetti và nhà văn Lê Minh Hà đã trích đọc một số đoạn trong tác phẩm “Truyện Kiều” bằng tiếng Đức và tiếng Việt, mang tới những cảm nhận rung động về chất thơ, chất nhạc của kiệt tác này.

Nhân dịp này, Giáo sư Đặng Ngọc Long đã độc tấu đàn Gitarre, lần đầu tiên công diễn Tổ khúc Kiều gồm 7 chương do ông sáng tác.

Nghệ sĩ Gitarre Đặng Ngọc Long, Nghệ sĩ kịch nói Irma Münch-Minetti, Nhà văn Lê Minh Hà và MC Trương Hồng Quang
Phần tiếng Đức là bản dịch của hai dịch giả Irena và Franz Faber, được xuất bản lần đầu vào năm 1965 và đã được tái bản năm 1976, 1980 và năm 2000. Như vậy, đây sẽ là lần tái bản thứ tư, nhưng là lần đầu tiên ra mắt dưới dạng sách song ngữ Đức – Việt với bìa sách là tranh của họa sĩ Claudia Việt Đức Borchers, người thân và là người thừa kế những di cảo của hai cụ Franz và Irene Faber. Trong bộ phim tài liệu, họa sĩ Borchers đã giới thiệu ý tưởng của mình khi vẽ tranh, thể hiện mối tình Thúy Kiều – Kim Trọng, những xiềng xích vùi dập cuộc đời chìm nổi như con thuyền của Thúy Kiều và thanh gươm biểu tượng cho sự bạo hành của giới đàn ông.

Kết thúc chương trình, MC Trương Hồng Quang đã dẫn lời Nghệ sĩ Irma Münch-Minetti nhận xét trong bộ phim tài liệu về kiệt tác “Truyện Kiều”, nhấn mạnh rằng những ai cầm cuốn sách trong tay, nhất là giới trẻ sẽ mở lòng cho thi ca và cái đẹp./.

CTV Văn Long/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết