Tiếng Việt | English

07/11/2015 - 06:26

“Truyện Kiều” bằng tiếng Nga – cầu nối văn hóa giữa 2 nước

Việc dịch và xuất bản bản dịch tiếng Nga thi phẩm “Truyện Kiều” là niềm mong mỏi của nhiều thế hệ dịch giả tiếng Nga say mê "Truyện Kiều".

Chiều 6/11, tác phẩm “Truyện Kiều” bản dịch tiếng Nga nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh tác giả - Đại thi hào Nguyễn Du (1766-2016) chính thức được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh giới thiệu tới công chúng.


Bìa sách "Truyện Kiều" bản dịch tiếng Nga.

Đây là một công trình tập thể của nhóm dịch giả Việt - Nga, là những nhà Việt Nam học, Nga học, trong nhiều năm qua đã tham gia các chương trình trao đổi, truyền bá văn hóa Nga-Việt gồm Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng; dịch giả Đoàn Tử Huyến và Vũ Thế Khôi; nhà thơ Nga Vasili Popov; nhà Việt Nam học người Nga, PGS Ngôn ngữ học Anatoli Socolov.

Được thực hiện từ năm 2013, tác phẩm này được dịch trên cơ sở văn bản tập khảo đính “Truyện Kiều” của Giáo sư Nguyễn Thạch Giang tái bản tại Việt Nam lần thứ 7, dịch sang tiếng Nga vẫn mang tên “Kiều” (КИЕУ) và có tên thứ hai là “Đoạn trường tân thanh” (Стенания стерзанной души).

Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Chủ biên bản dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Nga cho rằng, tác phẩm được xem như cầu nối văn hóa giữa hai nước Việt - Nga. Ông chia sẻ: “Trong nền văn học Việt Nam, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có sức hấp dẫn mãnh liệt. Năng lượng của “Truyện Kiều”, của Nguyễn Du để lại cho dân tộc vô cùng lớn, đó là chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa nhân đạo, giá trị nhân văn, cao cả. Mỗi tác phẩm văn học Việt Nam dịch ra tiếng Nga sẽ giúp nước bạn hiểu hơn về dân tộc chúng ta, bởi thực sự sau 25 năm, kể từ khi Liên Xô sụp đổ, hầu như không có tác phẩm văn học Việt Nam nào được dịch sang tiếng Nga. Chính vì vậy, bản dịch“Truyện Kiều” ra tiếng Nga có ý nghĩa rất sâu sắc, nối lại nhịp cầu văn hóa sau nhiều năm gián đoạn”.


Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Chủ biên bản dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Nga.

Việc dịch và xuất bản bản dịch tiếng Nga thi phẩm “Truyện Kiều” là niềm mong mỏi của nhiều thế hệ dịch giả tiếng Nga say mê “Truyện Kiều” của các nhà Kiều học nói riêng, và của các nhà Việt Nam học nói chung. Với nỗ lực phi thường, sau gần 2 năm, tác phẩm “Truyện Kiều” với các một chuỗi các điển tích, điển cố, với nhiều câu thơ mang đậm phong vị thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam, và đặc biệt với nghệ thuật làm thơ bậc thầy, trong đó phải kể đến nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, nhạc điệu, hình ảnh, hình tượng, biểu tượng của Nguyễn Du đã được chuyển tải sang tiếng Nga.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình chuyển ngữ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng cho biết, “Truyện Kiều” mới có 2 bản dịch tiếng Nga, và cả 2 bản dịch trước đó này đều chưa trọn vẹn. Tác phẩm lần này, nhóm dịch đã chuyển tải toàn bộ 3.254 câu Kiều sang tiếng Nga. Nhóm dịch giả vừa có người Việt, vừa có người Nga và đã bay đi, bay về giữa 2 nước suốt 2 năm qua. Dịch một tác phẩm bình thường chỉ là chuyển ngữ, nhưng “Truyện Kiều” là một hệ thống các điển tích, điển cố, từ Hán Việt… Nhóm dịch giả đã phải giảm thiểu điển cố, chuyển nghĩa trong câu thơ luôn để độc giả nước bạn nắm bắt được ý nghĩa nội dung.

Trong đội ngũ dịch giả, nhà thơ Vaxili Popov là người trẻ tuổi nhất (anh sinh năm 1983), chịu trách nhiệm chính phần dịch thơ “Truyện Kiều” sang tiếng Nga. Anh chia sẻ, việc tiếp xúc với kiệt tác của văn học Việt Nam này đã khiến anh thay đổi rất nhiều.

“Để dịch tác phẩm này sang tiếng Nga, tôi đã phải nghiên cứu và tìm hiểu rất nhiều về Nguyễn Du, về “Truyện Kiều”. Sau khi dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Nga, tôi cũng như trở thành một con người khác. Cuốn “Truyện Kiều” thực sự là cầu nối văn hóa giữa 2 dân tộc Việt - Nga. Bản dịch tiếng Nga của “Truyện Kiều” ra mắt đúng dịp năm văn hóa đang diễn ra ở Nga, đây như một món quà to lớn cho sự kiện văn hóa này”, Vaxili Popov cho biết.

Nhà thơ Vaxili Popov.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, sự xuất hiện của bản dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Nga đang góp phần cân bằng lại trong sự tiếp thu văn hóa nhân loại với việc giới thiệu, quảng bá tác phẩm của Việt Nam ra thế giới. Bởi trong quá trình hiện đại hóa nền văn học trong hơn thế kỷ qua, chúng ta dành nhiều công sức để tiếp nhận các tinh hoa của thế giới nhiều hơn là chủ động giới thiệu tinh hoa văn hóa của chúng ta ra bên ngoài.

“Trong bối cảnh đó, việc xuất hiện “Truyện Kiều” bằng tiếng Nga trên đất nước Nga vĩ đại xứng đáng là một sự kiện văn hóa nổi bật, trước hết làm xúc động giới nhà văn chúng tôi. Hình ảnh, tài năng, nhân cách của Nguyễn Du thông qua “Truyện Kiều” đến với nhân dân Nga, có lẽ không phải chỉ là vinh dự riêng đối với Nguyễn Du, mà là vinh dự chung, là niềm tự hào của nền văn học Việt Nam. Việc xuất hiện “Truyện Kiều” của Nguyễn Du lần này giúp cho nhân dân Nga hiểu cuộc sống, con người, đất nước Việt Nam. Hy vọng “Truyện Kiều” – kiệt tác của Nguyễn Du sẽ được công chúng Nga đón nhận. Đó là món quà đẹp đẽ, biểu trưng cho quyền sống của con người. Đó là sự đón nhận cái đẹp, lẽ phải, đạo lý mà Nguyễn Du khao khát gửi đến cho chúng ta hôm nay”, nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ.


Thúy Kiều vương vấn Kim Trọng.

Cho đến nay kiệt tác “Truyện Kiều” đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ khác nhau với 35 bản dịch. Từ ngày 3-5/12, Lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh và vinh danh danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du dự sẽ diễn ra tại Hà Tĩnh - quê hương ông./.

Hà Phương/VOV.VN

 

Chia sẻ bài viết