Những năm gần đây, ở các địa bàn giáp ranh TP.HCM có nhiều dự án khu dân cư
Giai đoạn 2015-2019, tỉnh Long An có 45 DA KDC được giao đất. Cụ thể, năm 2015 có 5 DA, diện tích 131.106m2; năm 2016 có 9 DA, diện tích 1.003.317m2; năm 2017 có 4 DA, diện tích 90.964m2; năm 2018 có 18 DA, diện tích 3.054.579,7m2; năm 2019 có 13 DA, diện tích 330.309m2.
Đến giữa năm 2020, toàn tỉnh có 201 DA KDC với diện tích hơn 6.000ha, tập trung ở các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An. Trong đó, có 30 DA đã hoàn thành, diện tích hơn 420ha; 55 DA bảo đảm tiến độ (kể cả tiến độ những DA được giãn tiến độ), diện tích 1.690ha; 53 DA trễ tiến độ đã được giãn tiến độ nhưng tiếp tục trễ, diện tích 2.820,5ha; 63 DA trễ tiến độ lần đầu chưa được giãn tiến độ, diện tích 1.119ha.
Thực hiện Kết luận số 1199-KL/TU, ngày 10/8/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và kết luận Hội đồng đầu tư tại Thông báo số 548/TB-UBND, ngày 14/9/2020, tỉnh quyết định giãn tiến độ đầu tư cho 21 DA (205,2ha); chấm dứt hoạt động 7 DA (48,4ha). Trong khi đó, các DA còn lại tiếp tục thực hiện các bước để được giãn tiến độ.
Theo Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh - Phạm Ngọc Tiệp, cuối năm 2020, UBMTTQ Việt Nam tỉnh giám sát việc thực hiện pháp luật đất đai tại các DA KDC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2019. Đoàn đến giám sát trực tiếp một số DA tại các địa bàn: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc, TP.Tân An.
Qua đợt giám sát đã chỉ ra nhiều DA chậm triển khai, treo, kéo dài nhiều năm, chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính. Việc chấp thuận và ban hành quyết định chủ trương đầu tư chưa dựa vào nhu cầu phát triển nhà ở mà chủ yếu dựa vào đề xuất của nhà đầu tư. Nhiều KDC hình thành, trong đó, có những DA diện tích quá nhỏ, thậm chí chưa được 1ha, ảnh hưởng đến việc kết nối giao thông, thoát nước, cũng như phát triển, mở rộng trong tương lai.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng nhà đầu tư san lấp mặt bằng khi chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất; phân lô, bán nền khi chưa bảo đảm điều kiện, thủ tục theo quy định còn xảy ra. Nhiều DA hoàn thành trong nhiều năm nhưng tỷ lệ người dân vào ở rất thấp. Qua khảo sát, tỷ lệ dân có nhu cầu xây nhà trong KDC chỉ khoảng 8% (KDC trung tâm thị trấn Bến Lức), nơi có tỷ lệ lấp đầy cao nhất là TP.Tân An cũng chỉ đạt 50%.
Mặt khác, có những DA chưa hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khu xử lý nước thải hoặc kết nối xử lý nước thải làm ảnh hưởng
rất lớn đến cuộc sống người dân. Việc chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền, sử dụng đất không đúng mục đích vẫn còn diễn ra, dẫn đến hình thành các KDC tự phát.
“Qua đợt giám sát việc thực hiện pháp luật đất đai tại các DA KDC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2019, đoàn giám sát đã báo cáo và có những đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh” - bà Phạm Ngọc Tiệp thông tin.
Giữa tháng 6/2021, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện rà soát, đề xuất xóa quy hoạch đối với những DA KDC kéo dài trên 3 năm không triển khai, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân trong việc thực hiện quyền sử dụng đất.
Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm, khắc phục sau xử lý vi phạm ở các DA chưa hoàn thành thủ tục đất đai, chậm đưa đất vào sử dụng đối với các DA KDC trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Xây dựng sẽ phối hợp các ngành liên quan hướng dẫn việc lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu các DA KDC, khu đô thị; đôn đốc việc rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn mới, bảo đảm đầu tư các DA dân cư vừa đáp nhu cầu phát triển, vừa phát huy hiệu quả sử dụng đất, tránh lãng phí đất đai, chú trọng việc kết nối hạ tầng các DA dân cư với quy hoạch chung.
Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Minh Hùng cho biết, Sở sẽ tăng cường kiểm tra việc triển khai chậm tiến độ, không triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% và sử dụng quỹ đất 20% không đúng mục đích; kiên quyết xử lý đối với trường hợp xây dựng trái phép và tổ chức bán bất động sản trong DA khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bến Lức - Nguyễn Quốc Hùng, Phòng đã tiến hành rà soát các DA KDC và tham mưu UBND huyện báo cáo, đề xuất về tỉnh./.
Qua giám sát của UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã chỉ ra nhiều dự án khu dân cư chậm triển khai, treo, kéo dài nhiều năm, chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính. Việc chấp thuận và ban hành quyết định chủ trương đầu tư chưa dựa vào nhu cầu phát triển nhà ở mà chủ yếu dựa vào đề xuất của nhà đầu tư. Nhiều khu dân cư hình thành, trong đó có những dự án diện tích quá nhỏ. Tình trạng nhà đầu tư san lấp mặt bằng khi chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất vẫn xảy ra; phân lô, bán nền khi chưa bảo đảm điều kiện, thủ tục theo quy định còn xảy ra. Nhiều dự án hoàn thành trong nhiều năm nhưng tỷ lệ vào ở rất thấp”. |
Vũ Quang