rượu rồi say xỉn, không làm chủ được bản thân là nguyên nhân dẫn đến bạo hành gia đình, mâu thuẫn, tại nạn giao thông… gây mất trật tự xã hội. Vẫn có những người say không đánh đập vợ con, không làm tổn hại đến người khác, đến trật tự xã hội nhưng lại đánh mất hình ảnh của bản thân, tự biến mình thành trò cười.
Mày – tao với bố vợ
“Bợm nhậu á, chồng mình đây chứ còn ai nữa”, chị Thúy Vân (Cầu Giấy, Hà Nội) trả lời khi được hỏi về tình huống bi hài mà chị từng chứng kiến với người say rượu.
Chị Vân kể, tửu lượng kém nhưng chồng chị lại rất ham nhậu nhẹt, không bỏ qua bất cứ cuộc tụ tập, đồng môn chiến hữu nào. Tuần 7 ngày thì có tới 6 ngày anh về nhà trong tình trạng ngà ngà say.
Có những người say không đánh đập vợ con, không làm tổn hại đến người khác, đến trật tự xã hội nhưng lại đánh mất hình ảnh của bản thân, tự biến mình thành trò cười
Trước đây uống say là chồng về nhà ngủ, không gây sự với vợ con nên chị Vân cũng tặc lưỡi “sống chung với lũ”. Nhưng càng ngày chị càng thấy chán bởi vì cái thói uống không biết điểm dừng của chồng mà nhiều phen muối mặt với họ hàng.
“Tết vừa rồi về quê ngoại chúc Tết, đã dặn chồng là dù có bị mời uống thì cũng 1-2 chén cho vui thôi, lấy lý do chăm con nhỏ với ngày Tết còn đi nhiều nơi không ai ép cả.
Thế mà vừa ngồi vào mâm là uống lấy uống để, say bảo đi ngủ vẫn cứ cố ngồi. Chả biết tranh luận chuyện gì với bố mình và các chú mà dám xưng cả mày – tao với bố.
Lúc đó mọi người bảo “thằng say” nên không chấp nhưng sau các chú trong họ bảo “nó không tôn trọng bên ngoại, có sẵn suy nghĩ như vậy trong đầu nên rượu vào mới dám nói”. Đấy, chỉ vì một lời nói khi quá chén mà giờ ngại bố vợ, chả dám gọi điện về nữa cơ”, chị Vân kể.
Đái bậy ngay trước mặt người yêu
Đang ấn tưởng bởi một anh chàng đẹp trai, thanh tú, có học thức, chỉ vì hành động lúc say mà chị Quỳnh (quê Thái Bình) quyết định thôi không yêu chàng trai này nữa. Chị Quỳnh kể, hai người đang trong giai đoạn tìm hiểu yêu đương, chàng điển trai, lại có công việc tốt nên chị cũng đã xuôi xuôi.
Hôm ấy, chị nhận lời mời cùng chàng đi dự sinh nhật của một anh bạn cùng công ty. Bữa tiệc nào cũng vậy, không thể thiếu rượu. Lúc đầu chàng từ chối uống với lí do còn chở chị về nhà. Dần dà mỗi người mời một chén, chàng bắt đầu chếnh choáng rồi uống không kiểm soát.
Đang uống dở thì thấy chàng đứng dậy chạy vội ra ngoài, chị tưởng chàng chạy ra nôn nên ra xem thế nào. Hỡi ôi ra đến nơi thì thấy chàng đang đứng úp mặt vào cột điện “xả” mặc người qua đường. Chị nhìn mà ngượng chín mặt.
“Có nhà vệ sinh trong quán không đi lại chạy ra đường đái bậy, chứng tỏ chàng không kiểm soát được bản thân nữa. Còn trẻ mà đã bê tha thế này, không biết về sau còn thế nào. Chạy là thượng sách”, chị Quỳnh nói về quyết định “ngừng yêu” của mình.
Hình ảnh không mấy lạ lẫm với những người say.
Nhìn phong bì tưởng là tiền
“Sếp nhạy cảm với phong bì nên khi say cũng chỉ nghĩ đến phong bì thì phải”, chị Hằng (Kim Mã, Hà Nội) vẫn cười tủm tỉm khi nghĩ lại cảnh sếp chìa một sập phong bì cho chị và thì thầm “tiền đấy, cất đi”.
Chuyện xảy ra ở đám cưới của một đồng nghiệp. Vì đám cưới ở quê vui nên mọi người ăn uống, hát hòrất thoải mái. Sếp được nhiều người mời nên lúc ra về đã chếnh choáng say. Lúc đứng đợi mọi người ở cổng, chị thấy ông ra bàn để “hòm hạnh phúc” lấy một sấp phong bì trống.
“Cứ tưởng ông định tận dụng số phong bì ấy cho việc gì đó, lúc đó mình nghĩ sếp gì mà tủn mủn thế, phong bì thừa của người ta cũng lấy về nữa. Ai dè đi đến chỗ để xe, ông gọi mình ra một góc rồi chìa sấp phong bì ra bảo “thằng Đ. (tên chú rể) quên tiền này, cất đi, cầm về cho nó”. Lúc đấy mới biết là ông say. Cười đau cả ruột”, chị Hằng kể.
K. Minh/Vietnamnet.vn