Tiếng Việt | English

20/04/2018 - 18:22

Sách với bộ đội - Sản phẩm văn hóa tinh thần bổ ích

Đối với cán bộ, chiến sĩ (CBCS), sách, báo là sản phẩm văn hóa tinh thần giúp tích lũy tri thức, khả năng tư duy, rèn luyện nhân cách quân nhân và có tính giải trí cao. Văn hóa đọc trong lực lượng vũ trang (LLVT) Long An từng bước đi vào nền nếp.

Các chiến sĩ mới Tiểu đoàn 1 trong giờ đọc sách, báo

Các chiến sĩ mới Tiểu đoàn 1 trong giờ đọc sách, báo

Bảo đảm nhu cầu

Thực hiện Thông tư số 104/2014/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần, LLVT Long An bảo đảm bình quân 300 trang sách/người/năm. Thư viện Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh có trên 2.500 đầu sách với đủ thể loại: Lịch sử, hồi ký, truyện ngắn, văn học, tiểu thuyết, sách pháp luật,... Báo chí hàng ngày phong phú, ngoài Báo Long An, còn có Báo Quân đội Nhân dân, Nhân dân, Tuổi trẻ, Pháp luật, Thể thao, Phụ nữ, Sức khỏe và Đời sống,... bảo đảm cung cấp thông tin, sự kiện, nghiên cứu cho bộ đội. Riêng tủ sách cấp đại đội hay phòng Hồ Chí Minh ở Tiểu đoàn 1 được trang bị đầy đủ sách, báo.

Đại tá Nguyễn Tấn Đảo - Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, cho biết: Nâng cao đời sống tinh thần cho bộ đội có nhiều hình thức, trong đó đọc sách, báo vừa là nhu cầu, vừa là điều cần thiết, nhất là trong tình hình hiện nay. Đọc sách, báo vừa để CBCS nắm bắt thông tin, trang bị kiến thức quân sự, chính trị, pháp luật, đời sống, vừa giáo dục truyền thống tự hào tiếp bước cha anh và bồi dưỡng tâm hồn, rèn luyện phẩm chất của người lính vững vàng trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách xuyên tạc, chống phá ta, nhất là trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng. Chính vì vậy, các cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị khuyến khích CBCS trong LLVT đọc sách thường xuyên, tự giác để nâng cao tri thức, trong đó chú trọng phong trào đọc sách, tăng cường tuyên truyền, giới thiệu sách, thu hút sự quan tâm của CBCS với sách,... Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và nhu cầu đọc của bộ đội.

Đọc sách luôn bổ ích

Những lúc rảnh rỗi, giờ nghỉ, ngày nghỉ, CBCS thường xuyên đến thư viện đọc sách, báo hay mượn mang về. Binh nhất Nguyễn Minh Cường - Phòng Chính trị Bộ CHQS tỉnh, một trong những độc giả quen thuộc, chia sẻ: “Ngoài đọc báo, tôi thường tìm đọc truyện ngắn hay những quyển hồi ký của những vị tướng trong quân đội. Khi đọc sách, báo, mình hiểu biết nhiều hơn, tư duy hơn và được thư giãn, giúp ích cho bản thân trong học tập, công tác”.

Hiện tại, ở Tiểu đoàn và các đại đội có tổ hoạt động phòng Hồ Chí Minh, phòng đọc, trong đó có nhóm phụ trách sách, báo. Các thành viên này không chỉ có nhiệm vụ theo dõi, bảo quản, kiểm kê mà còn là hạt nhân đẩy mạnh văn hóa đọc trong đơn vị. Đại úy Nguyễn Thanh Phục - Chính trị viên Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 738, Bộ CHQS tỉnh, phấn khởi: “Tôi thường tìm đọc những quyển sách viết về lịch sử, Bác Hồ, biển, đảo và những tác phẩm văn học mang tính giáo dục cao. Đây là tư liệu góp phần giúp tôi thực hiện tốt vai trò chính trị viên trong tuyên truyền, giáo dục chiến sĩ đơn vị mình. đọc sách luôn bổ ích, là cách để mở mang tầm nhìn, tri thức”.

Cán bộ, chiến sĩ đến thư viện Bộ CHQS tỉnh đọc sách

Cán bộ, chiến sĩ đến thư viện Bộ CHQS tỉnh đọc sách

Còn chiến sĩ mới Võ Trung Kiên - Tiểu đội 2, Đại đội 10, Trung đội 4, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 738, phấn khởi: “Có thói quen đọc sách từ nhỏ nên khi vào đơn vị, tôi tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ để đọc sách, báo, nhất là các sách pháp luật, quân đội, kỹ năng sống, người tốt - việc tốt. Thời đại công nghệ thông tin nhưng đọc sách vẫn là nhu cầu không thể thiếu của mọi người, nhất là chiến sĩ”.

Đến Đại đội Bộ binh huyện Tân Hưng, chúng tôi thấy không những cán bộ mà rất đông chiến sĩ đọc sách, báo trong ngày nghỉ. Ngoài đọc các tác phẩm văn học, các chiến sĩ còn tìm những sách viết về lịch sử, Bác Hồ. Trung sĩ Phạm Huỳnh Tấn Đời không giấu được niềm vui: “Hôm nay, tôi tìm được nhiều sách hay, mới như quyển Nam bộ những nhân vật lịch sử, Vùng biển không yên tĩnh,... Đọc sách để hiểu biết và hoàn thiện mình hơn”.

Với người lính, sách là kho tàng tri thức để nâng cao bản lĩnh, văn hóa, góp phần xây dựng quân đội “chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Với sự vào cuộc, quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong việc nâng cao văn hóa đọc, chắc chắn trong ba lô của người chiến sĩ, bên cạnh cây súng và cây bút thì những quyển sách hay sẽ là hành trang quân ngũ./.

Thùy Trang

Chia sẻ bài viết