Việc sáp nhập trường tại huyện Vĩnh Hưng luôn nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh
Thực hiện việc sáp nhập trường học giai đoạn 2018-2021 theo Đề án 03-ĐA/HU, ngày 30/01/2018 của Ban Thường vụ Huyện ủy và Kế hoạch số 46/KH-UBND, ngày 30-01-2018 của UBND huyện, đến nay sau khi sáp nhập, huyện Vĩnh Hưng còn 21 trường học trực thuộc huyện và 2 trường THCS-THPT trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, giảm 14 trường học so với năm học trước. Ngoài ra, ngành giáo dục huyện còn giảm được 3 điểm lẻ có sĩ số học sinh ít như xã Vĩnh Trị, Thái Trị, Tuyên Bình.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Hữu Tâm cho biết: “Để việc sáp nhập trường học thực hiện đúng kế hoạch đề ra, trước khi sáp nhập, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cân nhắc, khảo sát lựa chọn phương pháp và đơn vị sáp nhập tham mưu Huyện ủy, UBND huyện thực hiện, đồng thời xin ý kiến lãnh đạo huyện trong việc lựa chọn thực hiện quy trình người tiếp tục làm hiệu trưởng, người trở lại chức danh phó hiệu trưởng. Đặc biệt, ngành giáo dục và đào tạo huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm việc tư tưởng, chỉ ra những tác dụng, hiệu quả sau khi sáp nhập trường đến toàn thể cán bộ, giáo viên (GV), nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh. Bằng những biện pháp trên, việc sáp nhập trường tại huyện hoàn thành sớm kế hoạch đề ra”.
Năm học 2018, Trường Tiểu học Kim Đồng và Trường Tiểu học Khánh Hưng, xã Khánh Hưng, sáp nhập thành Trường Tiểu học Khánh Hưng. Năm học 2019-2020, Trường Tiểu học Khánh Hưng có 28 lớp với 795 học sinh; 49 cán bộ, GV và 5 nhân viên. Theo đánh giá của Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Hưng - Huỳnh Uyển Trinh, sau khi sáp nhập, trường có quy mô lớn hơn nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, bảo đảm điều kiện dạy học nên đội ngũ cán bộ, GV, nhân viên nhà trường an tâm làm việc, hoạt động của trường cũng ổn định, đi vào nền nếp”.
Điểm nổi bật trong đề án sáp nhập trường của huyện Vĩnh Hưng là tận dụng được các trang thiết bị giảng dạy và đội ngũ GV, đồng thời giảm chi phí hoạt động. Cụ thể, Trường Tiểu học và THCS Vĩnh Bình, xã Vĩnh Bình tận dụng được các dụng cụ âm thanh trong giảng dạy môn Âm nhạc; GV dạy môn Tiếng Anh có thể vừa dạy tiểu học và THCS, góp phần hạn chế tình trạng thiếu GV; chi phí cho các hoạt động vui chơi, giải trí giảm; GV có điều kiện giao lưu, học hỏi giữa các điểm trường,...
Phụ huynh em Huỳnh Nhật Minh - học sinh Trường Tiểu học và THCS Vĩnh Bình, bộc bạch: “Hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc sáp nhập trường là nâng cao chất lượng dạy và học, từ đó phụ huynh chúng tôi rất đồng ý, không phân biệt nơi này, nơi khác. Hơn hết, việc sáp nhập trường còn giúp con tôi làm quen với nội quy, quy chế của 2 cấp học”.
Sáp nhập trường đồng nghĩa với việc giảm nhân viên. Theo đó, sau khi sáp nhập trường, ngành giáo dục và đào tạo huyện giảm 9 cán bộ y tế học đường. Để giải quyết những cán bộ y tế này, ngành giáo dục và đào tạo huyện tham mưu Huyện ủy, UBND huyện chuyển 9 cán bộ sang ngành y tế huyện. Việc làm này cho thấy huyện không chỉ quan tâm đến việc thực hiện đề án sáp nhập trường theo kế hoạch mà còn quan tâm đến việc làm của cán bộ, nhân viên nhà trường.
Bên cạnh kết quả đã đạt, việc sáp nhập trường vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó chủ yếu về cơ sở vật chất. Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Vĩnh Bình - Lê Phước Quang cho biết: “Trường Tiểu học và THCS Vĩnh Bình được sáp nhập từ Trường Tiểu học Vĩnh Bình và Trường THCS Vĩnh Bình. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập dẫn đến trường học không đạt chuẩn quốc gia theo quy định, trong khi đó trước đây, Trường Tiểu học và Trường THCS Vĩnh Bình đều đạt chuẩn quốc gia. Nguyên nhân phòng học, cổng hàng rào xuống cấp, không đạt chuẩn theo quy định, cần được đầu tư xây dựng”.
Dù việc sáp nhập trường ở huyện vẫn còn nhiều khó khăn, thế nhưng có thể khẳng định, sáp nhập mạng lưới trường học vừa tiết kiệm nguồn nhân lực, vừa mang đến hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, việc sáp nhập trường là cần thiết và đúng đắn./.
Kim Ngọc