Tiếng Việt | English

29/06/2021 - 17:28

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất nên có chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân

Sáng 29/6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị trực tuyến Định hướng, góp ý dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025.

Tính tới thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Long An có 146/188 Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Học tập cộng đồng, 97,5% hộ gia đình được công nhận là gia đình văn hóa, 99,4% ấp, khu phố văn hóa và 119/188 xã đạt chuẩn văn hóa - nông thôn mới

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 hướng tới mục tiêu khơi dậy khát vọng cống hiến vì Tổ quốc, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa con người Việt Nam, từng bước xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát trển bền vững và hội nhập Quốc tế.

Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025 được xây dựng nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các mục tiêu, định hướng, giải pháp du lịch đã được đề ra; xác định các nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025 và tạo sự đồng thuận, nhất trí trong nhận thức và hành động của toàn ngành du lịch, các ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Nhằm góp phần giúp Chiến lược văn hóa Việt Nam đến năm 2030 được xây dựng hoàn thiện và khoa học, Long An đề xuất ý kiến cần phải nâng cao nhận thức quan niệm về phát triển văn hóa trong xã hội; Trung ương cần chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện hiệu quả Luật Di sản Văn hóa, vận dụng linh hoạt các Nghị định của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Vai trò của mạng xã hội trong việc quảng bá, phát triển văn hóa cần được chú trọng; Việc gắn kết giáo dục với văn hóa cũng cần được quan tâm. Đặc biệt, Long An đề xuất cần có chính sách khuyến khích, đãi ngộ về vật chất, tinh thần cho nghệ nhân, người nắm giữ và thực hành di sản văn hóa.

Long An đề xuất cần có chính sách khuyến khích, đãi ngộ về vật chất, tinh thần cho nghệ nhân, người nắm giữ và thực hành di sản văn hóa (Ảnh chụp nghệ nhân đờn tại Hội thi Đoàn ca tài tử Nam bộ tỉnh Long An lần II - năm 2020)

Hiện nay, toàn tỉnh Long An có 146/188 Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Học tập cộng đồng, 97,5% hộ gia đình được công nhận là gia đình văn hóa, 99,4% ấp, khu phố văn hóa và 119/188 xã đạt chuẩn văn hóa - nông thôn mới. Long An có 121 di tích văn hóa – lịch sử, 244 lễ hội cổ truyền, 10 loại hình nghệ thuật truyền thống và 5 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Định hướng phát triển văn hóa đến năm 2030, Long An phấn đấu 90% các Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng đạt chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 50% các khu, cụm công nghiệm có xây dựng hệ thống thiết chế Văn hóa – Thể thao và 95% xã đạt chuẩn văn hóa - nông thôn mới.

Phấn đấu đến năm 2030, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Long An trở thành điểm đến du lịch vệ tinh hàng đầu của TP.HCM

Trên lĩnh vực du lịch, thời gian tới, Long An sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, nhằm hướng tới thực hiện mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2030, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Long An trở thành điểm đến du lịch vệ tinh hàng đầu của TP.HCM. Long An đặt mục tiêu sẽ đón được khoảng 180 nghìn lượt khách quốc tế, 4,6 triệu lượt khách nội địa, thu nhập du lịch đạt 7.000 tỉ đồng./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích