Trong mỗi chúng ta, ai cũng có lòng trắc ẩn. Nhìn đứa trẻ côi cút, bơ vơ, lem luốc, đói khổ đưa bàn tay bé xíu xin ăn ngoài phố, ai cũng động lòng. Nhìn bà cụ lưng còng, hàng ngày phải bám chiếc xe bánh mì mưu sinh, sao không khỏi chạnh lòng? Chứng kiến những đứa trẻ vùng sâu, vùng cao mặt mũi tím tái, áo quần không đủ che kín tấm thân bé nhỏ run rẩy trong rét mướt, băng rừng, lội suối hay đu dây qua dòng thác để đến với ngôi trường trống trước, trống sau, lòng ai không khỏi xót xa?
Còn đó cảnh nhiều đứa trẻ côi cút khi cha mẹ chúng chia tay nhau, mỗi người lo hạnh phúc mới, bỏ mặc cho ông bà tuổi già, sức yếu đùm bọc cháu.
Thể hiện đạo lý ngàn đời “Thương người như thể thương thân”, những tấm lòng thiện nguyện cùng góp sức chia sẻ khó khăn với những mảnh đời bất hạnh. Mỗi sáng sớm hay chiều tối, đây đó vẫn có những thùng bánh mì từ thiện, những suất cơm miễn phí được chở đến các bệnh viện. Có những đoàn y, bác sĩ tình nguyện về các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Có những thầy, cô nghỉ hưu vẫn tự nguyện dạy học không lương cho những đứa trẻ mồ côi.
Thật xúc động biết bao khi chứng kiến chủ tịch hội Chữ thập đỏ của một huyện cứ trăn trở trước hoàn cảnh của một số học sinh nghèo để rồi vận động trao 10 suất học bổng, giúp các em có thêm động lực bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Rồi chính người chủ tịch hội ấy lại đi vận động mạnh thường quân xây tặng nhà tình thương cho một học sinh hiếu học khác.
Ta lại thấy niềm vui lan tỏa khi cuộc vận động hiến máu nhân đạo ngày càng được nhiều người tham gia, trong đó có rất nhiều bạn trẻ các cơ quan, trường học. Càng xúc động hơn khi một người thầy sắp về hưu vẫn xung phong tham gia phong trào còn động viên lớp trẻ: “Ông ngoại còn cho máu được thì tụi bây sức trẻ bẻ gãy sừng trâu sao lại ngại ngần!”. Lại thấy niềm vui ánh lên từ những tấm lòng thiện nguyện.
Cho đi là nhận lại thật nhiều niềm vui, hạnh phúc. Cảm ơn cuộc đời vì quanh ta vẫn còn nhiều điều tốt đẹp./.
Trần Thị Bửu Luật