Tiếng Việt | English

12/02/2017 - 20:05

Đẹp thay những tấm lòng sẻ chia!

Bên cạnh cái đẹp, cái hay của các nghi thức truyền thống, hoạt động vui chơi mang đậm màu sắc dân gian, Lễ hội Làm Chay còn đẹp bởi sự sẻ chia, tấm lòng của những người con quê hương Châu Thành hiền hòa, mến khách!

Giữa trưa nắng nóng, chen lấn giữa dòng người chuẩn bị tham gia nghi thức Chiêu U đường bộ, đường sông, “tay xách, nách mang” nào máy quay, máy ảnh, chúng tôi bỗng thấy “mát lòng” khi được mời một ly nước sâm miễn phí: “Uống đi cho đỡ mệt rồi làm tiếp con ơi!” Thì ra, đây là quầy nước sâm, hột é của 2 chị em bà Phạm Thị Thu (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) và bà Phạm Thị Kim Tuyến (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành). Những năm trước, 2 chị em bà chỉ tham gia nấu cơm cho các thành viên đội ghe đăng thì năm nay là năm đầu tiên 2 bà nấu nước miễn phí cho du khách.


Quầy nước sâm, hột é miễn phí phục vụ người dân

Bà Phạm Thị Thu chia sẻ: “3 giờ sáng là mấy chị em tôi đã dậy để chuẩn bị nấu nước sâm, ngâm hột é. Nước sâm được nấu hoàn toàn bằng đường phèn nên uống mát lắm! Mấy ngày này ăn uống ngoài đường không bảo đảm vệ sinh nên chúng tôi nghĩ cách nấu nước miễn phí phục vụ người dân”.

Được biết, chỉ trong ngày đầu “khai trương”, quầy nước đặc biệt này “tiêu thụ” hơn 25 thùng nước sâm và hột é, mỗi thùng 45 lít. Đến trưa 16 tháng Giêng thì đã xấp xỉ 10 thùng, dự kiến đến tối sẽ còn nhiều hơn. 2 bà dự định nếu được mọi người ủng hộ thì năm sau sẽ tiếp tục thực hiện.

Còn tại đình Tân Xuân – trung tâm của Lễ hội Làm Chay, bếp ăn miễn phí phục vụ từ ngày 10 đến 17 tháng Giêng lúc nào cũng đỏ lửa, tất bật người ra, kẻ vào bưng bê, mời khách. Trung bình mỗi ngày, bếp ăn tiêu thụ khoảng 30 kg gạo, riêng 2 ngày lễ chính là 15 và 16 tháng Giêng thì phục vụ cho khách tham quan gần 300 mâm, tương đương gần 3.000 suất ăn với khoảng 400-500 kg gạo/ngày. Chỉ riêng ngày rằm tháng Giêng là tổ chức nấu chay, những ngày còn lại đều nấu thức ăn mặn với cơm, canh, món xào, thịt kho,…vô cùng tươm tất.


Bếp ăn tại đình Tân Xuân luôn tất bật để kịp phục vụ du khách

Theo tổ trưởng Tổ hậu cần kiêm Giám sát đình Tân Xuân - Nguyễn Kim Tuấn: Tất cả chi phí mua thực phẩm, gạo phục vụ người dân đều được xã hội hóa. Các cô, các bà nhà gần khu vực diễn ra lễ hội, ai có thời gian, có lòng thì phụ một tay, chẳng quản mệt mỏi hay tính toán công cán. Nhà tôi kinh doanh gạo nên cũng đóng góp “chút đỉnh” gạo, nước uống và than cho bếp. Hoạt động này chẳng biết có từ khi nào, riêng tôi tham gia phụ bếp ăn cũng đã trên 30 năm nay”.

Trên đường trở về, vì gửi xe khá xa nơi tác nghiệp, đang lay hoay tìm xe ôm thì chúng tôi nhận được lời đề nghị vô cùng dễ thương của một bác trai: “Lên xe chú chở về đình Tân Xuân cho, trưa nắng như vầy kiếm đâu ra xe ôm!”. Bước xuống xe, ríu rít cảm ơn mà lòng người viết cũng thấy rộn ràng, quên hết bao mệt mỏi của cả ngày dài “chạy đua” cùng lễ hội. Ly nước mát lòng, bữa ăn ngon cùng chuyến xe miễn phí của người dân xứ thanh long như còn vương vấn mãi cả chặng đường về!./.

Cát Tường

Chia sẻ bài viết
  • Ước gì những người nghĩ xấu về "tranh lộc" ở lễ HỘI LÀM CHAY này sẽ đọc được những điều này. LỄ HỘI VUI VÀ KHÔNG HỀ CÓ VIỆC GIẪM NHAU GIÀNH LẤY LỘC như những lễ hội ở một số nơi gần đây

    Trúc Ly - Cách đây 8 năm