Tiếng Việt | English

22/08/2021 - 11:25

Sức sống mới trên vùng đất cách mạng

Tháng 8! Về thăm lại những xã anh hùng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì diện mạo địa phương có nhiều thay đổi. Nơi từng bị bom đạn của kẻ thù tàn phá giờ trở thành cánh đồng trù phú, những ngôi nhà mới mọc lên ngày càng nhiều, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

1. Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trên vùng đất Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, ruộng, vườn, nhà cửa bị tàn phá nặng nề, đường sá đi lại khó khăn, đất đai bị nhiễm phèn nặng, đời sống người dân muôn phần cơ cực. Tuy nhiên, với truyền thống anh dũng, bất khuất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đã chung sức, đồng lòng xây dựng lại tất cả, tạo nên sức sống mới cho mảnh đất anh hùng.

Trưởng ấp 1, xã Phước Tân Hưng - Trần Văn Mẫn vui mừng: “Diện mạo nông thôn bây giờ đổi thay vượt bậc. Cầu, đường đều được xây dựng kiên cố, rộng rãi, nhựa hóa, bêtông hóa đến từng nhà dân. Hệ thống thủy lợi, kênh, mương nội đồng cũng được nạo vét, khơi thông, tạo thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp. Đời sống nâng lên, người dân phấn khởi, tích cực tham gia xây dựng quê hương”.

Nhờ chuyển đổi cây trồng hiệu quả, thu nhập bình quân đầu người của xã Phước Tân Hưng hiện đạt trên 65 triệu đồng/năm

Những năm qua, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã tập trung đẩy mạnh phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng - an ninh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Năm 2015, Phước Tân Hưng đạt danh hiệu xã nông thôn mới (NTM). Sau hơn 5 năm nỗ lực phấn đấu, đầu năm 2021, xã tiếp tục được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Vùng đất từng bị bom cày, đạn xới ngày nào thực sự “hồi sinh” với diện mạo hoàn toàn mới.

Theo Chủ tịch UBND xã Phước Tân Hưng - Nguyễn Thành Hiếu, từ khi phát động xây dựng NTM đến nay, xã huy động tổng nguồn vốn gần 280 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 198 tỉ đồng, chiếm 71%. Từ nguồn vốn này, xã đầu tư nâng cấp hệ thống điện, đường, trường, trạm khang trang, đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. Toàn xã hiện chỉ còn 23 hộ nghèo, trong đó có 3 hộ bảo trợ xã hội. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 65 triệu đồng/năm.
 
2. Xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, là địa bàn giáp ranh, nối liền khu căn cứ Đám lá tối trời (xã Nhựt Ninh) với các lõm căn cứ du kích Bình Trinh Đông, An Nhựt Tân,... hình thành tuyến hành lang vận chuyển của cách mạng từ vùng thượng xuống vùng hạ của huyện và ngược lại. Với vị trí quan trọng như vậy nên trong 2 cuộc kháng chiến, nhất là cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, Tân Phước Tây luôn là địa bàn đấu tranh quyết liệt giữa ta và địch.

Nhiều công trình được xây dựng đem lại diện mạo mới cho Tân Phước Tây (Trong ảnh: Trụ sở mới của xã vừa đưa vào sử dụng năm 2021)

Trên mảnh đất này, địch đã trút hàng ngàn tấn bom đạn, làm thiệt hại hầu hết ruộng, vườn, nhà cửa, làm chết và bị thương hàng trăm người dân vô tội. Nhưng tội ác của giặc không khuất phục được tinh thần yêu nước của nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Tân Phước Tây đã mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, biến từng con rạch, bờ mương, đám lá dừa nước, rặng trâm bầu thành hào lũy chặn bước quân thù. Với những đóng góp to lớn trong chiến tranh, năm 1998, xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, phát huy truyền thống cách mạng của cha ông, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Phước Tây nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại quê hương. Trở lại xã anh hùng những ngày này, chúng tôi thật sự vui mừng trước diện mạo mới ở một vùng nông thôn. Tân Phước Tây bây giờ đã là xã NTM. Đường giao thông, trạm y tế, trường học,... trên địa bàn xã đều được xây dựng khang trang, đạt chuẩn.

Nông thôn Tân Phước Tây đổi mới nhờ sự chung tay, góp sức của chính quyền và người dân địa phương

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phước Tây - Lê Trung Hậu thông tin, xã khởi đầu xây dựng NTM chỉ có 6/19 tiêu chí. Với xuất phát điểm thấp nhưng được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cùng sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân, nhiều công trình hạ tầng thiết yếu đã được xây dựng, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống người dân. Hiện tại, toàn xã còn 38 hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 46 triệu đồng/năm.

Nhìn sự đổi thay của địa phương, cựu chiến binh Nguyễn Văn Gẩm (SN 1945), ngụ ấp 2, không khỏi vui mừng: “So với những năm đầu sau giải phóng, đời sống người dân thay đổi nhiều lần. Bộ mặt nông thôn khang trang, sạch, đẹp. Trẻ em được học tập trong những ngôi trường đạt chuẩn. Sức khỏe của người dân được chăm sóc tốt hơn. Đặc biệt là việc đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch giúp người dân không còn lo thiếu nước sinh hoạt như những năm trước đây”.

Với những “trái ngọt” về KT-XH mà các địa phương đã vun đắp, tin tưởng rằng, xã anh hùng Tân Phước Tây và Phước Tân Hưng tiếp tục phát triển trong thời gian tới, xứng đáng với truyền thống cách mạng của quê hương./.

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết