Tiếng Việt | English

29/04/2021 - 08:29

Sức sống mới, diện mạo mới trên quê hương cách mạng

Long An là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, chịu nhiều đau thương, mất mát trong 2 cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Với truyền thống quật cường, sau ngày hòa bình, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh không chỉ khắc phục hậu quả chiến tranh, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.

Quê hương cách mạng đang từng ngày “thay da, đổi thịt”

Miền quê anh hùng

Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, huyện Tân Thạnh nói riêng, vùng Đồng Tháp Mười nói chung từng được mệnh danh là “Thủ đô kháng chiến giữa bưng biền” hay còn gọi là “Căn cứ địa kháng chiến giữa lòng dân”. Bởi lúc đó, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống giặc, xóm, ấp trở thành tường thành kiên cố, vững chắc chặn bước quân thù, che chắn, bảo vệ bộ đội và vùng căn cứ địa cách mạng.

Ông Trần Văn Dũng, ngụ xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh, cho biết: “Trước năm 1975, Đồng Tháp Mười là vùng bưng biền, đất đai nhiễm phèn, không đủ nước ngọt sử dụng, dân cư rất thưa thớt. Trong điều kiện khó khăn nhưng tình nghĩa quân - dân luôn gắn bó keo sơn, người dân sẵn sàng hy sinh để bảo vệ bộ đội, bảo vệ cách mạng”.

Thực hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn; đồng thời, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay, huyện Tân Thạnh được đầu tư xây dựng nhiều khu di tích lịch sử như Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ (xã Nhơn Hòa Lập); Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến (xã Hậu Thạnh Đông); Bia tưởng niệm Đồng 41 (xã Tân Hòa),… Huyện có 10/12 xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Huyện Tân Thạnh có 8/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Sau khi hòa bình, thống nhất đất nước, cũng như các địa phương khác, Tân Thạnh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, đời sống người dân vô cùng cơ cực. Phát huy truyền thống của quê hương anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Thạnh ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, vững tin bước vào thời kỳ đổi mới. Theo đó, huyện đưa ra nhiều giải pháp như bố trí lại dân cư, khuyến khích người dân khai hoang, mở rộng sản xuất, tiếp nhận lao động từ các nơi đến; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chuyển từ làm lúa 1 vụ lên 2 vụ,…

Đặc biệt, xác định xây dựng thành công huyện nông thôn mới là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế, văn hóa và xã hội phát triển nên huyện huy động nhiều nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, y tế,… Kết quả, đến nay, huyện có 8/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đang làm hồ sơ để tiếp tục được công nhận xã nông thôn mới trong năm 2021.

Ông Trần Văn Phiên (thứ 2, phải qua) kể cho chúng tôi nghe về sự đổi thay trên quê hương cách mạng anh hùng

Phấn khởi về những thành quả đã đạt, cựu chiến binh Trần Văn Phiên, ngụ xã Tân Hòa, chia sẻ: “Với ý chí và phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, mỗi người dân chúng tôi là một chiến sĩ trên mặt trận không tiếng súng, đoàn kết, khắc phục khó khăn, cùng tăng gia sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; hiến đất làm đường giao thông nông thôn và thực hiện công tác an sinh xã hội ở địa phương. Bây giờ nhìn lại, tôi rất ngỡ ngàng trước sự phát triển của quê hương, đời sống người dân không ngừng nâng lên, xóa dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị”.

Chung sức thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”

Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, tỉnh đang quản lý trên 124.000 hồ sơ người có công, trong đó, 30.606 liệt sĩ, 12.917 thương, bệnh binh, 5.335 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (148 mẹ còn sống); 26.332 người và gia đình có công với cách mạng; 1.872 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học, 2.878 người tham gia hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày,… Đây là những con số không hề nhỏ, cho thấy những hy sinh, mất mát của thế hệ đi trước để giành giữ hòa bình, độc lập cho quê hương, dân tộc.

Nhà bia ghi tên liệt sĩ xã Quê Mỹ Thạnh được quan tâm nâng cấp, tu sửa

Nhằm thể hiện tấm lòng tri ân đối với những người đã hy sinh xương máu cho nền hòa bình, độc lập dân tộc, thế hệ hôm nay không chỉ làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” mà còn không ngừng ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Chủ tịch UBND xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ - Lê Hồng Hưng chia sẻ: “Thời gian qua, xã nỗ lực và thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống người có công với cách mạng. Các chế độ dành cho gia đình chính sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Nhiều ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng, sửa chữa; các Mẹ Việt Nam Anh hùng được cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm sóc đến cuối đời,… Nhờ đó, đời sống gia đình chính sách ngày càng được nâng lên. Bên cạnh đó, nhờ sự chung sức, đồng lòng của chính quyền và người dân trong chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của xã ngày càng thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng lên”.

Được biết, hiện xã Quê Mỹ Thạnh có 244 liệt sĩ, 27 thương binh, 10 bệnh binh và 57 Mẹ Việt Nam Anh hùng (2 mẹ còn sống) được hưởng trợ cấp hàng tháng. Ông Nguyễn Lộc Thọ (73 tuổi), thương binh hạng 1/4, ngụ ấp 3, xã Quê Mỹ Thạnh, cho biết: “Tôi là thương binh nặng, suy giảm sức khỏe 81%, vợ tôi cũng từng tham gia cách mạng, sức khỏe hiện cũng yếu nên đi lại không thuận tiện. Mỗi tháng, đến ngày nhận tiền chính sách, công chức Lao động - Thương binh và Xã hội xã đều đến tận nhà để phát cho vợ chồng tôi. Vợ chồng tôi cảm thấy ấm lòng khi được chính quyền quan tâm”.

Thương binh Nguyễn Lộc Thọ vui mừng vì đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên

Ngược về xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ - nơi có Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh. Góp phần thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, tuổi trẻ Bình Hòa Hưng có những việc làm thiết thực. Bí thư Đoàn xã Bình Hòa Hưng - Nguyễn Thị Ngọc Ngân chia sẻ: “Thế hệ hôm nay biết về chiến tranh qua sách vở và lời kể của những người từng “vào sinh, ra tử”. Qua đó, tuổi trẻ Bình Hòa Hưng luôn tích cực làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” cũng như phát huy tinh thần xung kích trong thời đại mới”.

Ngày nay, những dấu tích chiến tranh dần phai mờ theo năm tháng, có chăng chỉ còn khắc họa qua những tư liệu được trưng bày trong các khu di tích lịch sử hay các quyển sách lịch sử để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Những vùng đất từng hứng chịu mưa bom, bão đạn năm nào giờ bừng lên sức sống mới. Đó là những con đường nhựa, bêtông sạch, đẹp; những ngôi nhà khang trang điểm tô cho bức tranh quê thêm khởi sắc. Những vùng quê cách mạng đang từng ngày phát triển, hòa cùng nhịp điệu đổi mới./.

Kim Ngọc - Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết