Giám đốc Sở Công Thương - Huỳnh Văn Quang Hùng
PV: Ông cho biết tổng quan về phát triển CCN trên địa bàn tỉnh?
Ông Huỳnh Văn Quang Hùng: Theo phương án phát triển CCN trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030 được phê duyệt tại Quyết định số 686/QĐ-TTg, ngày 13/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh được quy hoạch 72 CCN với tổng diện tích 3.989ha, phân bổ trên địa bàn 12 huyện và TP.Tân An và 1 CCN Hải Sơn Đức Hòa Đông, diện tích 261,2ha (nằm ngoài phương án nhưng được hoạt động theo quy chế quản lý CCN trong thời gian thực hiện thủ tục chuyển lên khu công nghiệp).
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 18 CCN hoạt động, thu hút 646 dự án (DA) với tổng diện tích đất đã cho thuê hơn 600ha. Tỷ lệ lấp đầy của các CCN hoạt động đạt 83,87% (tính trên diện tích đất thương phẩm đã hoàn chỉnh hạ tầng) và 72,12% (tính trên diện tích quy hoạch). Hiện nay, có khoảng 400 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động với số lao động khoảng 290.000 người.
Qua rà soát, giá đất cho thuê tại các CCN trên địa bàn tỉnh hiện dao động từ 100-300 USD/m2, trong đó chủ yếu giá cho thuê của các DA từ 100-130 USD/m2, tùy theo vị trí các DA, vị trí đất cho thuê và hạ tầng trong khu vực. Hai DA (Hải Sơn Đức Hòa Đông và Hải Sơn Long Thượng) do có vị trí gần với địa bàn TP.HCM nên giá đất dao động từ 170-300 USD/m2. Giá đất cho thuê tại CCN do chủ đầu tư hạ tầng quyết định, pháp luật không có quy định về việc khống chế giá cho thuê đất tại các CCN.
PV: Tiến độ đầu tư hạ tầng các CCN hiện nay như thế nào, thưa ông?
Ông Huỳnh Văn Quang Hùng: Ngoài 18 CCN hoạt động, tỉnh có 27 CCN, tổng diện tích 1.324ha đang triển khai, thực hiện thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng (GPMB) và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, gồm 17 CCN, tổng diện tích 846,4ha đã có chủ trương đất lúa hoặc không thuộc trường hợp trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương đất lúa, đang thực hiện thủ tục GPMB, xây dựng hạ tầng; 10 CCN tổng diện tích khoảng 494,8ha chưa có chủ trương chuyển mục đích đất trồng lúa của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, có 11 CCN đang chi trả bồi thường, GPMB; 6 CCN đang thực hiện thủ tục đất đai; các CCN còn lại đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục kê biên, kiểm đếm, phê duyệt đơn giá, phương án GPMB và thực hiện thủ tục, đầu tư hạ tầng khu tái định cư phục vụ công tác GPMB các CCN.
PV: Thời gian qua, số lượng CCN hoạt động mới hầu như rất ít, ông cho biết những khó khăn và nguyên nhân nào ảnh hưởng đến kết quả này?
Ông Huỳnh Văn Quang Hùng: Thời gian qua, công tác phối hợp, quản lý nhà nước về CCN còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đầu tư. Trong đó trình tự, thủ tục thành lập CCN trong thời gian qua còn chồng chéo giữa quy định về đầu tư và quy định thành lập CCN. Công tác bồi thường, GPMB chưa bảo đảm, quá trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật kéo dài, chậm đưa DA vào hoạt động, nhất là lĩnh vực đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, tái định cư. Bên cạnh đó, hiện tỉnh còn nhiều CCN đã được thành lập nhưng chưa đưa DA vào hoạt động làm ảnh hưởng đến công tác xúc tiến đầu tư, một số CCN còn kéo dài thời gian triển khai dự án ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và môi trường đầu tư.
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư CCN, nhà đầu tư thứ cấp chưa thực sự quan tâm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong công tác quản lý, sản xuất, kinh doanh trong CCN. Năng lực, kinh nghiệm, tài chính của một số chủ đầu tư còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu đầu tư. Một số CCN đang triển khai, thực hiện các thủ tục lại thay đổi chủ sở hữu công ty pháp nhân, chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật thông qua hình thức thay đổi thành viên góp vốn DN (tên và mã số DN không thay đổi). Hiện trạng hạ tầng kỹ thuật một số CCN chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chưa bảo quản, duy tu thường xuyên nên một số nơi, hạ tầng xuống cấp. Một số CCN hiện không tổ chức hoạt động bộ máy, bố trí nhân sự thường xuyên để quản lý, điều hành nên thiếu theo dõi, giám sát của chủ đầu tư hạ tầng đối với các DA đầu tư trong CCN. Công tác quản lý DN thứ cấp của chủ đầu tư chưa bảo đảm, nhất là đối với các trường hợp thuê lại đất, thuê lại xưởng từ DN thứ cấp.
Sở Công Thương thực hiện nhiều giải pháp quản lý các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh (Trong ảnh: Công nhân sản xuất tại nhà máy Công ty Cổ phần Thực phẩm An Long, Cụm công nghiệp Long Định - Long Cang, huyện Cần Đước)
PV: Trước thực trạng trên, Sở Công Thương có những giải pháp gì để tháo gỡ, nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư CCN, thưa ông?
Ông Huỳnh Văn Quang Hùng: Hiện nay, Sở Công Thương tiếp tục kiến nghị Bộ Công Thương hoàn thiện hành lang pháp lý về CCN; rà soát các văn bản quy định hiện hành, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc để kịp thời trình các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, cụ thể: Quy định rõ trách nhiệm quyền thu hồi DA chậm triển khai; chuyển nhượng DA qua hình thức chuyển nhượng vốn góp thành lập DN,...; đồng thời, rà soát, xây dựng và tổ chức triển khai, thực hiện Quy chế quản lý CCN trên địa bàn tỉnh, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ và phân công trách nhiệm giữa các sở, ngành, UBND cấp huyện, bảo đảm sự thống nhất,
tránh chồng chéo nhiệm vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong CCN.
Sở Công Thương cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hỗ trợ giải quyết nhanh các thủ tục về CCN, tập trung bồi thường GPMB, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư các thủ tục, nhất là thủ tục về đất đai để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các CCN, sớm đưa vào hoạt động, không để lãng phí tài nguyên đất và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân; theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện DA hạ tầng CCN; kiên quyết xử lý, thu hồi chủ trương đầu tư đối với các DA chậm triển khai do lỗi chủ quan của chủ đầu tư.
Thời gian tới, các sở, ngành liên quan tập trung thẩm định điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, năng lực tài chính trong lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN; tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư trong suốt thòi gian hoạt động của DA, bảo đảm theo quy định của pháp luật về CCN, nhất là quản lý nhà đầu tư thứ cấp (kể cả trường hợp cho thuê lại). Đối với DA đầu tư trong CCN phải bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh trong CCN đúng mục tiêu đầu tư, phù hợp ngành, nghề theo quy hoạch của CCN, đầy đủ hồ sơ pháp lý về đầu tư, xây dựng, môi trường, phòng cháy, chữa cháy,... trước khi hoạt động; tăng cường công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành các DA CCN, DA sản xuất, kinh doanh trong CCN, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế trong quá trình hoạt động, quản lý CCN.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Mai Hương