Du học sinh Campuchia luôn nỗ lực trong học tập và đạt kết quả cao
Hỗ trợ du học sinh
Dù bất đồng ngôn ngữ, khác nhau về phong tục, tập quán, văn hóa nhưng những khó khăn ấy cũng không thể cản trở sự gắn kết giữa những người thầy, người bạn Việt Nam và DHS Campuchia. Họ giảng dạy và học tập với tất cả quyết tâm, nỗ lực và tinh thần cầu tiến. Đến nay, Long An tài trợ 3 đợt học bổng toàn phần cho 36 DHS Campuchia, trong đó đào tạo trình độ đại học cho 10 DHS với các ngành: Tài chính Kế toán, Quản trị Kinh doanh, Tài chính Ngân hàng tại Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An (từ năm 2011 đến 2016); dạy tiếng Việt và Kỹ thuật nông nghiệp cho 8 cán bộ của 2 tỉnh Svay Rieng và Prey Veng do Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách (từ năm 2015 đến 2017); 18 DHS học ngành Y sĩ tại Trường Trung cấp Y tế Long An (từ năm 2015 đến 2017).
Thực hiện công tác đào tạo cho DHS Campuchia, các đơn vị không chỉ thực hiện với tinh thần trách nhiệm mà còn nhiệt tình, kiên nhẫn và nỗ lực trong việc truyền đạt kiến thức cho DHS, đặc biệt là “phá bỏ” rào cản về ngôn ngữ. Các giáo viên phụ trách giảng dạy luôn dạy chậm, kỹ, chắc và quan tâm đến từng DHS. Nhờ vậy, DHS thuận lợi trong việc tiếp thu kiến thức mới và phát huy khả năng sáng tạo trong quá trình học tập.
Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Trung cấp Y tế Long An - Nguyễn Thị Ngọc Xương chia sẻ: “Tiếp nhận DHS Campuchia, giai đoạn đầu, trường gặp nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ. Các em chỉ mới biết tiếng Việt căn bản nên khi tiếp cận những từ ngữ chuyên ngành gặp nhiều khó khăn. Do đó, giáo viên luôn dạy chậm, dạy từng chút một, giải thích rõ ràng, cụ thể đến khi các em hiểu mới chuyển sang nội dung mới. Trong thực hành, giáo viên “cầm tay chỉ việc” cho các em. Nhìn chung, DHS Campuchia năng động và chịu khó học hỏi từ bạn bè, thầy cô. Nhờ vậy, các em dần tiến bộ trong học tập và vốn tiếng Việt cũng được cải thiện”.
Học ngành Y sĩ tại Trường Trung cấp Y tế Long An, DHS Campuchia được trang bị kiến thức y khoa cơ bản cả về lý thuyết lẫn lâm sàng. Ngoài tạo điều kiện về học tập, Ban Giám hiệu, giáo viên còn thường xuyên thăm hỏi, động viên DHS. Nếu DHS có khó khăn gì thì nhà trường sẵn sàng giúp đỡ các em theo khả năng. Bên cạnh đó, trường còn tạo điều kiện cho DHS Campuchia tham gia các hoạt động phong trào của đơn vị. Kết thúc khóa học, có 5 DHS xếp loại giỏi và 13 DHS xếp loại khá.
Anh Noun Titpheaream - công chức Sở Nông nghiệp, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia, một trong những học viên tham gia học tiếng Việt và Kỹ thuật nông nghiệp tại Long An, bộc bạch: “Nhờ sự thân thiện, nhiệt tình của những người thầy, người bạn Việt Nam mà tôi dần khắc phục được khó khăn. Họ luôn sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn, giải thích kỹ cho tôi về nội dung bài học. Những kiến thức được học trong chương trình đào tạo rất có ích, trang bị cho tôi kiến thức và kinh nghiệm thực tế trong sản xuất lúa giống tại tỉnh và tập huấn cho nông dân ở các địa phương. Ngoài ra, nhờ học tiếng Việt, tôi có thể nghiên cứu thêm nhiều tài liệu bằng tiếng Việt về nông nghiệp để nâng cao trình độ”.
Các du học sinh Campuchia nhận bằng tốt nghiệp ngành Y sĩ
Trưởng phòng Quản lý Biên giới, Sở Ngoại vụ - Nguyễn Thị Kim Tuyến cho biết: “Những DHS Campuchia học tại Long An theo chương trình thỏa thuận hợp tác được tài trợ học bổng toàn phần, gồm: Học phí, phí sinh hoạt, chỗ ở. Đây là hoạt động góp phần xây dựng tình hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia ngày càng bền chặt và phát triển”.
Tìm hiểu văn hóa và kết bạn
Không chỉ học tập, DHS Campuchia còn được tạo điều kiện giao lưu, kết bạn và tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Theo đó, với lớp dạy tiếng Việt và Kỹ thuật nông nghiệp cho 8 cán bộ 2 tỉnh Svay Rieng và Prey Veng, hàng tháng, Sở Ngoại vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức giao lưu với các học viên; tham quan các mô hình nông nghiệp, khu di tích lịch sử tại Long An. Từ đó, các học viên có thêm điều kiện học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, thực hành tiếng Việt, kết bạn với người Việt Nam, góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa 2 nước.
Anh Noun Titpheaream chia sẻ: “Nhờ tham gia các hoạt động giao lưu, tôi có thêm nhiều người bạn Việt Nam và hiểu thêm về phong tục, tập quán của người Việt cũng như cách giao tiếp, ứng xử với các mối quan hệ gia đình, hàng xóm, bạn bè; biết thêm về sự khác biệt giữa các vùng miền: Bắc, Trung, Nam”.
Còn với La Ny Vine - cựu DHS lớp Y sĩ, Trường Trung cấp Y tế Long An, sau 2 năm sinh sống, học tập tại Long An, ngoài kiến thức chuyên ngành, em còn học được nhiều điều thú vị và có thêm những người bạn Việt Nam. La Ny Vine tâm sự: “Như những bạn học sinh Trường Trung cấp Y tế Long An khác, em cũng được tham gia các hoạt động của Đoàn Thanh niên, giao lưu văn nghệ, các cuộc thi. Đó là sân chơi bổ ích giúp em thư giãn, giao lưu cùng các bạn. Đây cũng là cơ hội giúp em kết bạn với nhiều người Việt và hiểu thêm về văn hóa, nét đặc trưng của Việt Nam. Những người bạn Việt Nam giới thiệu cho em các món ăn Việt và em rất thích. Mặc dù đã tốt nghiệp và trở về Campuchia nhưng thời gian ở Việt Nam luôn là kỷ niệm đẹp với em. Em sẽ giữ liên lạc với các bạn người Việt Nam”.
Không chỉ dạy và học, du học sinh Campuchia và Ban Giám hiệu, giáo viên Trường Trung cấp Y tế Long An còn gần gũi và thân thiết
Qua những việc làm, sự nhiệt tình, lòng mến khách, đặc biệt là tạo điều kiện cho DHS Campuchia học tập, kết bạn, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thật sự đi vào trái tim các DHS, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa Long An và 2 tỉnh Svay Rieng, Prey Veng nói riêng, Việt Nam - Campuchia nói chung./.
Qua những việc làm, sự nhiệt tình, lòng mến khách, đặc biệt là tạo điều kiện cho du học sinh Campuchia học tập, kết bạn, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thật sự đi vào trái tim các du học sinh, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa Long An và 2 tỉnh Svay Rieng, Prey Veng nói riêng, Việt Nam - Campuchia nói chung. |
Ngọc Sương