Chị Bùi Thị Ngọc Hiền (giữa) đến lễ Phật, viếng cảnh và chụp ảnh lưu niệm vào những ngày giáp Tết Tân Sửu 2021 tại chùa Ân Thọ
Theo thông lệ, cứ gần Tết Nguyên đán, phật tử chùa Ân Thọ (phường 5, TP.Tân An, tỉnh Long An) cố gắng sắp xếp thời gian, quay về chùa cùng chung tay trang trí tết. Ở đó, không ai bảo ai, người viết thư pháp, người treo lồng đèn, người trang trí hoa mai, hoa đào,…Không khí làm việc tất bật, hối hả nhưng trên gương mặt ai cũng nở nụ cười hạnh phúc, vì mùa xuân đang đến thật gần.
Đại đức Thích Lệ Ngôn (Trụ trì chùa Ân Thọ) cho biết: “Năm nay, chùa trang trí tết vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính hiện đại, phù hợp với nhiều lứa tuổi khác nhau, trong đó, chủ yếu tái hiện lại các khung cảnh tết quê có bánh chưng, bánh tét, lồng đèn, chong chóng,... Đặc biệt, chùa rất chú trọng đến phong tục hái lộc đầu năm nên trang trí nhiều bao lì xì trên các cây, đáp ứng đủ nhu cầu hái lộc của người dân vào đầu năm mới. Mặc dù chưa đến tết nhưng có nhiều phật tử đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Trang trí tết cũng là cách nhà chùa tạo điểm nhấn trong những ngày tết đến, xuân về”.
Theo quan sát, con đường dẫn vào chùa Ân Thọ được trang trí hàng trăm chiếc đèn lồng, chong chóng và nón lá. Đây là điểm nhấn nổi bật về cảnh quan của chùa ngày tết. Còn vào trong khuôn viên chùa, phật tử sẽ được chiêm ngưỡng các cổng hoa đầy màu sắc, mang tính nghệ thuật độc đáo. Hơn hết, khuôn viên chùa rất rộng, bình dị và gần gũi là nơi lý tưởng cho phật tử chụp ảnh lưu niệm.
Trong chiếc áo dài truyền thống đến viếng chùa vào ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, chị Bùi Thị Ngọc Hiền, ngụ phường 4, TP.Tân An, vui vẻ nói: “Để vừa tránh tập trung đông người, vừa có những bức ảnh lưu niệm Tết Tân Sửu 2021, tôi chủ động đến chùa lễ Phật và chụp ảnh ở chùa sớm hơn thay vì vào mùng 1 mới đi chùa. Khi đến đây, tôi rất thích vì có nhiều chỗ chụp ảnh đẹp, được đầu tư công phu, mang tính nghệ thuật rất cao. Chắc chắn chùa Ân Thọ là điểm vui xuân hấp dẫn cho nhiều người vào những ngày đầu năm mới”.
Con đường chong chóng, đèn lồng, nón lá dẫn vào chùa Ân Thọ
Còn tại chùa Đức Quang (ấp Bình Hữu 2, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa) cũng trang trí nhiều góc check - in hấp dẫn cho các phật tử. Đặc biệt, chùa chọn các nguyên liệu thân thiện với môi trường để trang trí các tiểu cảnh đậm chất quê. Chị Võ Thùy Dung (phật tử chùa Đức Quang) cho biết: “Các nguyên liệu trang trí tết tại chùa chủ yếu là tre, rơm, giấy; đồng thời, mượn một số dụng cụ cổ xưa của phật tử xung quanh như cối xay bột, giỏ bàng,... Sau đó, chúng tôi bắt đầu lên ý tưởng cho từng tiểu cảnh với phương châm tiết kiệm, hạn chế rác thải nhựa. Nhìn cách trang trí cổ xưa, chúng tôi cảm nhận ký ức tuổi thơ của mình đang ùa về, vì ngày xưa, ông bà ta cũng chỉ trang trí tết từ những vật liệu có sẵn trong nhà hoặc tự làm chứ không phải như bây giờ có tiền ra chợ mua là được hết”.
Có tận mắt nhìn thấy các tiểu cảnh tết xưa tại chùa Đức Quang, chúng ta sẽ cảm nhận được thế hệ đi trước đã đón tết từ những điều bình dị nhất trong cuộc sống, mang đậm đà hương vị quê hương từ các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Và khi ai đó đi xa vô tình bắt gặp được cảnh tết xưa tại chùa Đức Quang, chắc chắn trong lòng sẽ cảm thấy nao nao muốn nhanh chân quay về bên gia đình để đón cái tết đầm ấm và trọn vẹn nhất.
Chị Nguyễn Thị Xuân (quê Đồng Tháp) nói: “Cách đây 5 năm, tôi đến huyện Đức Hòa làm công nhân. Năm nào tôi cũng về quê đón tết cùng gia đình. Riêng năm nay, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên tôi không về quê đón tết. Nhìn hình ảnh đống rơm ở chùa Đức Quang làm tôi nhớ về mùi rơm của quê mình mỗi khi đến mùa thu hoạch lúa hay hình ảnh mẹ ngồi bên chiếc cối xay bột chuẩn bị làm bánh cúng ông bà, tổ tiên vào ngày 28 tết”.
Một mùa xuân nữa lại về! Tin rằng với những công trình độc đáo, đẹp mắt, các ngôi chùa trên địa bàn tỉnh sẽ là điểm vui xuân hấp dẫn cho du khách gần xa./.
Lê Ngọc