Tiếng Việt | English

06/06/2019 - 11:10

Tết Đoan Ngọ cùng nhau học làm món bánh ú đãi cả nhà

Món bánh này có ở hầu hết các địa phương trên cả nước, tuy nhiên, mỗi nơi sử dụng lá gói khác nhau. Nơi dùng lá tre, nơi dùng là dong, nơi dùng là chuối, lá dừa để gói bánh.

Tết Đoan Ngọ (mồng 5/5 âm lịch) hay còn được gọi là Tết diệt sâu bọ và là ngày thờ cúng tổ tiên. Theo quan niệm dân gian, tháng năm âm lịch là thời điểm ‘độc’ vì thời tiết nắng nóng oi bức, dễ sinh bệnh dịch.

Sự tích bánh ú gắn liền phong tục giết sâu bọ vào ngày Tết Đoan Ngọ. Dùng món bánh ú có sự hấp thụ các đặc tính của cây cỏ, tác dụng là cho dễ tiêu, giải nhiệt. 

Món bánh này có hình chóp, tên gọi xưa là bánh âm. Bánh được gói bằng lá tre, lá dong, lá chuối… bên trong là nếp và nhân đậu xanh. Cũng như món ăn khác, bánh ú là món ăn dân giã, dễ làm nhưng đòi hỏi người làm bánh sự tỉ mỉ. Món bánh muốn đẹp và ngon, thu hút phụ thuộc nhiều vào sự khéo léo của người làm bánh.

Mỗi địa phương có cách sử dụng lá để gói bánh khác nhau. Ảnh: T.H.

Mỗi địa phương có cách sử dụng lá để gói bánh khác nhau. Ảnh: T.H.

Nguyên liệu:

- 600g nếp (chọn nếp có đùng đục màu sữa, hạt tẻ nếp có độ trong vừa phải để bánh đẹp và không bị đắng)

- 200gr đậu xanh đãi vỏ

- 250g đường cát trắng

- 50ml nước tro tàu

- 200g lá dứa

- 1 muỗng canh dầu ăn

- Lá tre (lá dong, lá chuối…), dây gói bánh

Chiếc bánh ú có hình chóp, trước kia gọi là bánh âm. Ảnh: T.H.

Chiếc bánh ú có hình chóp, trước kia gọi là bánh âm. Ảnh: T.H.

Làm gạo nếp:

Vo nếp thật sạch, sau đó cho vào thau nước ngâm chung với nước tro tàu qua đêm. Nhờ nước tro mà hạt nếp được dẻo nhuyễn. Vớt nếp ra rổ cho ráo nước.

Làm nhân bánh:

Bắc nồi lên bếp và luộc đậu xanh cho thật mềm. Sau đó, vớt ra để cho ráo nước và tán hoặc giã nát đậu xanh cho thật mềm nhừ.

Bạn cho đường vào khuấy đều. Sau đó, cho phần đậu xanh trộn đường vào chảo để lửa nhỏ sên lại cho hỗn hợp hòa trộn vào nhau, đến khi phần đậu sền sệt và cứng lại. Dùng đậu xanh làm nhân bánh. Hoặc bạn cũng có thể làm bánh ú lá tre nhân sầu riêng với hương vị khác biệt.

Những chiếc bánh gói xong sẽ cột thành từng chùm rồi bỏ vào nồi luộc. Ảnh: T.H.

Những chiếc bánh gói xong sẽ cột thành từng chùm rồi bỏ vào nồi luộc. Ảnh: T.H.

Gói bánh:

Cách gói bánh ú cho thấy sự khéo léo, tinh tế nằm ở cách dùng lá và sợi lạt thanh mảnh. Thú vị là bánh được gói càng nhỏ càng cho thấy được độ khéo tay của người gói.

Lá gói ngâm nước ấm cho mềm, rửa sạch lau khô

Xoắn lá gói hình phễu có góc tam giác. Dùng thìa múc muỗng canh nếp cho vào trước, cho thêm một muỗng nhân đậu vào giữa, sau đó tiếp tục cho 1 muỗng canh nếp lên.

Bánh được nấu với bếp củi hoặc bếp than. Ảnh: T.H.

Bánh được nấu với bếp củi hoặc bếp than. Ảnh: T.H.

Nấu bánh:

Bắc nồi nước nóng trên bếp, nấu cho nước sôi rồi cho bánh vào luộc khoảng 2 tiếng là chín.

Có một mẹo hay để bánh không bị sống đó là khi cho bánh vào nồi bạn hãy thắp một nén nhang. Chờ cho hương vừa tàn thì cũng là bánh vừa chín tới.

Bánh chín vớt ra, rửa lại với nước lạnh, để ráo. Bánh ú lá tre có nhân đậu xanh ngọt, ăn nguội. Có thể ăn kèm với nước cốt dừa hoặc chấm với đường, mật ong.

Yêu cầu thành quả: Bánh tro có màu vàng trong, có vị lạt, ăn dễ tiêu, thơm thoang thoảng mùi lá, mềm dẻo như một miếng thạch rau câu./.

Theo Vietnamnet.vn

Chia sẻ bài viết


Công ty quà tặng doanh nghiệp grand cru