Minh họa: Thiện Mỹ
Là người cùng xóm, chỉ xóm trên, xóm dưới nhưng bây giờ tôi mới có dịp vô nhà thím. Căn nhà được xây trên mô đất cao, đơn sơ và giản dị như chính con người thím vậy.
... Nhập ngũ đúng mùa mưa, ban đêm lội suối, nước lạnh buốt. Mưa kệ mưa, gió kệ gió, những đôi chân thoăn thoắt, đi như thác lũ. Người này mệt thì bỏ tay lên vai người kia mà bước. Đôi dép lỡ đứt thì kiếm dây rừng buộc lại mà đi. Vừa đi, vừa cõng thương binh, mặc cho đôi chân bị gai cào, đá cứa. Có những ngày đói lả, cầm hơi bằng củ khoai mà vẫn cùng đồng đội cáng thương binh vượt hàng chục cây số đường rừng để về tuyến sau an toàn.
- Thím gan thép thiệt!
- Sợ nhất là vắt! - thím vừa nói, vừa cười, đưa tay chặn ống quần như có con vắt đang bò lên ống chân vậy.
- Nghe kể, nó là “chị em” với con đỉa?
- Ừ, có điều “thấp bé nhẹ cân” hơn. Chúng có mặt khắp rừng. Chúng đu vào người hồi nào đâu có biết, chỉ biết khi nó đã hút máu no nê và rớt ra. Nói không ai tin chứ hồi ở chiến trường, thím sợ vắt chui vào người còn hơn sợ bom đạn.
- Hồi nãy thím bảo dép đứt phải xỏ dây rừng mà mang, khổ dữ vậy hả?
- Đi chiến đấu chớ có phải đi chợ đâu mà dép đứt hồi nào mua hồi ấy. Thiếu thốn trăm bề. Mỗi người có một đôi dép cao su, hai bộ đồ sẫm màu, vậy mà phải băng rừng, vượt suối.
- Bộ... thím không sợ chết hả? - tôi hỏi bằng ánh mắt khâm phục.
- Chết thì ai không sợ nhưng gặp thời bom đạn, ở nhà cũng đâu có yên, làm được gì cứ làm, rồi hẵng chết. Hồi đó thím nghĩ, chiến tranh còn thì chết chóc cũng còn. Nếu vậy thì thím thà chết ở chiến trường. Chỉ nghĩ vậy rồi đi chứ không có ý niệm to tát là dũng cảm, gan dạ gì hết.
“Giữa những ngày bom đạn ác liệt, khi mà nhìn đâu cũng chỉ thấy màu xám của sự hủy diệt và chết chóc thì ánh trăng vẫn không bị lãng quên. Thật kỳ lạ, tình yêu là thứ mà vũ khí không thể hủy diệt!”.
Câu chuyện tình yêu được tái hiện vào một buổi sáng trong lành, ngồi hong tóc bên hiên nhà, thím Xuyên chậm rãi, từng chút một “trình chiếu” lại những thước phim ký ức:
- Khi đơn vị đã cạn hết thuốc men, thím được “phái” băng rừng để nhận tiếp tế. Những đồng đội ở nhà kho đã cho thím thuốc với ba củ khoai để ăn theo đường. Xong việc rồi, trở về với đồng đội thì trăng cũng nhô cao. Ánh trăng dát bạc lá cây, ngọn cỏ. Mọi thứ xung quanh vừa trong sáng lại mờ ảo huyễn hoặc. Bỗng thím nghe có tiếng động lớn, tiếng gừ...ừ... rùng rợn trong lùm cây to trước mặt, hình như có thú dữ. Thím run rẩy, bước lùi... Khi chân chùn lại thì túi đồ trên lưng như nặng thêm gấp bội. Bom đạn không sợ mà giờ lại hoảng với một con thú hoang. Không được sợ, phải về thôi, có biết bao đồng đội bị thương đang chờ thuốc. Thím hít vào một hơi thật sâu, lấy hết dũng khí, rút con dao nhỏ trong túi đồ ra, lăm lăm trong tay, chân vẫn còn run nhưng liều mình bước tới.
Giật mình vì có một bàn tay đặt lên vai nói khẽ:
- Thú dữ, đừng đi vội, đợi thêm xíu.
Đấy, thím đã quen chú Tâm như vậy. Chú ấy là lính đặc công. Nghe lời chú, thím ráng ngồi đợi chú đánh lạc hướng cho con thú dữ bỏ đi rồi về đơn vị. Chú cảnh báo, đoạn rừng này có nhiều thú dữ, không được chủ quan. Chỉ nói một hai câu, chưa kịp hỏi tên nhau thì ánh trăng bỗng tắt. Trời có mưa? Thật không thể tin được. Trăng đang vành vạnh lại bất ngờ đổ mưa. (Sau này thím nghĩ, không phải cuộc gặp gỡ nào cũng là ngẫu nhiên). Mưa mỗi lúc một lớn. Một tấm vải dù, hai người cùng tránh mưa. Khi mưa tạnh thì đã không thể lội qua con suối ầm ào trước mặt. Thím bắt đầu thấy lo, thân gái yếu ớt giữa rừng vắng vẻ với một người đàn ông xa lạ. Chắc hiểu được tâm tư của thím nên chú ấy bảo, không sao, chúng ta là đồng đội mà. Một từ “đồng đội” đủ để người ta tin tưởng hơn bất kỳ một sự trấn an nào khác.
Nửa đêm, thím đang thiêm thiếp thì giật thót, run rẩy vì có một bàn tay đưa về phía eo mình. Thím cầm bàn tay đẩy ra, lo lắng nói:
- Chúng ta chưa quen nhau.
- Rồi sẽ quen, sẽ yêu.
- Nhưng em còn là cô gái chưa biết yêu.
Thím vẫn đỏ mặt lắc đầu, nói những câu lê thê về đạo đức, luân lý. Rồi bình minh cũng đến, một nhóm bộ đội hành quân ngang qua, thím theo họ về đơn vị, chỉ kịp đỏ mặt với người lính mới quen rồi tạm biệt.
Đang miên man trong giọng kể của người đàn bà đang yêu thì thím dừng lại hỏi:
- Như thế đã được gọi là “tình một đêm” chưa?
- Nếu dễ dãi một chút thì cũng tạm gọi là “tình một đêm”.
- Bây giờ nhớ lại, thím cứ mỉm cười nghĩ, không hiểu sao hồi ấy mình lại mạnh mẽ đến vậy!
Tới đây thì thím khóc, khóc như một đứa trẻ bị giựt miếng bánh trên tay. Giọng nghèn nghẹn, hai hốc mắt đong đầy nước:
- Gặp lại nhau khi chú Tâm đang là bệnh nhân, thím là y tá chăm sóc. Nhìn cánh tay sắp đứt lìa của chú, thím không cầm được nước mắt. Đừng khóc nữa cô bé, chỉ mất một đoạn tay thì cuộc đời vẫn còn nguyên. Nhưng thím vẫn chứ khóc, nhớ bàn tay từng đặt lên eo mình, thím nghĩ, giá như hồi ấy mình biết yếu lòng.
... Mỗi buổi sáng, trên con đường bêtông, tôi quần sọt, áo thun đi bộ đều gặp thím Xuyên quảy gánh rau ra chợ.
- Thôi, thím nghỉ ngơi bớt đi, đời còn được bao nhiêu mà cực thân quá!
Thím cười nhẹ tênh và không nói gì. Đem chuyện đó hỏi thì má tôi nói:
- Tận cùng của nỗi đau thím đã chứng kiến, đã vượt qua thì còn chuyện gì là khổ. Cũng trong năm đó, một quả bom Mỹ làn nổ tung hầm (trạm xá). Chú Tâm đang nằm trên giường bệnh, chỉ cách thím một bước chân. Khi mái hầm ập xuống, chú ấy nằm lại đó, vĩnh viễn... còn thím bị một mảnh đạn găm vào đầu. “Người tình một đêm” đã bỏ thím ấy trong gang tấc.
- Phải chăng đó là lý do thím không lấy chồng?
- Phần vì người cũ, phần vì sợ người mới khổ.
- Sao vậy?
- ... mình càng ngày càng vàng vọt, biết đâu thân đã chẳng mang bệnh, lấy chồng làm sao đẻ con?! - thím từng nói vậy./.
Nguyễn Thị Bích Nhàn