Tiếng Việt | English

07/09/2016 - 11:07

Thấp thỏm mưu sinh mùa lũ

Người dân vùng Đồng Tháp Mười đang ngóng lũ! Mức nước không cao nên nguồn lợi thủy sản không nhiều. Nhưng với nhiều cư dân ở vùng này, khi con nước nổi về cũng là lúc bắt đầu với việc mưu sinh mùa nước, một thói quen trong cuộc sống.

Từ những loại khô mắm

Từ đầu nguồn Tân Hưng đến các huyện: Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh,... người dân đều tận dụng các loại thủy sản, rau để làm thức ăn và mua bán, nhiều nhất là các loại cá. Hàng năm, theo con nước nổi, các loại cá theo dòng nước bơi vào những cánh đồng để sinh sản.

Cá được chế biến thành nhiều món ăn ngon, trong đó, không thể không kể đến các loại khô, từ khô cá lóc, cá trê đến cá chạch, cá sặt,... Nơi làm khô nổi tiếng và lâu năm tại huyện Tân Thạnh chủ yếu ở xã Kiến Bình và thị trấn Tân Thạnh. Riêng tại thị trấn Tân Thạnh, hiện có khoảng 10 hộ làm khô lớn được nhiều người biết đến, chủ yếu là khô cá lóc và cá trê.


Làm khô tại thị trấn Tân Thạnh

Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, ở thị trấn Tân Thạnh chia sẻ: “Chúng tôi làm khô (chủ yếu là khô cá lóc, cá trê) quanh năm chứ không riêng gì mùa lũ. Tuy nhiên, khi mùa lũ đến, những năm nước lớn, lượng cá về nhiều, giá khô bán ra ổn định và rẻ hơn so với những ngày khác".

Chị cho rằng, gắn bó với nghề nhiều năm, mặc dù vất vả nhưng gia đình không bỏ được. Một phần vì chị yêu nghề và muốn tạo việc làm, có thu nhập cho những lao động nghèo vào mùa nước. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, lượng cá không bằng những năm trước và ngày càng khan hiếm nên chị cũng như những người mưu sinh mùa lũ gặp không ít khó khăn.

Cá không chỉ dùng để làm khô, người dân còn chế biến thành các loại mắm để làm thức ăn. Chung số phận như các loại khô, mắm năm nay cũng không phong phú vì thiếu nguồn thủy sản.

Có việc làm từ hẹ nước

Thay vì gieo sạ lúa vụ Hè Thu, khoảng 4 năm nay, ông Nguyễn Như Phúc, ngụ ấp 2, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa lại tận dụng 1,3ha diện tích đất ruộng thu hoạch hẹ nước. Nhờ nguồn lợi từ thiên nhiên ban tặng, khoảng 2 tháng gần đây, ông thu lãi khoảng 40 triệu đồng.

Ông nói: Hẹ nước thường chỉ có vào mùa nước nổi. So với trồng lúa vụ này, hẹ nước đem lại lợi nhuận gấp 3 lần. Hơn nữa, tôi chỉ tốn một ít chi phí như bơm nước ngập ruộng cho hẹ phát triển, không phải tốn gì thêm. Hàng ngày, tôi mướn 14 công nhổ hẹ, bán cho thương lái ở Tây Ninh với giá 13.000 đồng/kg, mỗi ngày từ 200-400kg, tùy theo khách hàng đặt. Với lượng hẹ như hiện nay, gia đình tôi còn thu hoạch thêm gần một tháng nữa.


Bà Hai đang lặt hẹ

Trời còn chưa sáng, vợ chồng anh Trần Văn Nhiều, ngụ xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh lại chở nhau đến ruộng hẹ của ông Phúc để nhổ hẹ mướn. Dáng người gầy nhom, nước da đen sạm vì nắng gió, anh Nhiều bì bõm lội nước nhổ hẹ đem đến chỗ mát cho vợ ngồi lặt.

Anh cho biết, gia đình anh có ít ruộng đất nên chủ yếu sống bằng nghề làm mướn. Vào mùa nước, vợ chồng anh đi nhổ hẹ cho gia đình ông Phúc đến nay được mấy vụ. Mỗi ngày, 2 người nhổ được 30-35kg hẹ nước, được trả công 7.000 đồng/kg. Dù số tiền không nhiều nhưng mọi người thấy vui vì có thêm thu nhập; không phải đi bắt cá lúc có, lúc không.

Lắm gian nan

Dù biết rằng, mưu sinh mùa lũ lắm gian nan, vất vả, phụ thuộc vào thiên nhiên. Những năm lũ lớn, cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng ít nhiều, thế nhưng, họ quen sống chung với lũ, biết cách mưu sinh trong lũ. Vậy nên, hàng năm, đến thời điểm này, người dân lại trông ngóng lũ.

4 giờ sáng, bà Nguyễn Thị Hai, 77 tuổi, ở xã Kiến Bình, thức giấc, lục đục chuẩn bị cơm nước để bắt đầu hành trình cho một ngày đi nhổ hẹ mướn. Bất chấp cái lạnh đang phả vào da thịt, bà mặc vội áo mưa cho ấm, đón xe buýt đến xã Thủy Tây. Trong cái giỏ nhỏ, lúc nào bà cũng đem theo một ít nước uống, cơm cho bữa trưa và một bộ quần áo thay đổi để chiều đi về vì lội ruộng hẹ bị ướt.

Ở độ tuổi của bà, lẽ ra phải nghỉ ngơi nhưng vì cuộc sống, bà vẫn lao động. Bà kể: Mùa nắng, tôi gói bánh bán cho mấy người ở xóm. Mùa mưa, tôi đi nhổ hẹ cũng được 4 năm nay. Mình già nên làm được ít. Mỗi ngày, tôi nhổ từ 10-15kg. Sau khi trừ tiền xe buýt hết 20.000 đồng, tôi còn 50.000-70.000 đồng. Với tôi, nhiêu đó cũng vui vì có tiền trang trải cho sinh hoạt.


Anh Nhiều tươi cười bên ruộng hẹ

Mấy năm gần đây, một phần do nước lũ không cao cộng với tình trạng cào điện, chích điện,... đánh bắt triệt để nên nguồn lợi thủy sản ngày càng “nghèo” hơn. Thế nhưng, khi về Đồng Tháp Mười vào mùa lũ, vẫn thấy nhiều hình ảnh quen thuộc vất vả mưu sinh của người dân vùng sông nước. Đây cũng là một nét đặc trưng rất riêng của người dân vùng lũ./.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết