Tiếng Việt | English

05/04/2020 - 20:21

Thế giới có 65.652 người chết vì Covid-19, Tây Ban Nha đón tín hiệu tích cực

Tính đến chiều ngày 5/4 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 1.213.927 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 65.652 trường hợp tử vong và 252.391 người đã khỏi bệnh - theo số liệu mới nhất từ thống kê của Đại học Johns Hopkins.

Tín hiệu tích cực từ Tây Ban Nha

Thêm 674 người đã tử vong do Covid-19 tại Tây Ban Nha trong 24 giờ vừa qua – mức tăng thấp nhất tính theo tỉ lệ phần trăm kể từ đầu tháng 3, và đánh dấu dấu chiều hướng đi xuống trong ngày thứ 3 liên tiếp.

Nước này hiện ghi nhận 12.418 ca tử vong từ đầu đại dịch, cao thứ 2 thế giới chỉ sau Italia. Số liệu từ Bộ Y tế nước này cũng cho thấy hiện có 80.261 ca nhiễm vẫn đang được điều trị, tăng 1.488 ca so với ngày 4/4, cũng là mức tăng thấp nhất kể từ ngày 17/3. Các số liệu trên cho thấy nhiều khả năng Tây Ban Nha đã vượt qua giai đoạn đỉnh điểm nhất của dịch bệnh.


Một bệnh viện dã chiến bên trong một trung tâm triển lãm ở Madrid, Tây Ban Nha

Bộ Y tế nước này cũng cho biết có 38.080 người đã khỏi bệnh sau khi nhiễm virus, thêm gần 4.000 người so với con số hôm 4/4. Đây là lần đầu tiên mức tăng số ca nhiễm hàng ngày thấp hơn 2%. Tuy nhiên, số người phải vào phòng chăm sóc đặt biệt lại tăng 329, so với con số 116 một ngày trước đó.

Trung Quốc tuyên bố không giới hạn xuất khẩu dụng cụ y tế ra nước ngoài

Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 5/4, Thanh tra Bộ Ngoại thương Trung Quốc Jiang Fan cho biết nước này sẽ không giới hạn số lượng trang thiết bị y tế gửi sang các nước đang chiến đấu chống lại đại dịch Covid-19.

“Chúng tôi sẽ không quên rằng rất nhiều quốc gia đã chung tay giúp đỡ chúng tôi trong giai đoạn đầu của đại dịch”, bà Fan cho biết. “Khi mà tình hình dịch bệnh trong nước đã dịu bớt, nhưng lại gia tăng trên toàn cầu, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ cho các quốc gia và khu vực liên quan”.

Kể từ 1/3 đến nay, Trung Quốc đã xuất khẩu lượng trang thiết bị y tế thiết yếu trị giá 1,4 tỉ USD (hơn 33.000 tỉ đồng), bao gồm 3,86 tỉ khẩu trang, 37 triệu bộ quần áo bảo hộ, 16.000 máy thở, 2,8 triệu kit xét nghiệm, 8,4 triệu kính bảo hộ và 2,4 triệu nhiệt kế hồng ngoại – số liệu từ cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết.

Anh dự đoán còn 7-10 ngày nữa mới chạm đỉnh dịch

Nước Anh nhiều khả năng còn phải đợi từ 7 đến 10 ngày nữa trước khi biểu đồ dịch đi ngang và bắt đầu đi xuống, một chuyên gia dịch tễ hàng đầu và là cố vấn cho chính phủ của ông Boris Johnson cho biết.

Ông Neil Ferguson, người đã vạch ra biểu đồ dịch bệnh giúp chính phủ Anh đưa ra các biện pháp ứng phó, nói với đài BBC rằng đường đi của biểu đồ sẽ rất quan trọng, và không rõ liệu nước Anh sẽ chứng kiến “một đường nằm ngang kéo dài, hay một đường đi xuống nhanh chóng như chúng ta hi vọng”.


Một sĩ quan cảnh sát yêu cầu một người đi tắm nắng rời khỏi bãi biển tại Brighton, Anh

“Chúng ta có một số dấu hiệu cho thấy nó hiện đang chậm lại”, ông Ferguson nói thêm, chỉ ra rằng nước Anh đã có ngày đầu tiên khi số lượng các ca nhiễm Covid-19 phải nhập viện giảm so với ngày trước đó.

Anh hiện đã chứng kiến hơn 4.000 ca tử vong do Covid-19 và biểu đồ dịch ở nước này đang đi theo một đường hướng gần giống với các nước như Tây Ban Nha và Italia, những nơi đang có số tử vong vượt quá 10.000 người.

Tình hình tại Đức tiếp tục xấu đi

Số ca tử vong do Covid-19 tại Đức đã tăng lên thành 1.342, cơ quan kiểm soát dịch bệnh Robert Koch của nước này thông báo hôm 5/4.

Con số này phản ánh mức tăng 184 ca tử vong so với ngày 4/4. Tổng số ca nhiễm tại Đức cũng đã tăng gần 7% chỉ từ ngày 4/4 đến ngày 5/4.

Theo số liệu chính thức, hiện nước này đang có tổng số ca nhiễm là 91.714 ca, tăng 5.936 ca trong vòng 24 giờ, trong đó có hơn 26.000 người đã khỏi bệnh. Đức hiện là quốc gia có số ca nhiễm cao thứ 4 trên thế giới, sau Mỹ, Tây Ban Nha và Italia.

Thái Lan có thêm 3 ca tử vong

Quốc gia Đông Nam Á Thái Lan đã xác nhận thêm 102 ca nhiễm Covid-19 và 3 trường hợp tử vong mới trong ngày, Bộ Y tế nước này cho biết hôm 5/4.

Tổng số ca nhiễm được ghi nhận tại Thái Lan cho đến thời điểm hiện tại là 2.169 với 23 trường hợp tử vong và 674 người đã khỏi bệnh. Bangkok và các khu vực lân cận là nơi có số bệnh nhân cao nhất, đứng thứ hai là Phuket.


Lượng lượng quân đội khử trùng đường phố tại tỉnh Pattani, miền nam Thái Lan

Ấn Độ có nguy cơ cao từ các khu ổ chuột

Chính quyền Ấn Độ đã xác nhận thêm 3.374 ca nhiễm virus corona chủng mới tính đến 9h sáng ngày 5/4 (giờ địa phương) – Bộ Y tế nước này thông báo.

So với báo cáo ngày 4/4 trước đó, đã có thêm 302 ca nhiễm và 2 trường hợp tử vong. Tổng cộng, nước này đã có 77 người chết do virus và 267 người đã bình phục và xuất viện.


Nhân viên y tế vận chuyển một bệnh nhân Covid-19 từ một khu chung cư đến bệnh viện tại Gauhati, Ấn Độ hôm 4/4

Trong khu ổ chuột Dharavi ở thành phố Mumbai, khu ổ chuột lớn nhất châu Á, đã có thêm 2 người dương tính với Covid-19, đưa số người nhiễm ở đây lên thành 4 người. Khu ổ chuột này là nhà của khoảng 1 triệu người dân Ấn Độ, và có mật độ dân số cao gấp 30 lần thành phố New York – với khoảng 280.000 người/km2.

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết hôm 2/4 rằng chính phủ nước này đang cử 4.000 nhân viên y tế đến để xét nghiệm cho các người dân sống trong khu ổ chuột.

Số người chết tại Mỹ vẫn ‘không phanh’

Tính đến chiều ngày 5/4 (giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận 312.245 ca nhiễm Covid-19, vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới với 8.503 người tử vong. So với con số cập nhật từ buổi sáng cùng ngày, số ca nhiễm đã tăng khoảng 4.000 người và số trường hợp tử vong tăng 106 người. Bang New York vẫn là tâm dịch của nước Mỹ, với 114.174 ca nhiễm và 3.565 trường hợp tử vong.


Mỹ đang đối mặt với hiện tượng thiếu hụt trang thiết bị y tế nghiêm trọng

Trước tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng số lượng trang thiết bị y tế thiết yếu như khẩu trang, đồ bảo hộ cá nhân và máy thở, Tổng thống Donald Trump đã kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) để yêu cầu hãng sản xuất khẩu trang N95 lớn nhất thế giới 3M phải tăng cường sản lượng và giới hạn số lượng xuất khẩu sang nước ngoài.

Phản hồi trước yêu cầu này, 3M đã ra một tuyên bố cho biết hãng và các nhân viên đã và đang làm hết sức để sản xuất lượng khẩu trang N95 nhiều nhất có thể cho thị trường Mỹ, song khẳng định hãng này vẫn sẽ buộc phải tiếp tục xuất khẩu ra nước ngoài.

“Sẽ có những hệ lụy nghiêm trọng về mặt nhân đạo nếu chúng tôi dừng cung cấp khẩu trang cho các nhân viên y tế ở Canada và Mỹ Latin, nơi chúng tôi là nhà cung cấp khẩu trang chủ yếu”, tuyên bố này cho biết, lưu ý thêm rằng nếu được thực hiện, quyết định này cũng “nhiều khả năng sẽ khiến các quốc gia đáp trả và làm điều tương tự”, khiến thị trường Mỹ trên tổng thể sẽ có tổng lượng khẩu trang còn ít hơn.

Số ca nhiễm mới tại Tokyo tăng kỷ lục

Hơn 130 ca nhiễm Covid-19 mới đã được ghi nhận tại Tokyo – đài NHK của nước này đưa tin hôm 5/4, trích lời các quan chức chính quyền địa phương.

Đây là mức tăng cao nhất trong số ca nhiễm trong một ngày ở thành phố này, đưa tổng số ca nhiễm ở thủ đô Nhật Bản lên trên 1.000 ca, NHK cho biết.

Chính quyền thành phố đã mạnh mẽ kêu gọi người dân ở nhà, khi thành phố 13 triệu dân này chứng kiến những mức tăng liên tục trong số ca nhiễm trong vài ngày qua, làm dấy lên lo ngại về một sự bùng phát ngoài tầm kiểm soát của dịch bệnh trong thành phố, như đã xảy ra ở nhiều siêu đô thị 'ổ dịch' khác trên thế giới.

Hiện Nhật Bản ghi nhận hơn 4.000 ca nhiễm, bao gồm 712 trường hợp liên quan đến du thuyền Diamond Princess. 81 người đã tử vong trong đó có 11 ca từ du thuyền, và hơn 500 người đã khỏi bệnh.

Theo Vietnamnet

Chia sẻ bài viết