Tiếng Việt | English

08/05/2024 - 06:40

Theo ghe đi đốn lá trời 

Cây dừa nước không ai trồng, không tốn công chăm sóc mà bao đời nay vẫn xanh um dọc sông Vàm Cỏ. Trong thời đại công nghiệp, tuy nhiều loại vật liệu xây dựng như tôn, ngói,... ra đời nhưng lá dừa nước vẫn giữ được "vị thế" riêng. Người dân dùng nó để lợp nhà mát, quán cà phê,... Bởi sự mộc mạc đặc trưng của vùng quê sông nước mà những mái lá vẫn tồn tại đến ngày nay, vừa đem lại thu nhập cho người dân, vừa gợi nhớ hình ảnh tiền nhân mở cõi.

Nghề đốn lá cũng có “hoa tiêu” dẫn đường. Chú Chín nhiều kinh nghiệm nhất, đứng trước mũi ghe quan sát, hễ thấy đám lá nào được là báo anh Nguyễn Văn Tuấn (xã Tân Bình, huyện Tân Trụ) tấp ghe vào. Đó là những đám lá được mua lại của người dân trong vùng hoặc lá hoang gần Khu công nghiệp An Nhựt Tân (huyện Tân Trụ)

Chúng tôi có dịp theo ghe anh Nguyễn Văn Tuấn (xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) xuôi dòng Vàm Cỏ Đông, nơi còn những đám lá bạt ngàn nghiêng mình bên sóng nước.

Do gần cửa biển nên nước nơi này mặn đắng. Chén bát rửa xong phải tráng qua nước ngọt. Mùa này ai không quen mà lội sông thì da dễ “nổi mốc”, nguy hiểm hơn là “trúng nước”. Ông bà xưa dạy “vừa đi nắng về không được tắm ngay” là lý ấy.

Trong lúc đợi nước lớn, anh Tuấn cùng những thành viên trong đội tranh thủ nấu cơm ăn sáng. Mùa nóng ăn uống giản đơn, mặn mòi để ít ra mồ hôi. Vào mùa lạnh, trước khi lội nước, mỗi người uống một chung rượu hoặc húp chút nước mắm cái để chống hàn

Khi nước lớn mà lắc lư được ghe là lúc khởi hành. Làm nghề này nhờ nước lớn, lực đẩy của nước giúp tiết kiệm sức lúc kéo lá. Trong nhóm anh Tuấn, ai cũng nắm rõ quy luật con nước, ngồi ở nhà “bấm tay” cũng biết nước trên sông đang ở mức nào.

Những ngày nóng bức, trái dừa nước, trái bần chua là món ăn giải nhiệt tuyệt vời. Anh Tân kể: “Lúc trước, mỗi lần đi đốn lá là tôi đặt vài chục cái lọp, đốn xong giở lọp là có cá bống nấu cơm chiều”

Người thợ đốn lá phải mang giày bảo hộ để tránh giẫm phải miễn chai, bóng đèn. Lá để lợp nhà phải đủ độ già và ít bị sâu. Con sâu nằm trong tổ hình dạng như cái quặng, treo lủng lẳng. Loại sâu này phơi nắng không chết, nếu lợp lên mái thì nó tiếp tục ăn lá, khiến nhà bị dột.

Lá đốn xong phải xé làm đôi. Người thợ lành nghề nắm ngọn lá, xé một lần 4-5 tàu mà không gãy. Mỗi lần đi, nhóm 4 người của anh Tuấn đốn được hơn 1 thiên (1.000 tàu) lá. Lá dừa nước còn tươi khá bén, nếu không cẩn thận sẽ đứt tay, chảy máu

Lá dừa nước nếu phơi tại chỗ gọi là phơi giàn. Nhưng chuyến này, anh Tuấn chất xuống ghe, chở lên bờ phơi, sau khi khô sẽ giao lên vùng Thạnh Hóa. Ngoài ra, anh còn nhận làm các công trình từ lá dừa nước để tăng thu nhập.

Thành quả sau một ngày lao động

Đám lá nào đốn thường xuyên thì thường xanh tốt, ít sâu. Việc dưỡng lá cũng rất quan trọng. Người thợ giữ lại những cây cò bắp (lá non chưa bung) dành cho vụ sau. Giữa sông gió mát, từng cây cò bắp như mũi tên lao thẳng lên trời.

Dù nóng, vất vả nhưng lá mau khô, phơi 3 ngày là có thể đem lợp nhà

Giữa dòng Vàm Cỏ lững lờ trôi, mồ hôi đẫm lưng áo nhưng ánh lên trong đó là nồi cơm gạo dẻo, là tiếng cười ấm no của bao người./.

Huỳnh Thông

Chia sẻ bài viết